Bệnh giang mai ở bà bầu khó phát hiện, rất nguy hiểm cho thai nhi

P.Hà,
Chia sẻ

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, các dấu hiệu nhận biết mắc giang mai ở phụ nữ có thai thường là các vết loét nhỏ cứng ở cơ quan sinh dục, không đau nên hay bị bỏ qua. Những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ mắc giang mai nếu không được điều trị ngay, nguy cơ tử vong tới 40% vì nhiễm bệnh…

Giang mai là một bệnh lây truyền khá phổ biến mà tác nhân gây bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum, đây là loại có khả năng đề kháng kém, không thể sống sót bên ngoài cơ thể quá lâu, dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, chất sát khuẩn và xà phòng.

Giang mai lây truyền chủ yếu qua đường tình dục

PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, phó Trưởng bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, dù dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, chất sát khuẩn và xà phòng nhưng khi đã thâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thể tồn tại rất lâu, thậm chí lên đến hàng chục năm. Bệnh được lây truyền chủ yếu qua đường tình dục nhưng ngoài ra có thể lây qua đường máu, từ mẹ sang con và khi tiếp xúc trực tiếp với các vết loét giang mai.

“Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị nhiễm và ảnh hưởng do khi mang thai cơ thể người phụ nữ bị giảm đề kháng cũng như nếu nhiễm giang mai từ trước thì lúc mang thai có thể bùng phát và lây truyền cho thế hệ sau. Bệnh diễn biến nhiều năm có khi cả đời, có lúc rầm rộ, có những thời kì không có triệu chứng gì làm cho người bệnh lầm tưởng là đã khỏi”- PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Bệnh giang mai ở bà bầu khó phát hiện, rất nguy hiểm cho thai nhi - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, phó Trưởng bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, khi đã mắc bệnh nếu không được điều trị bệnh có thể xâm nhập vào tới cả các phủ tạng như da, tim mạch, thần kinh trung ương gây nhiều biến chứng rất nặng. Đặc biệt, ở nhóm đối tượng phụ nữ mang thai thì việc không kiểm soát được các triệu chứng của bệnh sẽ khiến lây truyền sang con và tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật tại nhiều cơ quan và bộ phận. Bệnh lây truyền từ những người mắc kể cả giang mai kín và truyền từ mẹ sang con qua rau thai từ tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 trở đi.

“Ở phụ nữ mang thai có thể phát hiện khi quan sát thấy những vết loét ở môi lớn gây phù nề nhiều ở một bên âm hộ, những tổn thương khu trú ở cổ tử cung hay gặp nhưng thường bị bỏ sót vì không gây đau đớn gì còn ở hậu môn có thể biểu hiện bằng vết nứt thâm nhiễm và đau buốt. Các khu trú khác ngoài sinh dục như môi, núm vú, ngón tay đều có thể phát hiện do cảm giác đau”- PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.

Mẹ mắc giang mai, tỷ lệ con tử vong sau sinh tới 40% nếu không được điều trị

Nếu thai phụ mắc bệnh giang mai và không được điều trị ngay, người mẹ có thể truyền bệnh sang cho thai và có tới 40% trẻ sinh ra từ những người mẹ bị giang mai không được điều trị sẽ tử vong sau sinh vì nhiễm bệnh. Hầu hết giang mai được truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai nhưng cũng có thể lây truyền trong quá trình sinh thường đường âm đạo.

“Khi bé sinh ra đã bị giang mai, thì gọi là giang mai bẩm sinh và tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong. Các trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng thấy xuất hiện các thương tổn giang mai. Do vậy để sàng lọc và tránh nguy cơ mắc hay truyền bệnh cho thai thì các trường hợp chuẩn bị mang thai sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là những trường hợp nghi ngờ còn khi mang thai thì trong lần khám thai đầu tiên thai phụ sẽ được làm xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lây qua đường tình dục trong đó có giang mai”- PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Các dấu hiệu nhận biết mắc giang mai ở phụ nữ có thai

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn, các dấu hiệu nhận biết mắc giang mai ở phụ nữ có thai thường là khi phát hiện các vết loét nhỏ cứng, không đau hay còn gọi là săng giang mai thường gặp ở cơ quan sinh dục. Ngoài ra khi bệnh tiến triển thì sẽ xuất hiện những cơn đau cơ mệt mỏi, nhức đầu rụng tóc, hạch bạch huyết sưng to mà nếu không được thăm khám kĩ rất dễ nhầm sang các bệnh hệ thống hay bị bỏ qua và điều trị theo hướng bệnh nội khoa. Và khi không được điều trị kịp thời hay để muộn thì sẽ nhanh chóng bị tổn thương các cơ quan nội tạng do cơ thể người phụ nữ mang thai bản chất đã rất dễ nhiễm bệnh và làm bệnh trở nặng do suy giảm đề kháng cơ thể. Khi các cơ quan bị tổn thương rất dễ ảnh hưởng trực tiếp tới thai, việc phát hiện sớm ở trẻ vô cùng quan trọng sẽ giúp điều trị khỏi và không để lại di chứng.

Giang mai ở thai khi còn trong bụng mẹ sẽ khó nhận biết do dễ nhầm lẫn với những bất thường dị tật bẩm sinh khác, một số hình ảnh trên siêu âm gợi ý như khe hở vòm miệng, xương mũi ngắn, trán dô, xương chày lưỡi kiếm hay chân tay ngắn kết hợp với xét nghiệm giang mai dương tính ở người mẹ.

“Khi trẻ ra đời thì biểu hiện giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như bong da chi, phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy các chi, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ đẻ ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to. Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 2-3 năm với các biểu hiện như: viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ. Những biểu hiện ở trẻ cho thấy có thể tổn thương da, niêm mạc, cơ xương khớp, tim mạch hoặc hệ thần kinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ trẻ và có nguy cơ gây tử vong”- PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Do đó việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, bệnh giang mai được điều trị hiệu quả nhờ thuốc và đây cũng là phương pháp duy nhất để phòng ngừa các tổn thương bẩm sinh cho thai bởi khi đã gây tổn thương cho thai thì sẽ để lại di chứng lâu dài.

Chia sẻ