Dạy con đi... đánh bạn
Cậu bé A.K chạy về nhà khoe mẹ là bị bạn đánh, liền bị mẹ mắng: “Nó đánh mày ở đâu. Sao mày ngu thế, không đánh lại nó”.
Người ta vẫn thường ví trẻ em như một trang giấy trắng, nghĩa là khi viết vào đó những điều tốt, điều hay thì sẽ trở thành một bài học hữu ích, lớn lên sẽ trở thành người hữu dụng cho đời. Tuy nhiên trang giấy trắng hoàn toàn có thể bị vấy bẩn bởi sự tác động khách quan bên ngoài. Những định hướng sai lệch của người lớn sẽ là nguyên nhân tất yếu khiến cho trẻ ngày càng có khuynh hướng bạo lực hoặc ích kỷ với mọi người xung quanh.
Thiết nghĩ , trẻ con trong trường chơi chung với nhau sao tránh khỏi những lúc cào cấu, đấm đá nhau. Trong trường hợp đó, dù xót con, chúng ta vẫn cần phải bình tĩnh để chỉ con cách nhìn nhận vấn đề. Thay vì xúi giục con đánh lại bạn, chúng ta hãy phân tích bạn sai ở chỗ nào và khuyến khích trẻ mách lại với cô giáo để cô có hướng xử phạt, nhắc nhở bạn khắc phục những sai phạm ấy.
Nếu quá lo lắng việc con yêu bị trầy xước, hãy khuyên con nên hạn chế tiếp xúc với những người bạn thường xuyên có khuynh hướng bạo lực. Quan trọng là trong cách diễn đạt cần đơn giản để bé dễ tiếp thu. Tuyệt đối không sử dụng từ ngữ mang ý nghĩa miệt thị vì điều này đồng nghĩa với việc bạn đang cổ vũ cho tính cách đỏng đảnh, kiêu kỳ nơi cô hoặc cậu bé của chúng ta.
Hãy kiên nhẫn giải thích sai phạm và nhắc nhở để trẻ có cách nghĩ, lối sống vị tha trước lỗi lầm của người khác. Nếu khuyến khích sự trả đũa, con cái của chúng ta sẽ dần hình thành tính thù vặt, thù dai. Sau này, những mầm non ấy liệu có thể tốt đẹp khi vây bám những ý nghĩ hận thù, trả đũa những người từng gây tổn thương cho chúng.
Trẻ con là những thiên sứ được thượng đế ban tặng, vì vậy chúng ta cần vun đắp chúng bằng những điều tốt đẹp, những ý niệm thánh thiện, để chúng luôn muốn đem yêu thương cho mọi người và san sẻ hạnh phúc đi muôn nơi.