Các ông bố bà mẹ hiện đại ơi, đừng bao giờ để con ăn cơm một mình!
Bạn đã bao giờ mệt mỏi vì con chẳng trân trọng thức ăn, công sức mình nấu nướng, nấu cho con ăn, con chẳng ăn, cũng chẳng cảm ơn mẹ lấy một câu chứ đừng nói đến ngồi ăn với thái độ biết ơn bố mẹ đi làm vất vả mình mới có cái ăn, mẹ đứng bếp cả tiếng mình mới có thức ăn trên bàn?
Bạn đã bao giờ thấy xấu hổ vì con khi có khách đến nhà ăn cơm vì con không mời, không ăn uống có văn hóa?
Bạn đã bao giờ đến những bữa tiệc và thấy trẻ con nước ngoài ăn rất văn hóa độc lập khỏi bố mẹ chúng đang thảnh thơi đứng nói chuyện với bạn chứ không phải dành cả buổi tiệc xem con ăn được bao nhiêu?
Bạn đã bao giờ mệt mỏi vì con chẳng trân trọng thức ăn, công sức mình nấu nướng, nấu cho con ăn, con chẳng ăn, cũng chẳng cảm ơn mẹ lấy một câu chứ đừng nói đến ngồi ăn với thái độ biết ơn bố mẹ đi làm vất vả mình mới có cái ăn, mẹ đứng bếp cả tiếng mình mới có thức ăn trên bàn?
Bạn đã bao giờ chuẩn bị đi công tác thì danh sách việc cần làm là chất một tủ lạnh đầy thức ăn, đêm trước thức đến 12 giờ bò ra nấu nướng cho vào các hộp, ghi rõ món gì, giữa các cuộc họp quan trọng tầm quốc gia vẫn phải tranh thủ chạy ra hành lang gọi điện về nhà hướng dẫn kỹ lưỡng ông con cao hơn mẹ làm gì để có bữa trưa.
Con đi du học mẹ vẫn lo cánh cánh ăn gì để có sức mà học. Gọi điện câu đầu tiên là con ăn chưa? Con ăn gì? Có ăn được nhiều không với một bạn đáng nhẽ ra phải tự mình nuôi nổi mình rồi. Thỉnh thoảng bưu kiện gửi sang nào mỳ tôm, nào ruốc, nào vừng vì sợ con ăn không hợp khẩu vị, đói ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu bạn may mắn sinh ra trong một gia đình có nếp nhà, bạn cần truyền lại văn hóa ăn cho con.(Ảnh minh họa).
Đến ăn để tồn tại mà còn chưa làm được thì nói gì đến những việc lớn khác chúng ta muốn con, cháu làm được?
Đến ăn mà bạn còn không tin con làm được thì liệu bạn có dám tin con làm được những việc to tát hơn không?
Nếu con bạn biết rằng đến chuyện ăn bố mẹ còn chẳng tin mình làm được thì con bạn có tự tin vào chính mình không?
Tất cả những điều đó là hậu quả của việc chính bạn đã không hướng dẫn con văn hóa ăn từ khi còn thơ.
Đừng trông chờ các trường học dạy con bạn văn hóa ăn vì hấu hết các trường mầm non, giáo viên đều ăn sau học sinh. Các giáo viên tiểu học, trung học ngồi bàn toàn giáo viên. Mà các cô có ngồi chung thì do văn hóa ăn không được dạy trong chương trình học của Việt Nam ở tất cả các cấp lên đến tận tiến sỹ trong hệ thống giáo dục công, giáo viên nước ngoài thì dạy con bạn ăn đồ ăn nhanh, nên không ai dạy được con bạn văn hóa ăn đâu.
Nếu bạn may mắn sinh ra trong một gia đình có nếp nhà, bạn cần truyền lại văn hóa ăn cho con.
Nếu bạn không được sinh ra trong một gia đình như thế, bạn nên tự trang bị cho mình văn hóa ăn để tự mình giúp con.
Em bé học ăn từ khi nào?
Từ khi mẹ mang bầu ăn uống đa dạng khẩu vị, ăn đúng bữa, ăn đủ bữa, không ăn lặt vặt cả ngày tránh làm em bé cũng có thói quen ăn vặt khi ra đời.
