Lo ngay ngáy khi con ngủ… ngáy

,
Chia sẻ

Tại Hà Nội, có rất nhiều bé mới chỉ gần 3 tháng tuổi đã ngủ ngáy. Lúc đầu bé ngáy nhỏ, nhưng khoảng 1 tiếng sau, bé ngáy to và đều dần.

Bé ngáy to – mẹ không ngủ được

Mẹ bé Bông (La Thành – Hà Nội) phàn nàn về cô con gái mới 1 tuổi của mình: “Ban đêm bé ngủ thỉnh thỏng phát ra âm thanh như tiếng ngáy của người lớn. Bé không ho, không bị nghẹt mũi, không biết có phải do di truyền từ bố không? Em phân vân quá. Con gái mà ngủ ngáy thì gay to”.

Cùng chung “hoàn cảnh” với mẹ bé Bông, mẹ Tuti (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng cho biết: “Bé nhà em cũng ngày khủng khiếp. Mới 3 tuổi, nhưng từ nhỏ bé đã ngáy. Có hôm bé ngáy to mà mẹ không ngủ được. Cũng có thể do em thính ngủ và nhờn với tiếng ngáy từ nhỏ”.

Tại Hà Nội, cũng có rất nhiều bé mới chỉ gần 3 tháng tuổi đã ngủ ngáy. Lúc đầu bé ngáy nhỏ, nhưng khoảng 1 tiếng sau, bé ngáy to và đều dần.

Nhiều mẹ lo lắng về vấn đề này, nhưng không thấy có bé có biểu hiện gì về các bệnh về mũi và họng, nên lười đưa con đi khám. Cũng có mẹ cho rằng bé ngáy chỉ là chuyện bình thường, không có gì phải lo ngại.

Ngủ ngáy cũng là bệnh

Điều dễ thấy nhất là ngủ ngáy có ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Khi ngủ ngáy, bé sẽ không lấy đủ không khí. Do đó, việc thở của bé cũng trở nên khó khăn hơn. Bé thường thức giấc giữa đêm, ngủ không say và sâu giấc, sáng dậy sẽ có cảm giác mệt mỏi. Thông thường, những bé nào nghịch ban ngày nhiều, hoặc bị mệt, đêm bé ngủ sẽ ngáy rất to.

Chứng ngủ ngáy kéo dài sẽ khiến bé bị thiếu ôxy khi ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí não (do não thiếu dưỡng khí).

Về thể chất, bé dễ bị biến dạng khuôn mặt so với ban đầu như chóp mũi nhỏ hơn, môi vều, xương hàm trên kém phát triển đẩy cằm nhô ra, mặt dài thêm.

Ngủ ngáy có thể gây rất nhiều hệ quả nghiêm trọng cho bé


Về trí tuệ, một nghiên cứu đã cho thấy bé bị tật ngáy có chỉ số thông minh trung bình là 85,8 trong khi chỉ số này ở bé có giấc ngủ sâu là 101,1.


Hô hấp kém gây ra các tổn thương về tim mạch. Nhịp tim rối loạn, huyết áp khó kiểm soát rất nguy hiểm cho sức khoẻ của bé hiện tại cũng như sau này.


Nguy hiểm hơn, ngủ ngáy không đủ không khí để thở có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở gây tử vong cho bé

Trên thực tế, nguyên nhân chính làm bé ngủ ngáy là do amiđan của bé bị to.

Mẹ bé Nhím (hiện đang định cư ở nước ngoài) chia sẻ: “Nhím nhà mình ngay từ khi lọt lòng đã ngủ ngáy. Mình cho bé đi khám, nhưng bác sỹ bảo không sao. Đến hôm ở trường mẫu giáo cho các bé kiểm tra khả năng nghe, phát hiện ra Nhím bị lãng tai một bên. Mình cho bé Nhím đi khám bác sỹ tai mũi họng, bác sỹ hỏi ngay: khi ngủ, Nhím ngáy có to không? Hóa ra, aminđan của bé to quá không chỉ làm bé ngủ ngáy, mà còn làm ảnh hưởng đến tai giữa của bé, thu nhận âm thanh từ bên ngoài vào không chính xác. Nhím sẽ phải đi phẫu thuật tai giữa. Bệnh này cũng hay gặp ở trẻ em, nhưng điều quan trọng là bố mẹ phải phát hiện và điều trị kịp thời”.

Ngoài ra, ngủ ngáy ở trẻ em còn có thể do viêm VA, do cấu tạo hàm, béo phì. Một số bé bình thường ngủ không ngáy nhưng khi viêm đường hô hấp trên lại xuất hiện chứng này. Để điều trị ngáy, cần giải quyết các vấn đề ở đường hô hấp như chữa viêm amiđan, viêm họng, nạo VA. Nếu trẻ ngáy do béo phì thì cần giảm cân. 

Phòng “bệnh” ngủ ngáy cho bé


Để hạn chế việc ngủ ngáy, mẹ nên cho bé nằm nghiêng gối đầu cao.


Mùa đông, mẹ hãy giữ ấm phần cổ, phần ngực cho bé khi ngủ, tránh cho bé mắc các bệnh về đường hô hấp.


Không nên để bé đùa nghịch nhiều quá mức vào ban ngày, hoặc xem phim, ảnh, sách báo kinh dị, hoặc ăn quá no trước khi đi ngủ. Điều này sẽ làm giấc ngủ của bé mệt mỏi, dễ dẫn tới tình trạng bé ngủ ngáy.


Bố mẹ cũng nên để cho bé ngủ ở nơi rộng rãi, thoáng khi để giúp bé ngủ ngon hơn.


Khi phát hiện bé ngủ ngáy, mẹ nên đưa bé đến khám chuyên khoa Tai – Mũi - Họng để điều trị kịp thời.


Bảo Châu (tổng hợp)

Chia sẻ