Bé gái 5 tuổi cứu mẹ thoát chết đuối khiến bố mẹ Việt phải xem lại cách dạy con

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Clip ghi lại cảnh cô bé Allison bình tĩnh lao xuống bể bơi cứu mẹ thoát chết đuối chắc chắn sẽ khiến bố mẹ Việt đặt ra câu hỏi liệu có khác biệt nào trong cách dạy con mà trẻ em Việt không thể hành động như cô bé 5 tuổi này.

Video clip ghi lại hành động anh hùng của cô bé Allison Anderwald (bang Texas, Mỹ) đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Thứ 6 tuần trước, cô bé Allison cùng mẹ Tracy có khoảng thời gian thư giãn bên bể bơi gia đình. Đột nhiên, điều không hề đoán trước xảy ra: Mẹ cô bé bất ngờ bị choáng và ngã xuống nước, trong tình trạng bất tỉnh.

Ở độ tuổi mà nhiều bạn nhỏ mới chỉ chập chững học bơi, cô bé Allison – biết bơi từ khi 2 tuổi – đã bình tĩnh lao xuống bể, bơi về phía mẹ và kéo mẹ tới nơi an toàn. Sau đó, cô bé nhanh chóng chạy vào trong nhà để gọi người thân ra cấp cứu cho mẹ. Khoảnh khắc dũng cảm cứu mẹ của bé Allison được ghi lại từ giây thứ 30 trong video clip.


Điều khiến câu chuyện về hành động tuyệt vời của cô bé 5 tuổi cứu mẹ khỏi đuối nước trở nên đáng suy ngẫm đến vậy chính là việc chúng ta thường xuyên nói về an toàn bể bơi nhưng lại theo hướng hoàn toàn khác. Trẻ em được dạy cách đảm bảo an toàn ở bể bơi như thế nào? Có vẻ như người lớn đã chú trọng rất nhiều vào việc phải để mắt tới trẻ nhỏ, tránh cho các bé không gặp phải nguy hiểm do quá hào hứng. Tuy nhiên, chúng ta lại không thường nghĩ trẻ đủ khỏe hoặc đủ hiểu biết để tự cứu chính mình, nói gì tới cứu người lớn. 

Câu chuyện của cô bé 5 tuổi Allison đã cho thấy, lẽ ra chúng ta nên nghĩ như vậy. Trước đây, từng có những chuyện tương tự về lòng dũng cảm, sự bình tĩnh tới khó tin của các cô bé cậu bé, nhỏ nhất là 2 tuổi, trong các tình huống tai nạn như hỏa hoạn hay cấp cứu. Những đứa trẻ đó, cũng như Allison, đã chứng minh rằng, trẻ em hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và cả người khác được an toàn trong tình thế nguy hiểm, nếu được dạy đúng cách.

Một trong những kĩ năng quan trọng cần dạy trẻ từ sớm là cách gọi số cấp cứu.
Một trong những kĩ năng quan trọng cần dạy trẻ từ sớm là cách gọi số cấp cứu.

Bước đầu tiên phải là sự nhận thức. Tất cả những đứa trẻ được nhắc tới ở trên đều có một điểm chung: chúng không ý thức một cách mơ hồ về những việc mình phải làm. Allison biết chuyện gì đang diễn ra và làm thế nào để xử lý. Khi một cậu bé 9 tuổi cứu em gái mình khỏi đuối nước, đó là nhờ cha mẹ cậu đã chuẩn bị cho cậu những kiến thức về cách ứng xử trong tình huống khẩn cấp và thậm chí đã tạo điều kiện cho cậu thi lấy chứng chỉ về sơ cứu. Trẻ có thể và nên được học cách thực hiện các thao tác sơ cứu cơ bản. Và một kỹ năng không thể thiếu khác mà các chuyên gia khuyến khích cha mẹ dạy con chính là cách gọi số cấp cứu.

Bước hai, đưa ra những cách thức truyền đạt phù hợp với lứa tuổi để trẻ thu nhận thông tin quan trọng và sau đó là thực hành. Việc thực hành thường xuyên với các thao tác chính xác ngay từ đầu sẽ là cơ sở để trẻ nắm vững và nhuần nhuyễn kỹ năng ứng xử khi khẩn cấp.

Một phần chủ chốt để dạy con trong các tình huống khẩn cấp, theo chuyên gia về hành vi và cách làm cha mẹ, Gail Gross, là khả năng giữ bình tĩnh, tập trung. Những sự việc đáng sợ xảy ra tiềm ẩn mọi thể loại phản ứng liên quan tới việc làm chậm khả năng hành động. 3 gợi ý của tiến sĩ Gross để giữ bình tĩnh trong trường hợp khẩn cấp là: thả lỏng cơ, hít thở sâu và mường tượng tới một kết thúc tốt đẹp.

Cứu mẹ thoát chết đuối
Khuyến khích trẻ học các kỹ năng sơ cứu và hô hấp nhân tạo là thực sự cần thiết.

Cuối cùng, khuyến khích trẻ học các kỹ năng sơ cứu và hô hấp nhân tạo là thực sự cần thiết. Trẻ từ 9 đến 10 tuổi thường đủ khỏe để thực hiện động tác ép ngực. Nhưng đa phần các lớp huấn luyện sơ cứu không giới hạn độ tuổi nhỏ nhất có thể tham gia. Hội Chữ Thập Đỏ thậm chí còn có một ứng dụng mang tên Monster Guard, giúp hướng dẫn và kiểm tra trẻ về những kiến thức xử lý tình huống nguy cấp.

Nhưng có lẽ, điều thiết yếu và đơn giản nhất mà bạn có thể làm để giúp con mình ứng xử thông minh, phù hợp trong những tình huống khẩn cấp chính là làm gương cho trẻ. Theo cố vấn Hội Chữ Thập Đỏ và bác sĩ nhi khoa David Markenson, nếu thấy bạn lo lắng, sợ hãi, trẻ sẽ khó lòng giữ được bình tĩnh, dù đó là lúc chúng cần nhất sự bình tĩnh ấy.

(Nguồn: Sheknows)
Chia sẻ