Các mẹ có thấy lạ không khi bầu nghén cả mấy tháng không ăn được nhưng em bé vẫn phát triển bình thường? Có phải đó là em bé dạy mẹ hãy lắng nghe nhu cầu của cơ thể, thực sự lắng nghe cơ thể mình và con mình đang nằm trong đó và rằng đừng có cố ăn mà làm hại mình lúc sinh nở.
Nếu bạn đã ăn uống khoa học, vận động khoa học, suy nghĩ tích cực, em bé nhỏ vừa phải, mẹ sẽ trải qua sinh thường, không đau, không rạch, không mổ, không có các cảm xúc tiêu cực tránh bơm các hóc môn độc hại vào chính nguồn sữa của con dẫn đến tính khí của con cũng thất thường theo mẹ.
Nếu bạn không hình thành thói quen đó từ sơ sinh, cả cuộc đời bạn sẽ chạy theo con vô cùng vất vả (Ảnh minh họa).
Nếu bạn muốn con ngồi yên được 30 phút tập trung cho bữa ăn, bạn cần hình thành thói quen đó cho con từ khi mới ra đời. Sắm cho mình một cái ghế thoải mái, ăn trước khi cho con bú, đóng cửa chốt lại, tắt ti vi, tắt điện thoại, bật nhạc du dương, bế con, ôm con vào lòng cho con bú. Trong thời gian con bú hai mẹ con vẫn trò chuyện nhẹ nhàng bằng ánh mắt, bằng tay, bằng chân, bằng những cái ngọ ngoạy của cơ thể con, bằng những cái vuốt ve âu yếm, bằng giọng nói nựng nịu của mẹ, bằng nhịp ghế đung đưa khe khẽ. Không ai, không gì được phép làm em bé mất tập trung để ăn. Ăn ra ăn.
Khi bạn làm đúng văn hóa ăn từ khi bé sơ sinh con bạn sẽ có khả năng tập trung siêu đẳng, thông minh vượt trội, thành công nhanh chóng trong mọi việc bé làm. Nếu bạn không hình thành thói quen đó từ sơ sinh, cả cuộc đời bạn sẽ chạy theo con vô cùng vất vả, khổ nhất là những mẹ con học thì mẹ cũng phải ngồi cạnh học vì nếu không ngồi cạnh em bé không thể tập trung làm bất cứ việc gì chứ đừng nói đến làm nó thành công hay không.
Hãy thử tưởng tượng đời bạn sẽ thay đổi thế nào nếu con bạn từ bé đã tập trung làm việc được 20-30 phút! Chẳng phải đó là một điều kỳ diệu, một phép màu bạn có thể tạo ra từ một việc rất nhỏ bạn làm ngay từ khi con ra đời. Bạn được ăn cơm nóng sốt cùng cả nhà, khi đi ăn hàng con ngồi yên ăn uống đàng hoàng bạn cũng được thảnh thơi tận hưởng. Con lớn nhanh khỏe mạnh chẳng bao giờ ốm bạn chẳng bị mất ngủ đêm nên càng có con càng đẹp hơn. Bố mẹ hướng dẫn cái gì con tập trung, sáng ý, lanh lẹ làm được luôn nên tự làm tất cả mọi việc của mình độc lập bạn không còn ngập đầu trong việc nhà, việc cơ quan, việc chồng, việc con đến điên lên mất. Tự hào nhất là khi nhìn con khôn lớn, độc lập, tự lo mọi việc của mình, đi đến đâu ai cũng yêu quý vì con mình không là gánh nặng cho bất cứ ai mà ngược lại đi đến đâu là đem theo niềm vui, đem theo nụ cười đến đó cho mọi người.
