Cách giúp con giải quyết xung đột với bạn bè

Kim Dung,
Chia sẻ

Hầu hết trẻ em, từ mới biết đi đến tuổi thanh thiếu niên, có thể cần tới sự trợ giúp để giải quyết những vấn đề xung đột với bạn bè.

Cách giúp con giải quyết xung đột với bạn bè - Ảnh 1.

Khi một sự cố ở mức độ nhẹ hoặc dường như đang đi đúng hướng để có giải pháp tích cực thì sự can thiệp của cha mẹ có thể sẽ không cần thiết.

Đây là lúc cha mẹ có thể đưa ra sự hỗ trợ và giúp con phát triển các kỹ năng hiệu quả.

Lý do trẻ em đánh nhau với bạn

Trẻ em đánh nhau với bạn ở lớp, hay trong hoạt động nào đó bên ngoài gia đình, là một phần bình thường của tình bạn và trẻ phải học cách điều hướng. Cho dù giữa bạn thân hay bạn bè bình thường, nước mắt, cơn giận dữ, nỗi buồn, sự bướng bỉnh, sự cô lập, phẫn nộ và cảm giác tổn thương là những hậu quả có thể xảy ra của xung đột.

Tiến sĩ Andy Brimhall - nhà trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết, trẻ em đánh nhau với bạn bè vì nhiều lý do, từ hiểu lầm, tranh cãi về một món đồ chơi, cảm giác bị bỏ rơi cho đến trường hợp bị bắt nạt. Những cuộc cãi vã này có thể diễn ra trong thời gian ngắn, từng đợt, hoặc trở thành trận cãi vã lớn hoặc thậm chí dẫn tới kết thúc một tình bạn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một số trẻ sẽ giữ cảm xúc ở bên trong, hoặc gặp khó khăn trong việc thiết lập những ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ. Vậy nên, cha mẹ thường băn khoăn không biết làm cách nào để giúp đỡ con. Họ có thể lo lắng về lý do tại sao con mình lại đánh nhau với bạn bè.

Honora Einhorn - nhà trị liệu hành vi chuyên làm việc với trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình tại Mỹ cho biết: “Việc trẻ em rơi vào xung đột với bạn bè là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí, những cuộc cãi vã này thực sự có thể mang lại lợi ích cho trẻ bằng cách cho chúng cơ hội rèn luyện các kỹ năng xã hội của mình”.

Chuyên gia này giải thích thêm, xung đột hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên trong việc điều hướng sự khác biệt, học cách quản lý, truyền đạt hiệu quả những cảm xúc khó khăn, phát triển khuôn khổ đạo đức, xây dựng các kỹ năng và năng lực xã hội tổng thể, bao gồm cả sự đồng cảm.

Chung quan điểm, theo Tiến sĩ Brimhall, những bất đồng có thể là cơ hội để trẻ nhận ra cảm xúc của mình. Từ đó, truyền đạt nó một cách chính xác và bày tỏ những gì trẻ cần. Đây đều là những kỹ năng cảm xúc xã hội quan trọng cần phát triển để giúp trẻ định hướng các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, những cuộc cãi vã này có thể gây ra nhiều đau khổ về mặt tinh thần cho những đứa trẻ có liên quan.

Xung đột không phải lúc nào cũng được xử lý theo cách giải quyết nhẹ nhàng. Đó là khi cha mẹ có thể đưa ra hướng dẫn và can thiệp nếu cần.

Cách giúp con giải quyết xung đột với bạn bè - Ảnh 2.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, phụ huynh sẽ thấy rõ khi nào mình cần can thiệp.

Đưa ra hỗ trợ đúng lúc

Theo ông Brimhall, điều quan trọng là phụ huynh phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc giúp đỡ và để trẻ tự giải quyết mọi việc. Cách tiếp cận của cha mẹ sẽ thay đổi khi con lớn lên. Tuy nhiên, chỉ vì trẻ lớn hơn không nhất thiết là chúng sẽ không cần sự giúp đỡ. Điều quan trọng là phải để mắt đến các mối quan hệ xã hội của con. Sau đó, khi xảy ra sự cố, cha mẹ sẽ có mặt ở đó để đưa ra sự hỗ trợ phù hợp.

