Bọ lúc nhúc trong gối thảo dược, cha mẹ rước bệnh cho... con
Nghe lời đồn thổi, quảng cáo về các loại gối thảo dược có chức năng “thần kỳ” như giúp trẻ ngủ ngon, ngừa bệnh, thông minh… nhiều bà mẹ đã “săn” về cho con sử dụng. Tuy nhiên, họ đâu ngờ, vì tin mù quáng đã vô tình rước bệnh cho con.
Hoảng hốt phát hiện bọ lúc nhúc trong gối
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thương (33 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã phản ánh về việc con chị bị bệnh sau khi sử dụng gối thảo dược. Theo chị Thương, chị sinh con khá trễ nên rất cưng chiều con. Nhà chị ở khu vực nhiều cây cối nên có nhiều kiến và côn trùng khác. Khi con trai tròn 4 tháng tuổi, thấy trên da cháu có nhiều vết côn trùng cắn, chị rất xót. Vài hôm sau, mẹ chồng mang về một tấm ga trải giường và hai chiếc gối dành cho bé. Bà cho hay, gối và ra giường được độn bằng lá đinh lăng, lá chanh, lá sả... côn trùng ngửi mùi sẽ tự tránh xa. Ngoài ra, loại lá này mềm, nhẹ, thanh nhiệt, thoáng khí, thông kinh lạc giúp cho đầu và gáy của bé luôn khô thoáng, không mồ hôi trộm...
Chị tin rằng, gối và ga giường làm bằng thảo dược sẽ tốt nên để con trai nằm. Sử dụng được 3 hôm, bé bỗng dưng quấy khóc, ho, khó chịu, sốt... Ngửi thấy trong phòng có mùi hăng hắc, chị kiểm tra và phát hiện mùi lạ phát ra từ giường và gối của con. Mở ra, bên trong chủ yếu là bông gòn và một số loại lá, cỏ không rõ loại gì. Chị mang toàn bộ ra nắng phơi khô nhưng mùi hăng hắc vẫn không hết. Do bé ho và sốt nhiều nên chị đành đưa con đến bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng khám. Bác sỹ khuyên chị nên vứt bỏ gối và ga giường thảo dược, vì đây chính là nguyên nhân gây bệnh cho bé.
Tương tự, chị Dương Thị Quỳnh Hoa (27 tuổi, ngụ quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) là nhân viên văn phòng, chuẩn bị cho đứa con đầu lòng khá chu đáo. Vợ chồng chị không tiếc tiền của chọn những sản phẩm tốt nhất dành cho con. Nghe mọi người truyền tai, chị mua 2 chiếc gối ôm và 2 chiếc gối đầu làm bằng thảo dược với giá 180 nghìn đồng/chiếc. Một lần, cho con uống nước bị đổ vào gối nên chị mang ra phơi khô. Đến trưa, chị bất ngờ khi phát hiện khá nhiều con vật nhỏ li ti bò lúc nhúc. Chị vội xẻ bốn chiếc gối ra và phát hiện bên trong còn nhiều “vật nhỏ li ti” khác đang chui rúc trong đống lá khô.
Bà mẹ trẻ Trần Thu Hiền (23 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) kể, một lần chị đọc được quảng cáo gối thảo dược gia truyền với rất nhiều công dụng cho trẻ như giúp tăng sức đề kháng, thanh nhiệt, thông mũi, kích thích vỏ não, hệ thần kinh trung ương giúp ngủ ngon, đánh tan mỏi mệt... nên quyết định mua cho con trai hơn 1 tuổi sử dụng. Dùng được một thời gian, chị phát hiện xung quanh cổ con có nhiều vết côn trùng cắn nhưng chẳng biết do đâu.
Một hôm, mới sáng sớm, bé ôm tai khóc miết. Chị dùng đèn pin soi nhưng chẳng thấy gì. Chiều cùng ngày, bé không chịu ăn uống mà vẫn tiếp tục khóc nên chị đưa con đến một phòng khám tư. Bác sỹ kiểm tra và phát hiện trong tai cháu có hai con bọ nhỏ. Sau khi gắp bọ ra khỏi tai, bác sỹ yêu cầu về kiểm tra chiếc gối bé nằm có vấn đề gì khác thường không. Quả thực, bên trong chiếc gối có một số con bọ nhỏ màu đen trùng với “dị vật” gắp ra từ tai con.
