Cẩm nang bảo quản quần áo rét thật chuyên nghiệp
Len, dạ, nhung là những chất liệu rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc và bảo quản chúng một cách "pro".
Trong mùa lạnh, những trang phục với chất liệu len, dạ, nhung trở thành người bạn thân thiết của tất cả mọi người. Tuy nhiên, những "người bạn" này lại khá đỏng đảnh và có thể "mất phong độ" nhanh chóng nếu không được chăm sóc đúng cách. Sau đây là cẩm nang tối thượng giúp bạn chăm sóc và bảo quản đồ len, dạ, nhung đúng cách và "pro" nhất.
1. Chất liệu cashmere (len lông cừu)
- Mặc dù trên tag của các sản phẩm len lông cừu đều ghi rõ "Chỉ nên giặt khô" nhưng sự thật là bạn hoàn toàn có thể tự giặt những items này tại nhà một cách an toàn với dầu gội em bé. Lý do là bởi dầu gội em bé rất nhẹ dịu và vì vậy, nó sẽ không gây ảnh hưởng đến độ mềm mại của len lông cừu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tự giặt theo cách này khoảng 2 lần/mùa.
- Khi đồ len lông cừu còn ướt, hãy gom lại thành một khối rồi nhấc lên để tránh nguy cơ dão, mất dáng.
- Khi giặt đồ len lông cừu, tuyệt đối không vắt bằng cách xoắn vặn như thông thường bởi cách này có thể khiến món đồ bị biến dạng. Để làm ráo nước, bạn có thể dùng đến chiếc rổ quay rau (salad spinner). Trong trường hợp bạn không có rổ quay rau, hãy đặt dùng một chiếc khăn để thấm bớt nước trên món đồ rồi trải thẳng nó lên lưới phơi đồ chuyên dụng và để như vậy cho đến khi khô.
- Luôn gấp đồ len lông cừu làm ba để tránh nếp gấp chạy dọc giữa thân áo khi mặc.
- Khi hết mùa lạnh, hãy ghi nhớ giặt sạch sẽ len lông cừu trước khi cất tủ để hạn chế tối đa nguy cơ nấm, mốc, mối mọt tấn công.
2. Chất liệu len
- Sau mỗi lần mặc đồ len, hãy dùng bàn chải chuyên dùng cho chất liệu da lộn chải nhẹ nhàng khắp bề mặt áo để loại bỏ bớt bụi bẩn và xơ vải.
- Với áo khoác len, bạn hãy treo chúng lên móc treo bằng gỗ để ngăn tình trạng dão áo.
- Để loại bỏ vết bẩn trên đồ len sáng màu, bạn hãy dùng khăn mềm hoặc khăn giấy nhúng vào nước lạnh hoặc nước soda rồi chấm nhẹ nhiều lần lên vết bẩn.
- Hai thời điểm bạn nhất thiết nên giặt áo khoác len là vào đầu và cuối mùa lạnh. Mối, mọt thường bị thu hút bởi những yếu tố như mùi hương cơ thể người, thức ăn và vì vậy, chiếc áo của bạn sẽ trở thành "mồi ngon" của chúng nếu không được giặt sạch sẽ trước khi cất tủ.
- Hạn chế cất nhiều đồ vật vào trong túi áo len/quần len để tránh tình trạng dão, mất dáng.
- Cách giặt tay và phơi đồ len: Ngâm đồ trong nước ấm vừa pha nước giặt có thành phần thật nhẹ dịu trong 3 - 5 phút rồi xả sạch với nước mát; sau khi giặt sạch, nhẹ nhàng ép bớt nước khỏi món đồ rồi trải thẳng món đồ lên lưới phơi, tuyệt đối không phơi bằng cách treo thông thường để tránh dão áo.
- Tuyệt đối không dùng chất tẩy hay giặt đồ len với nước nóng.
- Đối với những chiếc quần len bó sát, bạn nên để khoảng cách giữa hai lần mặc là 24 giờ để chúng có thể đàn hồi về trạng thái ban đầu.
3. Chất liệu phao
- Chỉ nên giặt áo phao bằng máy giặt cửa trước bởi máy giặt cửa trên có thể làm hỏng áo.
- Chỉ nên dùng một lượng nước giặt vừa đủ bởi quá nhiều nước giặt sẽ khiến áo phao không thể phồng được như lúc đầu.
- Nếu chiếc áo phao của bạn bẩn nhiều, hãy dừng lại giữa quá trình giặt khoảng một tiếng và để nguyên chiếc áo trong nước trong suốt thời gian đó.
- Để đảm bảo chiếc áo được giặt sạch xà phòng, hãy giặt thêm một lần nữa mà không dùng đến nước giặt.
- Chỉ nên sấy áo phao ở mức nhiệt thấp và sấy nhiều lần.
- Cho một vài quả bóng tennis sạch vào cùng với áo phao trong lúc sấy có thể giúp chiếc áo phồng đẹp được như lúc đầu.
4. Chất liệu nhung
- Không phải tất cả các loại vải nhung đều bắt buộc phải giặt khô, ví dụ như vải nhung tuyết có thể giặt được bằng máy.
- Tuyệt đối không là vải nhung bằng bàn là thường; khi cần thiết, bạn có thể là bằng máy là hơi nước (steamer) nhưng với điều kiện phải lộn trái vải khi là. Ngoài ra, bạn có thể làm phẳng vải nhung một cách tự nhiên bằng cách treo món đồ trong phòng tắm, hơi nước sẽ giúp là phẳng những vết nhăn.
- Không bao giờ gập đồ nhung khi cất tủ mà hãy bọc chúng với khăn giấy rồi trải thẳng.
- Bề mặt vải nhung dễ dàng bị xẹp, bởi vậy hãy tránh tác động mạnh (ấn, miết) lên món đồ.
- Bạn có thể dùng cây lăn bụi để làm sạch đồ nhung.
Nguồn: StyleCaster