Có thể, bạn một bà mẹ hiện đại, mua máy hút sữa, kích sữa, rất vui khi có nhiều sữa nhưng về mặt sinh học, cơ thể bạn đã sản xuất nhiều sữa hơn em bé cần, tia sữa của bạn phun ra mạnh hơn khả năng mút của con bạn dẫn đến em bé không cần nỗ lực lao động vẫn có cái ăn, các cơ trong miệng, lưỡi, họng, mũi không rèn luyện như cần được tập gym mỗi ngày dẫn đến các cơ quan phát âm phát triển chậm tiến độ - em bé chậm nói, nói không sõi. Tốc độ sữa phun ra nhanh hơn tốc độ nuốt làm việc tiết nước bọt – yếu tố đầu tiên quyết định khả năng tiêu hóa giảm đi dẫn đến hấp thụ giảm đi. Sữa phun ra mạnh hơn làm thời gian em bé ăn rút ngắn lại do em bé nhanh no hơn làm quãng thời gian tập trung làm một việc ngắn lại. Điều không may nhất là thay vì mẹ điều chỉnh cuộc sống hỗ trợ sự phát triển tự nhiên theo độ tuổi con thì chúng ta tua nhanh con theo nhịp sinh học của người mẹ mà không biết. Em bé sẽ khó chậm lại, khó tự tin làm chủ cuộc đời mình sau này hơn là mẹ trao cho bé toàn quyền cuộc đời mình từ bé.
Nếu bạn được nghỉ 6 tháng nuôi con, hãy nuôi con theo đúng những gì con cầu. Không máy móc, không căng thẳng, là sự lắng nghe, giao tiếp giữa người với người mà thôi. Hãy phanh lại và thực sự nuôi con là những em bé organic children giống... bố mẹ mình đã nuôi mình ngày trước.
Một em bé ngồi ăn với cả nhà lúc 6 tháng thì đã có 12 tháng hình thành văn hóa ăn, nếp nhà, đi học là một câu chuyện vô cùng đơn giản (Ảnh minh họa).
Khi gia đình ăn cơm mẹ hãy để bé nằm trên thảm, trong phòng gần bàn ăn, lắng nghe mọi người trong giờ ăn, bé sẽ học văn hóa ăn, ngôn ngữ, các giác quan thu nhận mọi thông tin từ bữa ăn mùi thơm quá, tiếng gì mà rau ráu thế, tiếng bát đũa lích kích... thời gian ăn là thời gian hạnh phúc bên nhau thể hiện rõ nếp nhà có trên có dưới, có trước có sau, có lễ có nghĩa với chủ gia đình như các cụ đã dạy "Nhà thì phải có nóc". Tất cả các điều đó thể hiện kỹ năng xã hội sau này của bé. Bạn không cần phải dạy con nghe lời, tự con sẽ nghe lời khi mọi người trong nhà làm mẫu điều đó.
Một em bé tắm nắng hàng ngày, ăn đúng, ngủ đúng, chơi đúng, quanh mốc 6 tháng sẽ tự ngồi được dậy thẳng lưng. Đó là lúc em bé cần được ăn dặm cùng cả nhà. Tôi biết, rất nhiều clip trên youtube, rất nhiều thông tin hướng dẫn ăn dặm toàn thấy chụp em bé ăn một mình trong khi mẹ vẫn bận trong bếp, mẹ vừa nấu bé vừa ăn, hay mẹ vừa bế vừa xúc, hay mẹ ngồi sau xúc, hay giả vờ làm cái này cái kia cho con há miệng để xúc vào là thành công…. Các mẹ đừng làm thế với con mình. Ngày tôi còn bé, bà hoặc mẹ lúc nào cũng cặp chân giữ tôi ngồi chiếu ăn cơm để tôi được học văn hóa ăn. Thời bố mẹ mình làm đúng, tự nhiên đến thời mình không biết bắt chước ai làm sai rồi chính mình lại khổ?
Một em bé 6 tháng, đủ canxi, biết ngồi vững, biết tập trung khoảng 30 phút, biết sử dụng các ngón tay thành thạo sẽ ngồi ăn cùng cả nhà, học ăn qua việc quan sát, bắt chước tất cả các thành viên trong gia đình, tự bốc, xúc, xiên được thức ăn đưa lên miệng, tự cầm cốc đưa lên miệng uống. Mẹ sẽ ngồi bên phải, bố sẽ ngồi đối diện. Thỉnh thoảng mẹ xiên hộ một miếng rau đặt đó để bé tự cầm dĩa đưa lên miệng. Thỉnh thoảng mẹ xúc cho một thìa bột, để bé tự cầm thìa đưa lên miệng. Khoảng cách giữa các miếng xa nhau càng làm bé thèm ăn, càng nỗ lực tự xúc, tự cầm, tự điều khiển tay đưa thức ăn vào miệng. Càng thèm ăn, nước bọt càng tiết ra nhiều, em bé tiêu hóa tốt hơn sẽ không cần ăn nhiều lượng mà cơ thể vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bạn không tốn quá nhiều tiền mua thức ăn suốt 18 năm nuôi con vì con có thói quen nhai kỹ no lâu, ăn đủ no là tự dừng lại.
