Bỏ tiền vô nghĩa
Nghe nhiều người nói về gối thảo dược giúp trẻ dễ ngủ, chống mồ hôi trộm và đặc biệt là có tác dụng giảm bớt nóng nực mùa hè, chị Đinh Ngọc Minh (ngõ 671 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng tìm mua một bộ về cho cậu con trai mới hơn tháng tuổi. Bộ gối thảo dược gồm một gối đầu và hai gối chặn có giá tới 180.000 đồng, nhưng con trai chị Minh cứ cự nự, khó chịu, không chịu nằm, và mồ hôi đầu vẫn ra thấm ướt cả gối.
Thành phần thảo dược bên trong lõi gối được ghi trên bao bì gồm đinh lăng, hương nhu và một số loại thảo dược khác - không biết rõ là những loại gì nhưng gối cứ toả ra mùi hăng hắc, ngai ngái như mùi thuốc Bắc khiến bé khó chịu không ngủ được.
Cũng như chị Minh, chị Phương Khánh, Thu Ý và nhiều bà mẹ khác cùng chia sẻ trên diễn đàn về những “kinh nghiệm” bỏ xó các loại gối thảo dược chỉ vì con không chịu được mùi hăng của lá cây và tác dụng của gối thì cũng không như quảng cáo, thậm chí còn làm cho các bé bứt rứt, khó chịu và quấy khóc.
Đến một số cửa hàng bán đồ trẻ em trên phố Sơn Tây, Thái Hà, Lãn Ông (Hà Nội), hỏi mua gối thảo dược, chúng tôi đều nhận được vô số những lời tư vấn trên trời – nào là gối có tác dụng đuổi muỗi, làm mát đầu, chống ra mồ hôi trộm, đặc biệt các loại gối có thành phần thảo quyết minh còn giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc, không giật mình.
Giá cả cũng đa dạng từ hai ba chục đến khoảng 200.000đ/chiếc, tùy theo chủng loại, có loại gối ép chân không, có bao bì đóng gói cẩn thận cho đến cả những loại được may cẩu thả, đóng gói nilon sơ sài và không có thông tin gì hơn ngoài mấy dòng quảng cáo phóng đại công dụng.
Tuy nhiên, ngay cả đối với những loại gối có tên tuổi nhà sản xuất đàng hoàng, khi chúng tôi hỏi về sự khác biệt trong thành phần thảo dược giữa gối người lớn và trẻ em thì những người bán hàng khẳng định “đã là thảo dược thì ai chẳng dùng được, đều là thành phần thiên nhiên nên lành lắm”. Tỏ ra e ngại về độ an toàn cho trẻ, chúng tôi còn bị mắng là không hiểu biết gì.
Gối thảo dược có thể gây kích thích dị ứng. (Ảnh minh họa)
Thảo dược cũng có thể gây nóng sốt
Lương y, bác sĩ Phó Đức Thảo – nguyên cán bộ Viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết không phải các loại thảo dược đều lành tính và có thể dùng thế nào cũng được. Thảo dược nếu dùng không đúng loại, đúng cách thậm chí sẽ có những tác dụng không tốt đối với cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em.
Ông Thảo khẳng định các loại lá hương nhu, đinh lăng hay thảo quyết minh, hoàn toàn không có tác dụng như quảng cáo. Lá hương nhu chủ yếu có tác dụng chữa cảm và tuyệt đối không dùng cho những người ra mồ hôi nhiều, rễ và lá cây đinh lăng có thể dùng làm thuốc bổ; thảo quyết minh có tác dụng giúp ngủ ngon. Tuy nhiên các công dụng của những loại lá nói trên chủ yếu khi kết hợp với một số loại khác, sắc lấy nước uống, chứ thực tế không có tác dụng gì nếu chỉ để lót gối nằm.
Vùng đầu, gáy của trẻ nhỏ thường rất nóng, trẻ lại nằm nhiều nên tốt nhất là các bà mẹ có thể làm gối bằng vỏ đỗ xanh theo phương pháp cổ truyền dân gian. Vỏ đỗ xanh có tính mát, vừa có tác dụng thanh nhiệt, thông kinh lạc, giúp giảm nguy cơ nóng sốt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, gối vỏ đỗ phải được làm cẩn thận từ loại vỏ đỗ đã đãi sạch, lọc rửa sạch sẽ và phơi hoặc sao thật khô, phòng trường hợp bị ẩm mốc dễ sinh các con bọ nhỏ.
Bác sĩ Trương Ngọc Dương, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện 103: Gối thảo dược có thể gây kích thích dị ứng.
Chất liệu làm vỏ gối nên chọn vải thô, thoáng mát và thấm mồ hôi. Các loại gối vỏ đỗ cũng là lựa chọn tốt cho trẻ vì không có mùi và giữ vùng đầu gáy trẻ được thoáng khí. Hoàn toàn không nên dùng gối thảo dược vì mùi lá hắc dễ gây kích thích đường hô hấp của trẻ, làm trẻ khó chịu. Ngoài ra, da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, những loại lá này cũng có thể làm kích ứng da, gây dị ứng cho trẻ.
Theo Khoa học & Đời sống