Biết tha thứ không phải là nhu nhược, trốn tránh

Tùng Bách,
Chia sẻ

Giữa cha mẹ và con cái, điều cần nhất là sự bao dung. Đó cũng chính là cách để dạy con về lòng vị tha.

Cha mẹ nêu gương bằng bao dung

Sống vị tha không có nghĩa là nuông chiều những thói hư tật xấu, bao biện, dung túng những khuyết điểm. Sống vị tha phải có bản lĩnh cá nhân, luôn có chủ kiến, không lệ thuộc vào người khác. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, cha mẹ bao dung sẽ là tấm gương để dạy con trở thành người có lòng vị tha.

Cô Nguyễn Thị Trường, giáo viên Trường THCS Bình Ba, Phú Thọ, cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có khuyết điểm. Quan trọng không phải là soi xét khuyết điểm đó, mức độ bao dung của cha mẹ có thể quyết định hướng đi sau này của trẻ.

Nhiều cha mẹ không thể dung thứ cho những sai sót của trẻ, mà lại dễ dàng chì chiết lỗi lầm của con. Điều này không chỉ có hại cho việc duy trì mối quan hệ cha mẹ - con cái, mà còn làm suy giảm lòng tự tin của trẻ. Từ đó, khiến trẻ mất động lực và phương hướng để tiến lên.

“Người lớn không nên cầm kính lúp để soi mói những khuyết điểm nhỏ nhặt của con cái, mà nên cho trẻ một khoảng không gian tự do. Đồng thời, cho phép những vấn đề nhỏ nhặt của chúng tồn tại, đó mới là tình yêu thương con tốt nhất”, cô Trường nói.

Theo cô Nguyễn Thị Trường, cách để cha mẹ thu phục con cái không phải là đánh đập, mắng mỏ, trừng phạt, mà phải khoan dung, chờ đợi. Mục đích để con cái biết cách không ngừng sửa đổi khi lớn lên. Đó mới chính là sự trưởng thành thực sự của trẻ.

Nếu như bạn đã từng quá hà khắc với con cái, như vậy sẽ khó để nuôi dưỡng lòng vị tha của trẻ. Bởi người lớn là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Do vậy, từ từ khoan dung để con trẻ được lớn lên trong không khí gia đình thoải mái hơn do người thân tạo ra.

Muốn vậy, đầu tiên, đừng phóng đại những sai lầm và thiếu sót của con trẻ. Khi con loanh quanh vừa nghịch vừa làm hỏng đồ đạc, bố mẹ thấy cảnh này khó mà chịu đựng. Nhiều cha mẹ cáu gắt thậm chí có thể đánh con.

Theo chuyên gia, cần cố gắng giải quyết những lỗi lầm và khuyết điểm của trẻ càng nhẹ nhàng càng tốt. Khi bố mẹ có lòng vị tha, con trẻ sẽ học theo để dễ dàng hơn với những mối quan hệ và khả năng giao tiếp sau này.

Đặc biệt đối với những bậc cha mẹ thiếu kiên nhẫn, không được đưa vấn đề của con mình ra ngoài ngữ cảnh. Thay vào đó phải quan sát, xem xét kỹ hơn. Khi xác định được vấn đề của trẻ thực sự cần phải sửa thì mới có biện pháp xử lý cũng chưa muộn.

Cha mẹ cũng cần cho trẻ một không gian trưởng thành, bao dung hơn với những khuyết điểm của con. Nhiều phụ huynh vẫn không biết rằng mình đang bảo vệ con cái quá mức, khiến đứa trẻ mất đi không gian để tự do phát triển.

Khi một đứa trẻ lề mề dẫn đến đi học muộn và khi đứa trẻ sơ suất dẫn đến không hoàn thành bài tập về nhà, cha mẹ dĩ nhiên không phải buông xuôi bỏ mặc. Nhưng mà so với răn dạy con trẻ, cha mẹ hẳn là nên làm gương, cùng tìm hiểu và phân tích, lắng nghe con nói. Đối với một số trẻ không theo kịp, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ trong khi thực hiện để trẻ làm theo.

Biết tha thứ không phải là nhu nhược, trốn tránh - Ảnh 1.

Biết nhận lỗi, xin lỗi

Cô Nguyễn Thị Trường chia sẻ, trẻ em, nhất là ở độ tuổi 7 - 9 nhiều lúc làm cho cha mẹ bực mình. Những thay đổi nhận rõ ban đầu, nào là không còn gọn gàng như trước, kéo lê đôi dép vào mỗi buổi sáng, chẳng thèm dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong, không tập trung khi học bài...

Tóm lại, lúc nào cha mẹ cũng có chuyện để nhắc nhở, quát mắng bé. Một số cha mẹ cũng cố gắng nhắc nhở, thuyết phục và động viên trẻ ngăn nắp nhưng hình như tình hình chẳng chuyển biến. Họ bắt đầu bực mình và lại tiếp tục quát mắng con.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, quát mắng không hề mang lại kết quả như ý muốn và tần số quát mắng con của cha mẹ ngày càng lớn thì hiệu quả càng kém. Vì vậy, cha mẹ cần tìm một giải pháp trung hòa. Hãy tìm một cách tiếp cận thông minh và tạo ra nhịp cầu chứ không phải rào cản cho cha mẹ và bé.

Thông thường, bạn la lên và quát mắng bé đơn giản vì bạn sợ con sẽ không làm điều mình muốn. Thế nhưng, cha mẹ cần phải biết rằng, động viên những điều con bạn có thể làm được và ít nhắc tới việc thất bại của bé mới chính là cách để dạy dỗ con nên người.

Hãy nói: “Mẹ rất vui khi con rửa sạch cái chén này, lần sau, con thử rửa cái dĩa xem sao nhé”, thay vì mắng mỏ bé: “Tại sao cái chén lại sạch như thế này còn cái dĩa thì bẩn như vậy?”. Sự giận dữ có thể khiến bạn đốt cháy tất cả, có thể phá hủy mọi thứ. Chính vì vậy, bạn hãy rộng lượng bỏ qua để không đánh mất đi tất cả yêu thương và vị tha.

Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu vị tha khác với sự nhu nhược rụt đầu trốn tránh, nhường nhịn bạn yếu, bạn khuyết tật, nhưng không thỏa hiệp với những thói xấu của bạn.

Chẳng hạn, bạn đưa ra một tình huống: “Có một bạn không có búp bê đẹp, không có một cái hộp bút thật xinh và thế là bạn ấy hay lấy đồ của những bạn chơi cùng làm của mình. Như thế là sai hay đúng?”. Bạn hãy xem bé có phân định rạch ròi đâu là sự cảm thông để tha thứ, đâu là điều cần phải đấu tranh để loại trừ. Dĩ nhiên, định hướng của bạn đối với bé sẽ rất cần thiết.

“Người lớn phải là tấm gương để trẻ noi theo. Nếu bố mẹ có lỗi với các bé, chúng ta hãy biết xin lỗi. Khi con sai, phải thật nghiêm khắc nhưng không nên mắng mỏ hay đánh bé. Giải thích nhẹ nhàng để bé nhận biết được mình sai và cần có lời xin lỗi cùng lời hứa không tái phạm. Như vậy, chúng ta dạy trẻ biết xin lỗi, nhận lỗi và sẽ dễ dàng tha lỗi cho người khác”, cô Nguyễn Thị Trường - giáo viên Trường THCS Bình Ba, Phú Thọ nhấn mạnh.

Chia sẻ