Bé gái bị hóc loại quả được nhiều gia đình yêu thích, quá trình cứu con khiến người mẹ sợ hãi và ám ảnh
May mắn bé gái đã thoát nạn nhưng người mẹ vẫn vô cùng ân hận khi không trông chừng con mình cẩn thận.
Mới đây, một người mẹ đến từ Bắc Ninh đã chia sẻ việc con gái 4 tuổi mình bị hóc nhãn, dù may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng là một lời cảnh báo tới các phụ huynh trong việc chăm sóc con nhỏ.
Cụ thể, chị Nguyễn Huyền cho biết vào khoảng 11h30 ngày 20/7, con gái chị đang ăn nhãn đã bị hóc tại điểm thực quản, gần sát với khí quản. Sau đó bé bị nôn, chảy nước mũi, ho nhiều và nôn trớ. Gia đình lập tức đưa cháu tới viện.
Đến 22h cùng ngày, các bác sĩ đã nội soi và gắp được dị vật ra ngoài. Chia sẻ về sự cố nguy hiểm trên, chị Huyền cho biết hiện tại sức khoẻ của con gái đã ổn định trở lại. Tuy nhiên cháu vẫn còn sợ hãi, không dám ăn đồ có hạt hay có xương. Sự việc này khiến chị cho tới tận bây giờ vẫn vô cùng ám ảnh.
"Hôm đó mình mua nhãn ta vì cùi mỏng và trơn nên cháu bị hóc rất nhanh. Ngay sau đó, mình phát hiện và sơ cứu luôn, đưa cháu sang trạm y tế gần nhà. Tuy nhiên quả nhãn còn nguyên cùi nên không thể ra được vì quá to và mắc trên đường xuống thực quản.
Sau 15 phút thấy cháu nôn liên tục nhưng vẫn thở bình thường, mình gọi xe cấp cứu lên tuyến tỉnh. Lên đó các bác sĩ kiểm tra dấu hiệu sinh tồn thì nhịp tim bình thường, nhịp thở vẫn bình thường. Nhưng mình thấy biểu hiện của con không ổn nên yêu cầu làm các phương pháp khám như chụp X-quang, siêu âm và nội soi.
Đến khoảng 13h chiều, các bác sĩ thông báo đã tìm được hạt nhãn mắc ở đường thực quản và cho chuyển tuyến ra Hà Nội gắp nội soi. Lúc đó bé nhà mình khóc liên tục vì sợ hãi. Đến 22h, các bác sĩ bắt đầu mổ, vì hạt nhãn trơn nên thời gian mổ kéo dài. Đến khi bác sĩ mang dị vật ra và báo cháu đã ổn thì mình mới dám thở phào nhẹ nhõm. Nếu hạt nhãn đi lên tầm 1cm nữa thôi bị sẽ tắc đường khí quản thì bé không còn cơ hội nữa rồi", chị Huyền kể lại.
Hiện tại chị Huyền vẫn còn cảm giác ân hận khi đã không cẩn thận trông con: "Chứng kiến con vượt qua giai đoạn nguy hiểm, mình đau xót và buồn vô cùng. Tự hứa với bản thân sẽ cẩn thận hơn khi cho con ăn uống, đặc biệt là các loại quả nhỏ".
Người mẹ này cũng muốn chia sẻ câu chuyện mong các bậc phụ huynh cảnh giác, vì chỉ một chút sơ suất thôi sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Những lưu ý cho cha mẹ
Theo các bác sĩ, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nhưng nếu không biết cách thì chỉ sau 5-6 phút, bé có thể sẽ bị ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong do dị vật chèn đường thở.
Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc, sặc dị vật cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh theo những thao tác như sau:
- Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
- Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt lưu ý cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật. Hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.
Những cách giúp ngăn ngừa tai nạn hóc nghẹn đồ ăn
- Phải luôn trông chừng và để ý khi trẻ ăn.
- Nhắc trẻ nên ngồi khi ăn và nhai thật kĩ trước khi nuốt.
- Luôn cắt thức ăn thành những miếng/phần nhỏ trước khi đưa cho trẻ ăn, và nhớ loại bỏ hạt của các loại quả nếu có.
- Tự trang bị cho mình nhưng kỹ năng cần thiết để sơ cứu cho trẻ trong trường hợp tai nạn xảy ra.