“Hãy bắt đầu với hai đặc điểm nổi bật của việc nuôi dạy con: Sự ấm áp và có tổ chức. Hãy đặt mục tiêu trở thành huấn luyện viên cảm xúc của con bằng cách thừa nhận cảm xúc, làm gương về hành vi bình tĩnh, quan tâm, lắng nghe, cùng nhau suy ngẫm và sau đó tìm ra giải pháp”, Tiến sĩ Brimhall đưa ra lời khuyên.

Thách thức thường là tìm ra thời điểm nên can thiệp, mức độ hỗ trợ cần và khi nào nên tránh hoàn toàn. Tiến sĩ Brimhall giải thích, nếu phụ huynh sớm giải quyết mọi xung đột thì trẻ có thể không học được cách tự mình làm điều này. Điều đó có nghĩa là, trẻ em sẽ khác nhau về số lượng và hình thức trợ giúp mà chúng cần (hoặc muốn). Vì vậy, cha mẹ cần cung cấp sự hỗ trợ của mình theo cách phù hợp nhất với con mình, cũng như tình huống cụ thể mà trẻ đang gặp phải.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, phụ huynh sẽ thấy rõ khi nào mình cần can thiệp, chẳng hạn như lúc trẻ đánh, cắn bạn. Tiến sĩ Brimhall cho biết, rõ ràng, nếu một vụ đánh nhau mang tính chất thể xác hoặc tàn nhẫn, chẳng hạn như trong trường hợp bắt nạt, cha mẹ sẽ muốn can thiệp để đảm bảo an toàn về mặt tinh thần và thể chất cho mỗi đứa trẻ.

Điều này cần được áp dụng cho dù trẻ là kẻ gây hấn hay bị hại. Cũng cần lưu ý rằng, đôi khi cả hai đứa trẻ đều có những lời nói hoặc hành động không đúng mực. Sau khi hành vi đã được dừng lại một cách an toàn, điều quan trọng là phải tìm hiểu cặn kẽ điều gì đang xảy ra và lý do. Sau đó, tìm kiếm giải pháp để ngăn hành vi đó xảy ra lần nữa.

Tiến sĩ Brimhall khuyên, phụ huynh cần tránh việc chỉ tập trung vào cảm xúc hoặc trừng phạt cũng như quá độc đoán. Thay vào đó, hãy hướng tới mục tiêu trung gian là kết nối, lắng nghe, đưa ra hướng dẫn và chỉ tham gia ở mức độ cần thiết. Ngoài ra, ông khuyên phụ huynh nên thiết lập các quy tắc hoặc giá trị gia đình thân thiện với xã hội, chẳng hạn như phương châm “chúng ta chia sẻ và thay phiên nhau” để con làm quen với những mong đợi.

Khi một sự cố ở mức độ nhẹ hoặc dường như đang đi đúng hướng để có giải pháp tích cực thì sự can thiệp của cha mẹ sẽ không cần thiết. Tuy nhiên, những lúc khác, phụ huynh có thể cần phải tin vào trực giác của mình và/hoặc xem xét sở thích của con để biết mức độ trợ giúp. Tuy nhiên, việc lắng nghe, trao cho trẻ một cái ôm hoặc sự hỗ trợ nhẹ nhàng khác thường rất hữu ích cho con. Khi đó, trẻ có thể muốn chia sẻ những gì đã xảy ra, nghĩ ra giải pháp, hoặc đơn giản là muốn trút giận. Quan trọng nhất, hãy cho trẻ biết là cha mẹ đang đặt vào vị trí của con.

Cách giúp con giải quyết xung đột với bạn bè - Ảnh 3.

Những bất đồng có thể là cơ hội để trẻ nhận ra cảm xúc của mình.