Rước bệnh vào... con
Từ thông tin trên, PV đã khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn TP.Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Hòa Khánh... Tại đây, mặt hàng gối và ga giường thảo dược được bày bán khá nhiều. Ở chợ Hòa Khánh, khi được hỏi, một tiểu thương đưa ra chiếc gối màu hồng có in hình búp bê. Bà tư vấn: “Loại gối này được nhiều người ưa chuộng lắm. Bên trong có lá đinh lăng, lá ngải cứu, lá thảo quyết minh, hạt quyết minh tử và một số thảo dược khác. Gối giúp trẻ ngủ ngon, không ra mồ hôi trộm, thoải mái... Giá chỉ 100 nghìn đồng”.
Nhìn bên ngoài, đường may của gối có vẻ sơ sài, nhiều nơi lớp vải cộm lên vì lá thảo dược. Đưa lên ngửi, gối có mùi thuốc Bắc. Thấy PV tỏ vẻ nghi ngại vì gối chỉ được bọc trong bao nilon, không có bất kỳ nhãn mác gì, người bán vội đáp: “Các loại gối thảo dược thường được làm bằng tay, đơn lẻ nên không có nhãn hiệu. Loại này rẻ. Em muốn loại có nhãn hiệu thì chị cũng có nhưng giá đắt hơn”. Vừa nói, người bán vừa lôi ra một chiếc gối khác rồi tiếp lời: “Nó được sản xuất tại TP.HCM. Mỗi chiếc giá 220 nghìn đồng”. Cũng theo ghi nhận, nhiều cửa hàng online đang bày bán các sản phẩm trên và quảng cáo chúng như một loại “thần dược”. “Nằm gối thảo dược có thể giúp trẻ đỡ bệnh tật, thông minh”, “gối giúp trẻ ngủ ngon, thoải mái, bú sữa nhiều”, “gối êm, tăng sức đề kháng, thanh nhiệt, giải cảm, thông mũi”... Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán đều khẳng định đây là “hàng gia truyền”.
Đánh giá về tính an toàn của các sản phẩm này, lương y Nguyễn Thị Quế (hội Đông y Đà Nẵng) cho biết, trong dân gian, nhiều người vẫn quan niệm nên sử dụng thảo dược cho trẻ, điều này là không chính xác. Việc dùng gối, ga giường thảo dược không có tác dụng gì đối với trẻ nhỏ như những lời quảng cáo. Lương y Quế đưa ra ví dụ, dân gian khuyên nên cho trẻ sơ sinh uống nước cam thảo để sạch lưỡi, dùng lục thần hoàn để bé không giật mình... Đây là quan niệm sai lầm, bởi khi cho trẻ uống có thể gây tiết đờm nhớt làm nghẹt thở, dễ gây tình trạng nôn, tiêu chảy... Thậm chí, một số thảo dược nếu sử dụng cho trẻ không đúng liều lượng, độ tuổi sẽ rất nguy hiểm.
Cũng theo lương y Quế, việc bảo quản thảo dược khi làm gối không được đảm bảo. Bởi, thảo dược rất dễ hỏng, thường được cất giữ trong vật đựng chuyên dụng. Nếu thảo dược bị hở thường bị ẩm mốc, mất tác dụng, thậm chí gây họa cho người dùng. Riêng đối với trẻ, khi nằm trên thảo dược nấm mốc có thể bị dị ứng. Một số thảo dược bị lẫn tạp chất có mùi hăng hắc, nồng nặc và là môi trường ưa thích của côn trùng làm ổ. Điều này sẽ phản tác dụng với chức năng của gối, khiến trẻ khó ngủ, hay giật mình, ho, khó thở... H.
Không nên sử dụng bất kỳ thảo dược nào cho trẻ
Trao đổi với PV, bác sỹ Phan Văn Minh – bệnh viện Đà Nẵng phân tích, trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm, chưa có sức đề kháng cao, phụ huynh không nên sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào cho trẻ. Lá cây, hạt đỗ... hút nước mạnh, trẻ ra mồ hôi nhiều dễ thấm vào gối gây ẩm mốc, làm xuất hiện dòi bọ. Thậm chí, nếu ruột gối làm bằng thảo dược, xử lý không tốt, không đúng quy trình cũng dễ xuất hiện dòi bọ, gây nấm, viêm da, ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Thảo dược thường có các mùi hắc dễ gây kích thích đường hô hấp, khiến trẻ khó chịu. Da trẻ nhạy cảm, các loại lá cũng có thể gây kích ứng, dị ứng.