Bố mẹ đừng chủ quan khi thấy con ngủ ngáy
Cu Tí mới 5 tháng tuổi, nhưng khi ngủ đã phát ra những âm thanh giống như... ngủ ngáy.
Bé tẹo ngủ cũng ngáy
Nửa đêm dậy cho con bú, mẹ Nga rất ngạc nhiên khi thấy cu Tí ngủ mà lại phát ra những âm thang giống như ngáy. Cu Tí mới tròn 5 tháng tuổi thôi. Đưa con đi khám, chị mới được bác sỹ tư vấn, trẻ ngủ ngáy cũng có nhiều nguyên nhân đến sức khỏe. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi ngủ ngáy, bố mẹ cần lưu ý:
Trẻ ngủ ngáy là do bị thiếu vitamin D và canxi trong bệnh còi xương giai đoạn sớm, thường trẻ có thở rít thanh quản, kèm hay quấy khóc về đêm, thậm chí có cơn khóc lặng, rụng tóc hình chiếu liếm ở sau gáy, ra mồ hôi trộm nhiều, ngủ không ngon giấc, hay giật mình…Thường gặp ở những trẻ bụ bẫm và trong những tháng mùa đông.
Trẻ bị mắc viêm mũi cấp, do cánh mũi của trẻ còn rất mềm nên khi viêm, ngạt mũi, trẻ thường có hiện tượng bú khó, và thở rít do không khí đi qua vùng bị phù nề và cánh mũi mềm nên tạo tiếng kêu. Bệnh thường kèm theo trẻ bú kém, hay dứt vú để nghỉ, trẻ quấy khóc vì ngạt và đói…
Lớn rồi, vẫn mắc chứng ngủ ngáy
Chị Liên lại lo lắng hơn khi con trai 4 tuổi vẫn ngủ ngáy. Từ nhỏ, bé đã mắc chứng ngủ ngáy. Có khi bé vừa ngủ đã ngáy. Có khi nửa đêm thì bé ngáy. Khi trời sắp sáng, bé đỡ ngáy hơn một chút. Nhưng nhìn con ngủ ngáy mệt mỏi, thở phì phò như ống bế, chị cũng không an tâm.
Với những bé lớn, ngủ ngáy là do nguyên nhân bị tắc nghẽn trong quá trình lưu thông không khí khi bé ngủ. Bé ngủ ngáy có thể là do bé bị viêm Amiđan. Tình trạng này nếu kéo dài bé sẽ bị thiếu ô xy, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé do não thiếu oxy. Vì phải thở bằng miệng, bé sẽ bị da xanh, môi trề ra bê ngoài, chóp mũi nhỏ.
Bé lớn ngủ ngáy có thể là do ngưng thở... trong vài giây. Hoặc do bé có thói quen thở bằng miệng khi ngủ, do bé ngạt mũi, bé bị dị ứng hoặc do bé nằm ngủ với tư thế chèn ép lên vùng cổ họng.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, bé thừa cân bao giờ cũng ngủ ngáy nhiều hơn các bé có trọng lượng trung bình. Bé sống ở môi trường có nhiều mùi thuốc lá cũng dễ mắc chứng ngủ ngáy hơn.
Bố mẹ nên hạn chế chứng ngủ ngáy cho bé, tránh để tạo thành một thói quen xấu và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
Mẹ nên nhắc nhở bố hoặc những người trong nhà không nên hút thuốc trong khu vực bé ngủ, ăn và chơi.
Mẹ có thể điều chỉnh tư thế ngủ để bé không phải ngáy. Ví dụ cho bé ngủ trên một chiếc gối thấp hơn để bé không bị sức ép lên vùng cổ họng. Các bé chỉ nên nằm những loại gối dày từ 3 – 5 cm. Có thể đặt bé nằm nghiêng để hạn chế việc ngủ ngáy so với tư thế nằm ngửa. Mùa lạnh, mẹ nên giữ ấm cổ cho bé.
Nếu bé đang ở trong tình trạng thừa cân, mẹ hãy đề ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý và duy trì việc tập thể dục thể thao cho bé.
Nếu bố mẹ vẫn thấy con ngủ ngáy và có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, hãy đưa bé đến khám ở bác sỹ tai mũi họng để được tư vấn một cách trực tiếp nhất!