HÃY VỀ ĂN CƠM VỚI CON để hướng dẫn con văn hóa ăn nhé! (Ảnh minh họa).
Đừng bảo làm sao mà em bé 6 tháng làm được điều đó. Sự khác biệt giữa 10 ngón tay của chúng ta và 10 ngón tay của Đặng Thái Sơn là số giờ luyện tập. 180 ngày em bé tập cử động cánh tay, cẳng tay, cổ tay, ngón tay, các đốt ngón tay. Em bé tập cầm nắm mọi thứ xung quanh, tập cho tay vào mồm mút, tập với mọi thứ xung quanh cho vào mồm. Bạn hãy tháo bao tay cho con tập, 3 tháng biết lẫy đặt đồ chơi mềm trước mặt cho con tập với, treo đồ chơi từ trần thả xuống cho con tập với, cầm, nắm, túm, kéo, cho vào mồm.
Một em bé ngồi ăn với cả nhà lúc 6 tháng thì đã có 12 tháng hình thành văn hóa ăn, nếp nhà, đi học là một câu chuyện vô cùng đơn giản. Bạn sẽ không cần hỏi cháu có ăn được không cô? Cháu có ăn hết suất không cô? Các giáo viên cũng không phải viết sổ liên lạc con ăn hết suất mà thay vào đó có thời gian nghỉ ngơi để kiên nhẫn với con bạn cả 10 tiếng một ngày, việc mà chính bạn cũng không làm được với con đẻ của mình.
Các bạn bảo bây giờ có điều kiện nên sinh hư, chẳng phải, các nước giàu có điều kiện, trẻ ở các nước văn minh lại càng được dạy văn hóa ăn đầu tiên. Càng những câu lạc bộ sang trọng, văn hóa ăn - ẩm thực lại đưa lên thành một nghệ thuật. Đặt bàn cả tháng, có khỉ cả nửa năm mới được đặt chân vào nhà hàng người ta ăn một bữa để nhớ cả đời. Nghệ thuật từ cách bày bàn ăn, chọn dao thìa dĩa, lọ hoa trên bàn, ánh sáng hắt ra từ đâu để đĩa thức ăn là đẹp nhất, hoa văn trên đĩa, nguyên liệu nấu ăn, cách chế biến, cách trình bày, cách ăn, ăn cái gì trước cái gì sau, món đó uống với cái gì?
Càng hiểu chuyện ăn, người ta lại càng thận trọng với mọi điều liên quan đến việc ăn. Bệnh từ miệng. Đầu tiên là phải sống được, mà lại cần sống khỏe mạnh, nên học ăn, học văn hóa ăn đầu tiên là đúng rồi mà.
Thế nên các ông bố bà mẹ hiện đại ơi, đừng bao giờ để con ăn cơm một mình. HÃY VỀ ĂN CƠM VỚI CON để hướng dẫn con văn hóa ăn nhé! Các mẹ hãy thực sự học về thực phẩm để nuôi con. Con cái là di sản của mình để lại mà.
Vài nét về tác giả:
Chị Lê Mai Hương là nhà giáo Montessori. Chị có bằng cử nhân tiếng Anh, bằng kế toán ngân hàng và bằng Montessori 3-6 do AMI cấp cùng và rất nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và phát triển cá nhân cả ở Việt Nam và trên thế giới. Với vốn sống phong phú và đa dạng, chị luôn làm cho mọi điều xung quanh trẻ trở nên thú vị và lôi cuốn. Phương châm của chị Hương là: "Trẻ luôn luôn đúng".