Bé trai 7 tháng tuổi luôn nắm chặt tay, bà nội khó hiểu bèn giục đưa đi khám thì nhận về kết quả khiến cả nhà ngã quỵ
Mẹ chồng cô cho rằng biểu hiện ấy khá bất thường, vội giục hai vợ chồng đưa bé đi bệnh viện kiểm tra.
Bà mẹ trẻ họ Lâm (Trung Quốc) có một bé trai đầu lòng vừa được 7 tháng tuổi. Nhìn con lớn lên khỏe mạnh, vợ chồng cô vô cùng hạnh phúc. Vợ chồng cô mới chuyển nhà nên đã đón bà nội bé lên ở chung và hỗ trợ chăm sóc bé.
Sau khi mẹ chồng cô Lâm lên, bà phát hiện cháu trai mình luôn nắm chặt tay. Vợ chồng cô Lâm trước đó không hề để tâm, coi đó là hành động bình thường của trẻ nhỏ. Nhưng mẹ chồng cô lại cho rằng biểu hiện ấy khá bất thường, vội giục vợ chồng con trai đưa bé đi bệnh viện kiểm tra. Và kết quả bệnh viện đưa ra sau đó đã khiến cả nhà cô Lâm đau đớn vô cùng. Con trai cô bị bại não.
Cả thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đều còn rất non nớt, nhỏ yếu. Cha mẹ khi chăm sóc con phải luôn dịu dàng và nhẹ nhàng, cẩn thận với trẻ. Nhất là phải quan sát tỉ mỉ những biểu hiện, thay đổi bất thường ở con để kịp thời phát hiện và điều trị vấn đề có thể có.
Trong câu chuyện về bé trai 7 tháng ở trên, dấu hiệu hai tay của bé luôn nắm chặt chính là một trong 4 dấu hiệu chính của trẻ bị bại não bẩm sinh (Ngoài dấu hiệu trên, 3 dấu hiệu khác của trẻ bị bại não bẩm sinh gồm: 1. Hai tay trẻ không biết với để cầm đồ vật; 2. Trẻ có cơn co cứng hoặc chân duỗi cứng khi đặt đứng; 3. Trẻ không ngẩng được đầu khi nằm sấp, không kiểm soát được đầu cổ hoặc không biết lẫy).
Vì vợ chồng cô Lâm chưa chú ý kỹ nên mới bỏ qua. Nếu bà nội bé không kịp thời phát hiện thì có lẽ vợ chồng cô phải một thời gian dài nữa mới nhận ra vấn đề ở con trai mình.
Để con được phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần lưu ý:
Kiểm tra toàn diện sức khỏe trẻ ngay sau khi sinh: Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng chỉ cần con chào đời thuận lợi và khóc thật to nghĩa là con khỏe mạnh. Thực tế, trẻ sơ sinh vẫn có thể chứa đựng những vấn đề bẩm sinh về sức khỏe. Chính vì thế, ngay sau khi trẻ chào đời, cha mẹ cần làm kiểm tra toàn diện cho con để kịp thời phát hiện, điều trị những vấn đề mà con gặp phải.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ: Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, còn khá yếu ớt. Trẻ cũng chưa đủ nhận thức và hiểu biết để nói với cha mẹ vấn đề mình đang gặp phải. Nếu đợi đến khi những biểu hiện đã quá rõ rệt thì bệnh của trẻ đã trở nên nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ nên định kỳ đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, đánh giá sự phát triển toàn diện của con.
Nếu trẻ gặp bất kỳ vấn đề gì như thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng chẳng hạn, cha mẹ sẽ kịp thời điều chỉnh qua chế độ ăn và thậm chí bằng thuốc. Dẫu việc khám sức khỏe định kỳ có thể tốn kém kinh phí nhưng đó thực sự là một việc làm cần thiết để đảm bảo cho trẻ nhỏ phát triển khỏe mạnh.
Đến bệnh viện thăm khám kịp thời: Nếu thấy trẻ có bất kỳ sự khó chịu nào, cha mẹ cần kịp thời đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Sự chậm trễ trong trường hợp này đôi khi có thể gây nên hậu quả nặng nề. Cha mẹ càng không nên sử dụng các biện pháp chữa bệnh truyền miệng cho con, coi chừng lợi bất cập hại. Sự thăm khám và điều trị từ các bác sĩ có chuyên môn là sự lựa chọn tốt nhất khi trẻ bị bệnh.