Bị ép ăn món không thích, khả năng tiết sữa của người mẹ có thể bị giảm
Tâm lý rất quan trọng trong việc tạo sữa. Khi bà mẹ cảm thấy vui vẻ thoải mái, ăn ngon miệng thì việc tiết sữa sẽ tốt hơn rất nhiều.
Sữa mẹ thật sự rất kì diệu, nó không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tăng cường mối quan hệ giữa mẹ và bé. Cùng lắng nghe những chia sẻ từ bác sĩ Anh Thy - người đầu tiên tại Việt Nam lấy được chứng nhận Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) giải đáp những thắc mắc của rất nhiều các mẹ bỉm đang nuôi con bằng sữa mẹ nhé.
Vì sao cho con ti mà mẹ cũng buồn ngủ thưa bác sĩ?
Khi bé ti mẹ, não bộ của mẹ sẽ tiết ra một loại hormone đó là hormone hạnh phúc Oxytocin. Hormone này sẽ giúp cho cả mẹ và bé cảm giác thoải mái, bình an và dễ ngủ. Điều này là rất bình thường, nên mẹ đừng lo lắng nhé.
Khớp ngậm có vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ?
Khớp ngậm đúng là khi em bé bú ngậm sâu vào quầng vú mẹ. Nếu bé ngậm không đủ sâu, chỉ ngậm mỗi đầu ti, em bé có thể khiến cho ti mẹ bị đau, chảy máu hoặc em bé không thể lấy sữa ra khỏi ngực hiệu quả, từ đó, bé sẽ rất lâu no hoặc nhận không đủ lượng sữa và có thể tăng cân không tốt.
Muốn có khớp ngậm đúng, bà mẹ phải có tư thế bú đúng: tai-vai-hông bé phải trên 1 đường thẳng trong lúc bú, bụng bé (bao gồm cả phần rốn bé) áp sát vào bụng mẹ. Khi mẹ có tư thế bú đúng, mẹ đã có thể đạt được 70-80% thành công trong quá trình cho bú. Tư thế bú sẽ hỗ trợ cho khớp ngậm đúng và giúp cả mẹ-bé thoải mái, không bị mỏi.
Tuy nhiên, khớp ngậm không cần phải hoàn hảo tới mức 10 điểm. Không có điều gì là hoàn hảo cả. Một khớp ngậm 7-8 điểm nhưng bé nuốt sữa ổn, tăng cân trong chuẩn, mẹ không bị đau thì không cần phải điều chỉnh gì.
Đầu vú mẹ bị tổn thương, xuất hiện nhiều chấm trắng, mẹ dễ bị tắc tia sữa, phải làm thế nào?
Khi đầu vú mẹ xuất hiện các nốt trắng, thì đây thường là cặn sữa hoặc mụn sữa. Khởi phát, đầu ti có thể bị tổn thương ít hoặc nhiều do bé ngậm ti sai, hút sữa không đúng cách: lực hút quá mạnh, kích thước phễu không đúng. Trong quá trình vết thương này lành sẽ có sự tăng sinh biểu mô ở vùng này, hoặc vị trí tổn thương có thể đang viêm nên vô tình nó có thể làm cản trở dòng sữa thoát ra. Khi dòng sữa di chuyển chậm, chất béo có thể bị vón lại tạo thành cặn sữa. Nó không liên quan gì đến việc thừa canxi. Nhiều mẹ gọi nó là cặn canxi, cụm từ này không đúng. Trong một số trường hợp, vị trí cặn sữa có 1 lớp da bọc qua, thì chúng ta gọi là mụn sữa.
Khi các mẹ bị tình trạng này, mẹ hãy đắp lên đầu ti bằng khăn ẩm hoặc có thể ngâm đầu ti vào nước ấm nhẹ. Cách này giúp cho cặn mềm ra, lớp màng bọc mụn sữa nếu có cũng mềm ra. Sau đó mẹ có thể dùng tay vắt để giúp bung cặn sữa, hoặc với lực mút của bé cũng có thể giúp làm bung cặn sữa. Mẹ cần kiên trì làm trong nhiều cữ. Nếu mẹ thấy việc xử lý khó khăn trong nhiều ngày, hoặc thấy có xuất hiện tắc tia có cục cứng bên trong bầu ngực thì mẹ nên đi khám nhé.
Vừa cho bé ti mẹ trực tiếp vừa hút sữa thì có cần hút đúng giờ không thưa bác sĩ?
Nếu mẹ cho bé ti trực tiếp hoàn toàn, thì không cần phải hút sữa thêm. Nếu mẹ nào muốn có một ít sữa dư thì có thể hút thêm sau khi con bú, nhưng chỉ cần hút 1-2 cữ bú thôi. Mẹ chỉ nên dư 1 ít sữa, chứ cũng không nên lạm dụng việc vắt hút mà khiến cho lượng sữa dư quá nhiều. Khi dư quá nhiều sữa, mẹ sẽ rất dễ bị tắc tia. Mình thường khuyên các mẹ muốn dư thì dư tầm 200ml sữa/ngày đổ lại là vừa. Lúc này, mẹ sẽ hút sữa ở 1 vài khung giờ tương đối giống nhau giữa các ngày, không cần đúng y bon giờ đâu, vì mình đang cho bú trực tiếp, bé đâu có bú đúng giờ.
Nhưng mình cũng không nên hút ở những khung giờ quá khác nhau. Ví dụ, mẹ quyết định hút sữa sau mỗi buổi sáng. Hôm nay bé bú xong lúc 6h30 sáng, mẹ hút sữa lúc 7h. Hôm sau bé bú xong lúc 7h30, mẹ hút lúc 8h. Vậy mẹ sẽ hút sau cữ đầu tiên buổi sáng lúc 7-8h. Mẹ đừng hút khi thì 7-8h, khi thì 15-16h. Mẹ cần giúp cơ thể hiểu là mỗi cữ sáng, cơ thể cần sản xuất thêm sữa. Việc hút ở khung giờ quá khác nhau sẽ khiến cho cơ thể không hiểu khung giờ nào nên sản xuất dư, sẽ dễ gây tắc tia hoặc khiến cho việc tăng sữa không hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng nếu mẹ ăn ngon miệng, tâm trạng vui vẻ thì sẽ nhiều sữa hơn có đúng không?
Tâm lý rất quan trọng trong việc tạo sữa. Khi mẹ bị stress, hormone cortisol tiết ra nhiều, nó sẽ ức chế các hormone tạo sữa và phóng sữa. Khi bà mẹ cảm thấy vui vẻ thoải mái, ăn ngon miệng thì việc tiết sữa sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì vậy, khi bị ép ăn những món không thích, không ngon miệng, bà mẹ sẽ có xu hướng bị ức chế, từ đó tiết sữa sẽ không tốt bằng bà mẹ được ăn những món ăn mình yêu thích.
Vậy việc ăn ngon miệng sẽ góp phần cho quá trình tạo sữa tốt hơn. Tuy nhiên, đó không phải là cơ chế chính tạo sữa. Muốn sữa nhiều đủ cho con, thì cần phải lấy sữa ra khỏi ngực mẹ liên tục đủ nhiều, có nghĩa là phải ôm con cho bú nhiều hoặc hút sữa đủ số lần. Nếu ăn ngon mà không đảm bảo điều này thì sữa cũng sẽ không tăng đủ cho con.