Cách hay để xoa dịu lòng ghen tỵ giữa con đầu và con thứ
Dưới đây là năm lời khuyên giúp phát triển tình yêu thương giữa con đầu và con thứ của các bậc cha mẹ giàu kinh nghiệm.
1. Giúp bé quan tâm tới em
Ai cũng biết rằng các em bé không phải là người để chơi cho vui. Tất cả những gì chúng có thể làm là khóc, ăn và ngủ. Thật là chán! Hãy cố gắng để những đứa con lớn quan tâm đến thành viên mới trong gia đình.
Ví dụ, mẹ bế đứa con mới sinh vào phòng con trai đầu mới 3 tuổi: "Anh Hai ơi, em bé hỏi rằng em bé có thể nằm trên giường cùng với con không?" “Anh Hai” sẽ cười và nói: Có. Khi đó người mẹ sẽ quay sang em bé: "Con yêu, anh Hai nói có đấy! Nào, con hãy chui vào mền của anh nhé". Với cách đó, người mẹ giúp con lớn cảm thấy rằng đứa bé mới sinh rất yêu mình và cần sự giúp đỡ của mình.
Nếu đứa trẻ khóc, mẹ sẽ nói: "Con đừng sợ hãi, anh Hai đang ở bên cạnh con này". Cũng nên giúp con lớn chú ý đến bé sơ sinh khi đứa trẻ làm điều gì đó dễ thương. Ví dụ, nếu nó bắt đầu nhai đồ chơi, mẹ có thể nói: "Ôi, anh Hai ơi! Có ai lại ăn bữa ăn sáng bằng đồ chơi không?". “Anh Hai” sẽ cười và nói: "Đúng rồi! Chẳng ai lại ăn đồ chơi cả, em thật là ngốc". Như vậy “anh Hai” sẽ có cảm giác như mình đã nghĩ ra một trò đùa khiến cả nhà bật cười. Nó sẽ thấy thích thú về điều đó.
Ảnh minh họa.
2. Trò chuyện với cả hai con như thể chúng là một “liên minh”
Bằng mọi cách, hãy cố gắng tránh sự cạnh tranh giữa các con, làm sao cho chúng quen với việc dựa vào nhau: "Hai anh em muốn ra ngoài sân chơi không?" Hoặc "Nào, mẹ con mình cùng sửa soạn tắm cho em" hay “Hai chị em cùng nhảy lên giường nào”. Trong bản chất của mỗi con người luôn khao khát tìm ra những người chung một nhóm với mình - hãy sử dụng bản tính này để giúp trẻ cảm thấy mình chung một nhóm: Anh em mình (hoặc chị em mình) cùng nhau chống cả thế giới!
3. Đừng ám ảnh trẻ
Các nhà tâm lý khuyên các ông bố bà mẹ đừng gán vào cho trẻ những ám ảnh kiểu như - "họa sĩ tí hon của chúng ta", "nhạc sĩ", "cầu thủ". Cũng không nên phân cho các con mình những vai trò như kẻ bắt nạt và nạn nhân. "Nếu Nhi xô đẩy em gái của nó, tôi cố gắng không kết tội con là đứa bé xấu, và em nó là đứa trẻ yếu ớt và bất lực – một bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm của mình - Tôi nói, Nhi à, con mạnh tay với em quá. Các con là chị em gái, các con phải cẩn thận hơn với nhau, các con hiểu chứ? Các con có đồng ý với mẹ không? Các con đừng quên chăm sóc lẫn nhau".
4. Dành thời gian hợp lý cho mỗi đứa trẻ
"Trước khi sinh ra bé Bo, chúng tôi dành rất nhiều thười gian cho Bi - bà mẹ của hai đứa trẻ 4 và 8 tuổi tâm sự - Mỗi buổi tối chúng tôi đều xuống sân chung cư chơi hoặc đi xe đạp. Sau khi Bo xuất hiện, chúng tôi đi đâu, làm gì cũng có cả 3 người. Sau một thời gian tôi nhận thấy Bi thay đổi – nó bám chặt lấy tôi, cố gắng kéo dài thời gian khi tôi ru nó ngủ. Khi đó, tôi nhận ra rằng đó là thời gian duy nhất để nó có một vài phút một mình với tôi, và nó muốn được một mình với tôi như trước kia.
Ảnh minh họa.
Vì vậy, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch để có những lúc chỉ có hai mẹ con, khi Bo ở nhà với ba và ngược lại. Vào các buổi chiều chủ nhật ngày chồng tôi đưa Bi đi chơi, đưa Bi đến trường mỗi buổi sáng. Như thế, mỗi đứa trẻ sẽ có những khoảng thời gian một mình với bố mẹ. Chúng tôi có kế hoạch trước cho những buổi hẹn hò như thế và thảo luận về chúng khi những ngày đó tới gần – mọi việc trở nên đặc biệt hơn".
5. Đừng bỏ rơi những đứa trẻ lớn hơn khi những trẻ sơ sinh trở thành trung tâm chú ý
"Khi Na mới sinh, bé ngủ suốt ngày, nhưng bây giờ, bé bắt đầu học đi và nói, bé được chú ý nhiều hơn – anh Hùng, ba của một cậu bé 3 tuổi và một cô bé 1 tuổi kể - Khi chúng tôi đi dạo trong công viên, ai cũng thích tới gần và ngắm Na. Họ hay kêu lên: “Ôi, cô bé xinh quá”. Nhưng chẳng ai để ý đến anh của Na, bé Bim. Na thì chẳng quan tâm đến điều đó.
Nhưng tôi nhìn thấy là Bim thấy tủi thân khi chỉ vì em gái mà nó bị quên lãng. Nó bắt đầu hát lớn để lôi cuốn sự chú ý. Tôi liền cố gắng để mọi người nhận ra điều tế nhị ấy. Khi có ai đó hỏi: “Cô bé bao nhiêu tuổi rồi”, tôi trả lời: “Bé mới tròn một tuổi cách đây mấy này, còn anh của bé thì đã được ba tuổi”. Hoặc khi có người quen bảo: “Thế là công chúa biết đi rồi” thì tôi nói: “Là anh trai của bé giúp bé tập đi đó”. Và như thế là Bim cảm thấy tôi không quên nó, nó không phải người thừa”.