Lời khuyên theo độ tuổi

Những cuộc cãi vã của trẻ với bạn bè là mang tính cá nhân, tùy theo mối quan hệ và hoàn cảnh cụ thể. Một số tình bạn sẽ bao gồm rất nhiều cuộc cãi vã hoặc hiểu lầm. Trong khi đó, những tình bạn khác sẽ thỉnh thoảng xuất hiện cãi vã hoặc tổn thương không thể nói thành lời. Cũng có những người bạn hiếm khi bất đồng ý kiến gì cả.

Đối với những đứa trẻ nhỏ nhất, tranh luận có thể nhằm củng cố các kỹ năng mới, chẳng hạn như chia sẻ và thay phiên nhau. Những đứa trẻ lớn thường phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn như áp lực từ bạn bè, ý kiến trái chiều, sở thích, bản sắc, lòng tự trọng, hormone tăng cao, tâm trạng thất thường và cái tôi.

Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về các cuộc cãi vã và khả năng giải quyết chúng một cách độc lập của trẻ sẽ khác nhau. Song, vẫn có những xu hướng chung dành riêng cho từng độ tuổi và giai đoạn. Cách tiếp cận của phụ huynh để hướng dẫn trẻ vượt qua những xung đột này cũng sẽ điều chỉnh tùy theo sự trưởng thành của con, cũng như kỹ năng đối phó và liên quan của cá nhân cha mẹ.

Tiến sĩ Brimhall nói: “Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rằng, nếu con họ nổi cơn thịnh nộ khi đánh nhau với bạn bè, cảm xúc của chúng đã đến mức không thể quay lại. Đây không phải là lúc để giảng dạy”. Thay vào đó, hãy đưa trẻ ra khỏi tình huống đó và tập trung bình tĩnh lại. Sau đó, khi trẻ đã dịu đi, hãy thảo luận về những gì đã xảy ra và chiến lược cho lần xung đột tiếp theo.

Chuyên gia Einhorn gợi ý, tùy từng độ tuổi, cha mẹ có thể để trẻ thực hành các kỹ năng điều tiết cảm xúc và chịu đựng đau khổ. Cụ thể, trẻ có thể sử dụng kỹ năng đối phó như chánh niệm, không kìm nén những cảm xúc tiêu cực và hít thở sâu.

Cha mẹ cũng có thể để trẻ khẳng định lại khả năng gọi tên, hiểu, giao tiếp và quản lý cảm xúc cá nhân. Đồng thời, phụ huynh hãy hỗ trợ trẻ thực hành cách nhìn nhận quan điểm (ý tưởng rằng cả hai quan điểm đều quan trọng) và xây dựng các kỹ năng giao tiếp và mối quan hệ bền chặt hơn.

Cuối cùng, mục tiêu là trẻ có thể giải quyết hầu hết các vấn đề với bạn bè một cách độc lập. Song, cha mẹ vẫn sẽ luôn có mặt để hỗ trợ khi trẻ muốn hoặc cần.

Việc trẻ em đánh nhau với bạn bè là điều không xa lạ. Do đó, học cách xử lý những bất đồng này một cách khéo léo là một kỹ năng sống quan trọng. Nhiều xung đột trong số này diễn ra nhanh chóng, nhưng đôi khi xuất hiện những vấn đề lớn hơn đòi hỏi cha mẹ phải can thiệp kịp thời. Do đó, phụ huynh hãy hỗ trợ con bằng cách giúp chúng phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và quan hệ hiệu quả.

Cuối cùng, trẻ sẽ học cách giải quyết hầu hết các xung đột này một cách độc lập. Điều đó có nghĩa là, phụ huynh hãy sẵn sàng can thiệp khi con cần thêm trợ giúp và/hoặc đang gặp khó khăn để giải quyết những vấn đề này một cách thích hợp.

Một số trẻ có thể sở hữu kỹ năng quản lý, vượt qua và tránh những bất đồng này tốt hơn, trong khi đó, những đứa trẻ khác dường như là nam châm thu hút trận chiến thường xuyên và căng thẳng. Tuy nhiên, cha mẹ có thể không dễ để biết khi nào nên can thiệp, hỗ trợ gì và đâu là lúc nên đứng ngoài cuộc chiến của con mình. Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu thêm về cách dạy con giải quyết những bất đồng với bạn bè.

Theo Very well family

Chia sẻ