Con cư xử thô lỗ, thường xuyên đánh bạn trong lớp, mẹ "sốc" nặng khi biết mình là nguyên nhân!

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Khi con cư xử thô lỗ, thường xuyên dùng bạo lực với người khác, cha mẹ cần nhìn lại cách dạy dỗ của chính mình.

Nuôi dạy trẻ là một nghệ thuật và cha mẹ chính là người "nghệ sĩ". Ai làm cha làm mẹ cũng mong con cái mình biết vâng lời, ngoan ngoãn, cư xử đúng mực. Khi con hư, thô lỗ với mọi người xung quanh, thường xuyên đánh bạn cùng lớp, sẵn sàng dùng bạo lực (như đánh lại cha mẹ, ném đồ...) để phản ứng lại nếu không vừa lòng 1 việc gì đó, hẳn ai làm cha mẹ cũng rất đau đầu, khó chịu.

Lúc đó, chúng ta chỉ biết trách phạt con mình, thậm chí là dùng đòn roi để trị. Tuy nhiên, cha mẹ không nhận ra rằng, chính bản thân người nuôi dạy trẻ mới là nguyên nhân khiến con hư. Việc dùng hình phạt, đòn roi không những khiến con không nghe lời, mà còn làm cho tính cách của chúng có xu hướng bạo lực hơn.

Dưới đây là 5 lý do xuất phát từ cha mẹ hoặc người nuôi dạy trẻ khiến con càng ngày càng kém lịch sự, thô lỗ và bạo lực với người khác.

1. Phó mặc chuyện dạy con, chơi với con cho người khác

Ngày nay nhiều cha mẹ hiện đại, mải kiếm tiền nên thường gửi con đi học sớm, hoặc giao con cho giúp việc ở nhà trông nom, chăm sóc. Ông bà không quan tâm đến việc dạy dỗ cháu, nuông chiều quá mức và mặc định chuyện dạy con là của cha mẹ. Điều này khiến cho trẻ không cảm nhận được bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào với mọi người xung quanh. Vì vậy chúng không học được phép lịch sự, tôn trọng người lớn.

Con cư xử thô lỗ, thường xuyên đánh bạn trong lớp, mẹ "sốc" nặng khi biết mình là nguyên nhân! - Ảnh 1.

2. Cha mẹ quá khoan dung

Khi con quậy phá, đánh người khác, nói tục... nhiều cha mẹ chỉ cười, thậm chí có người còn khoái chí cho rằng con láu cá và khôn hơn những đứa trẻ khác. Cha mẹ nghĩ rằng trẻ hư chưa cần phải dạy dỗ nghiêm khắc, vì chúng còn nhỏ, có biết gì đâu... Tuy nhiên suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng chưa thể nhận biết được hành vi nào của mình là đúng, hành vi nào là sai. Vì vậy cha mẹ và người lớn có trách nhiệm phải dạy dỗ con nghiêm khắc để chúng nhận ra và biết cách tôn trọng, lịch sự mọi lúc mọi nơi.

3. Để con phụ thuộc quá mức vào các thiết bị điện tử

Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, thông qua các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng, máy chơi games... Các đồ chơi bạo lực hoặc những hình ảnh có tính bạo lực trên các thiết bị kỹ thuật cao có thể tạo cho con trẻ sự hung hăng. Những điều này trẻ em "học" được không chỉ trên các thiết bị cầm tay mà còn cả trên truyền hình hay bất cứ phương tiện truyền thông nào khác. Đã có không ít những vụ việc đau lòng xảy ra chỉ vì con học theo các hình ảnh, nhân vật trên mạng xã hội.

Cha mẹ bận rộn chỉ đưa điện thoại cho con xem và thấy con ngồi yên 1 chỗ thì yên tâm. Chúng ta không kiểm soát được các nội dung mà con xem. Và không biết được rằng con đã tiếp xúc với những nội dung độc hại.

Khi mới sinh ra đến năm 2 tuổi, bộ não của một đứa trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần và sẽ tiếp tục phát triển cho đến năm 21 tuổi. 2 năm đầu đời là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, nó phụ thuộc nhiều vào các kích thích từ môi trường bên ngoài. Việc thường xuyên xem các nội dung độc hại sẽ khiến con bị tiêm nhiễm và hành động theo. Vì vậy các chuyên gia tâm lý và giáo dục trẻ em khuyên cha mẹ nên dành thời gian chất lượng cho con. Hạn chế nhiều nhất thời gian con sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ dưới 6 tuổi chỉ nên chơi thiết bị điện tử tối đa 1 giờ mỗi ngày.

Con cư xử thô lỗ, thường xuyên đánh bạn trong lớp, mẹ "sốc" nặng khi biết mình là nguyên nhân! - Ảnh 2.

4. Cha mẹ để chính con đe dọa cảm xúc

Cha mẹ hiện đại tôn trọng ý kiến và cảm xúc của con hơn. Việc này là điều tốt, nhưng nhiều phụ huynh lúc nào cũng thuận theo ý con thì nó lại trở thành một vấn đề. Việc đáp ứng yêu cầu của con vô điều kiện, luôn sợ con buồn, sợ con khóc... sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy mình là trung tâm, và không để ý đến nhu cầu và cảm xúc của người khác.

Vì vậy khi cha mẹ muốn cho con nhiều đặc quyền hơn, hãy chắc chắn rằng nó phải đi kèm với nhiều trách nhiệm hơn.

5. Đặt nhu cầu của con lên nhu cầu bản thân

Cha mẹ cũng có nhu cầu cá nhân và cần con cái tôn trọng. Việc để những đòi hỏi của con lấn át hết tất cả sẽ khiến đứa trẻ trở nên ích kỷ, không biết san sẻ và chúng sẽ thô lỗ hơn khi không được đáp ứng đúng ý mình.

Chia sẻ