Bé gái 5 tuổi suýt mất mạng chỉ vì đi ngủ sau khi ăn quá no
Cha mẹ nào cũng nghĩ trẻ ăn no, ăn nhiều để chóng lớn. Tuy nhiên, để con ăn quá no có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Cô bé 5 tuổi suýt mất mạng vì ăn quá no
Tháng 1 năm 2018, một ngày vào lúc 6 giờ tối, cô Phó ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã làm sủi cảo và bánh trôi. Đây là 2 món mà cô con gái Tiểu Hiên, 5 tuổi của cô Phó vô cùng thích ăn. Sau khi Tiểu Hiên đi học về, cô bé còn chưa thay quần áo đã nhìn thấy 2 món yêu thích của mình trên bàn ăn.
Vì không thể cưỡng nổi được nên Tiểu Hiên đã ăn rất nhiều sủi cảo và bánh trôi, sau khi ăn no cô bé thiếp đi và chìm vào giấc ngủ. Đến 9 giờ tối, cô Phó đánh thức con gái dậy để thay quần áo và vào giường đắp chăn ngủ cho ngon. Tuy nhiên, gọi Tiểu Hiên không trả lời, cô Phó phát hiện sắc mặt của cô con gái đã thâm tím, mũi và miệng cũng đổi sắc.
Quá hốt hoảng, cô Phó lập tức đưa Tiểu Hiên đến bệnh viện. Sau khi đến bệnh viện cấp cứu, Tiểu Hiên may mắn đã được giải cứu kịp thời. Bác sĩ giải thích, do Tiểu Hiên ăn quá no xong đi ngủ liền, thức ăn không tiêu hóa hết gây hiện tượng trào ngược và xảy ra tình trạng tắc nghẽn thức ăn ở khí quản.
Do Tiểu Hiên ăn quá no xong đi ngủ liền, thức ăn không tiêu hóa hết gây hiện tượng trào ngược và xảy ra tình trạng tắc nghẽn thức ăn ở khí quản (Ảnh minh họa).
Bác sĩ cũng cảnh báo việc để trẻ ăn quá no rất có hại đến thể chất và tâm lý của trẻ về lâu dài. Khi ăn no, phần lớn lượng máu trong cơ thể chuyển đến đường ruột, máu để cung cấp cho đại não bị thiếu hụt. Việc đó về lâu dài khiến não bị mệt mỏi.
Bên cạnh đó, các phần não liên quan đến ăn uống luôn trong tình trạng hưng phấn trong khi các khu vực khác bị ức chế, điều này khiến đại não sớm lão hóa và suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến trí thông minh của trẻ. Những trẻ thường xuyên ăn quá no thường kém thông minh, kém nhanh nhẹn so với trẻ ăn ít hoặc ăn vừa đủ.
Những việc tuyệt đối không để trẻ làm sau khi ăn no
- Không được cho trẻ đi ngủ ngay: Các chuyên gia y tế nhắc nhở rằng dù đó là người lớn hay trẻ em, sau khi ăn no cũng không được đi ngủ ngay lập tức. Điều này rất dễ dẫn đến trào ngược thức ăn từ dạ dày đi vào thực quản. Nếu bệnh nhẹ có thể khiến thực quản khó chịu, nếu nặng có thể dẫn đến trào ngược gây viêm thực quản, xói mòn và lở loét thực quản.
Nếu trót để trẻ ăn no, đặc biệt là bữa trưa và bữa tối, cha mẹ không nên để trẻ đi ngủ ngay, nên cho trẻ nghỉ ngơi. Trong trường hợp ăn xong trẻ rất buồn ngủ cũng cố gắng giúp trẻ tỉnh táo. Cha mẹ có thể cùng ngồi trò chuyện để trẻ "xuôi cơm" trước khi chìm vào giấc ngủ.
Tránh để trẻ chạy nhảy, nô đùa sau khi ăn no vì sẽ "xóc bụng" gây đầy hơi, khó chịu hoặc nôn trớ (Ảnh minh họa).
- Không cho trẻ tham gia các hoạt động mạnh: Sau bữa ăn, người lớn cần yêu cầu trẻ ngồi ngoan, có thể chơi các trò chơi nhẹ nhàng, tránh việc chạy nhảy, nô đùa vì sẽ "xóc bụng" gây đầy hơi, khó chịu hoặc nôn trớ.
Với trẻ sơ sinh, nếu được mẹ cho bú no hoặc ăn bột no, mẹ nên thực hiện biện pháp ợ hơi cho con, giúp bé thoải mái và tránh tình trạng nôn trớ, trào ngược dạ dày sau ăn.
Sau khi đứa trẻ đi ngủ, cha mẹ vẫn cần phải kiểm tra lại bằng cách "một nghe", "hai nhìn", "ba chạm", "bốn làm". Tức là nghe nhịp thở của con, nhìn biểu hiện sắc mặt của con có gì thay đổi không, tiếp theo là chạm vào cơ thể xem có dấu hiệu sốt hay cảm lạnh… Cuối cùng, nếu có vấn đề gì xảy ra, cha mẹ lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Nguồn: Sohu