Bố mẹ cần tránh: 8 câu nói tưởng vô hại nhưng lại làm tổn thương sâu sắc lòng tự trọng của trẻ
Không phải bố mẹ nào cũng biết câu nói mà mình vừa sử dụng lại làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự trọng của trẻ như vậy.
1. "Con đang vẽ gì thế?"
Ai vẽ tranh cũng mong người khác ghi nhận bức tranh hay ít nhất là đoán biết được mình đang muốn vẽ gì, truyền tải cái gì. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng với trẻ con. Câu hỏi "Con đang vẽ gì thế?" tưởng chừng như là sự quan tâm, muốn tìm hiểu việc trẻ đang làm.
Nhưng trong thực tế, trẻ lại cho rằng những cố gắng của trẻ để vẽ nên bức tranh đều là vô ích. Bởi ngay cả bố mẹ cũng không thể nhận ra được bức tranh vẽ về cái gì. Từ đó sự tự tin của trẻ sẽ giảm sút và biến mất. Vì vậy, thay vì hỏi câu hỏi đó, bố mẹ hãy nói rằng "Con có thể kể cho bố/mẹ về bức tranh mà con đang vẽ không?"
2. "Sao con ngốc thế? Đáng lẽ con phải như thế này chứ!"
Đây là một câu nói mà khá nhiều bố mẹ sử dụng khi con làm gì đó sai hay bất cẩn. Bố mẹ thường nghĩ rằng đây là một câu chỉ dẫn nhưng thực ra lời chỉ trích này mang tính nhận xét phiến diện về toàn bộ con người trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy vô cùng tổn thương và kém cỏi. Vì vậy hãy nói rằng: "Bình thường bố/mẹ thấy con làm rất đúng nhưng tại sao bây giờ con lại như thế này?"
(Ảnh minh họa)
3. "Là do con chưa cố gắng hết mình"
Chắc chắn sẽ có lúc bố mẹ thất vọng với một hành động hay kết quả nào đó của con mình, nhất là trong học tập. Bởi ban đầu bố mẹ thường kỳ vọng con mình sẽ làm tốt hơn nhưng vì một lý do nào đó mà kết quả không được như mong đợi. Lúc này, thay vì trách móc rằng con chưa cố gắng, bố mẹ hãy nói: "Con hãy lên kế hoạch cho mình để đạt kết quả tốt hơn trong lần tiếp theo nhé?"
4. "Nếu tiếp tục hành động như thế bố mẹ sẽ không thương con nữa"
Bố mẹ luôn là người thương con vô điều kiện nhưng trẻ con thì chưa rõ được điều này. Nếu như bố mẹ dùng câu nói phía trên, trẻ sẽ chỉ cảm thấy bất ổn mà thôi. Lòng tự trọng của trẻ sẽ nhanh chóng bị sụt giảm nếu trẻ nghĩ rằng tình yêu mà bố mẹ dành cho mình dễ dàng mất đi như vậy. Vậy thì thay vì câu nói kia, bố mẹ hãy nói rằng: "Bố/mẹ yêu con rất nhiều nhưng bố/mẹ cảm thấy không vui vì con như vậy."
5. "Con lúc nào cũng bẩn thỉu và luộm thuộm"
Lòng tự trọng không chỉ ở năng lực mà còn ở vẻ bề ngoài và ở quần áo trẻ đang mặc. Cụ thể thì bất kỳ nhận xét tiêu cực nào về ngoại hình của trẻ cũng có thể làm giảm sự tự tin của trẻ. Vì vậy, kể cả khi trẻ có không được sạch sẽ tinh tươm cho lắm thì bố mẹ cũng đừng vội chỉ trích hay thẳng thừng chê bai mà hãy nhẹ nhàng: "Con nên giữ quần áo sạch sẽ và gọn gàng chứ. Nếu không tự mình làm được thì bố/mẹ có thể giúp con."
6. "Tại sao anh chị giỏi thế kia mà con không học tập một chút"
Thực ra, sự so sánh của bố mẹ không làm trẻ cố gắng hơn mà chỉ làm trẻ tự ti. Nếu điều này còn diễn ra trong gia đình thì lại càng gây chia rẽ hơn. Bởi trẻ sẽ chuyển sự oán giận của mình lên anh/chị vì trẻ cho rằng vì anh/chị quá giỏi nên bố mẹ mới nói với mình như thế. Cho nên nếu trẻ không được như anh/chị của chúng thì hãy nói rằng bố/mẹ biết rằng con sẽ tốt hơn và có tiến bộ hơn chứ không chỉ dừng lại ở đây.
(Ảnh minh họa)
7. "Tại sao ít bạn chơi với con vậy?"
Giống như người lớn, 1 số đứa trẻ thích có vài người bạn thân thiết hơn là những tình bạn hời hợt. Do đó trẻ vẫn có thể hài lòng dù rất ít bạn. Nên nếu bố mẹ nói câu này thì lại gây cho trẻ cảm giác mình đã làm sai hoặc điều gì đó xấu xa nên mới bị các bạn xa lánh. Nếu thấy trẻ hài lòng với số lượng bạn của mình, bố mẹ hãy nói: "Bố/mẹ rất vui vì con có những người bạn tốt như thế!"
8. "Con từ bỏ mọi chuyện một cách dễ dàng quá"
Một khi trẻ đã không thể tiếp tục một công việc nào đó dù đã được bố mẹ ra sức động viên thì hãy để trẻ dừng lại. Vì trẻ con vô cùng thật thà nên trẻ sẽ chỉ dừng lại khi chắc chắn mình đã hết ý tưởng để giải quyết chứ không phải trẻ không cố gắng hay dễ dàng từ bỏ.