Bé 3 tháng tuổi chưa biết làm những việc này thì cần đưa con đi thăm khám, cha mẹ hết sức lưu tâm
Nếu trong tháng thứ 2, cha mẹ chưa thấy bé bộc lộ rõ tính cách, thì sang tháng thứ 3, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi con bắt đầu biết thể hiện niềm vui, biết biểu lộ sự nhàm chán và thất vọng của mình.
Trong tháng thứ 3, cha mẹ sẽ thấy con mình ngày càng cứng cáp hơn và các tương tác xã hội càng rõ nét hơn. Nếu trong tháng thứ 2, cha mẹ chưa thấy bé bộc lộ rõ tính cách, thì sang tháng thứ 3, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi con bắt đầu biết thể hiện niềm vui, biết biểu lộ sự nhàm chán và thất vọng của mình. Chưa kể, bé còn bắt đầu tò mò về mọi thứ xung quanh. Do đó, cột mốc quan trọng của tháng này chính là việc bé biết vươn tay để với tới một ai hoặc một thứ gì đó.
1. Bé 3 tháng tuổi biết cười, biết nói thì thầm và biết khóc để tìm sự dỗ dành từ cha mẹ
Có thể con bạn là một em bé ít cười, nên trong tháng thứ 2, cha mẹ chờ mãi nụ cười của con mà chẳng thấy, nhưng chắc chắn là khi được 3 tháng tuổi, con sẽ mỉm cười đáp lại khi được cùng cha mẹ chơi hoặc trò chuyện.
Cùng với nụ cười đó là sự thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt và một vài tiếng thì thầm. Em bé chưa biết nói mama hoặc dada, nhưng cha mẹ có thể nghe thấy một số âm như gahs, ohs, guhs và oos. Mặc dù nghe không hiểu gì cả, song chắc chắn là các ông bố bà mẹ sẽ rất vui và càng tích cực trò chuyện với con hơn. Và nếu may mắn, bạn sẽ được nghe con cười thành tiếng khi cả hai đang chơi đùa với nhau.
Đồng thời, trong khi chơi với con, cha mẹ còn tạo ra nhiều âm thanh và nét mặt khác nhau. Điều này rất tốt cho trẻ sơ sinh, bởi các bé sẽ căn cứ vào đây để bắt chước và thực hành. Nếu như không có sự tương tác này, chắc chắn khả năng bắt chước của bé sẽ không có cơ hội được rèn giũa.
Ở độ tuổi này, em bé thường quấy khóc là chuyện bình thường, đặc biệt là khi chúng buồn chán, hoặc thứ gì đó mà chúng thích bị lấy đi. Trẻ cũng có thể khóc khi được đặt nằm xuống hoặc khi trò chơi kết thúc. Đây là một trong những dấu hiệu tuyệt vời của sự phát triển tại thời điểm này, trẻ biết đòi hỏi một chút dỗ dành từ cha mẹ của mình.
Dấu hiệu nguy hiểm: Tuy biết rằng mỗi bé có tốc độ phát triển và tính cách khác nhau, nhưng không có nghĩa là cha mẹ cứ ngồi yên chờ con mãi. Có một sự khác biệt rõ rệt giữa một em bé tỏ ra rụt rè, ít cười hoặc chậm phản ứng với cha mẹ với một em bé không có khả năng tương tác xã hội. Dấu hiệu nguy hiểm ở đây là sự vắng mặt của một tập hợp các hành vi.
Một đứa bé không cười thành tiếng hay không thì thầm nhưng có cười đáp trả với cha mẹ hoặc một em bé có vẻ quan tâm đến cha mẹ, đòi phải được dỗ dành và bập bẹ, nhưng không cười, thì cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm là con mình phát triển bình thường, chỉ cần chờ thêm một thời gian nữa là bé sẽ tự hoàn thiện cột mốc phát triển của mình. Nhưng một đứa trẻ 3 tháng tuổi hoàn toàn không quan tâm, không bập bẹ, không nhìn cha mẹ và không mỉm cười thì cần được đi gặp bác sĩ nhi khoa gấp. Bởi đây là một dấu hiệu của các chứng rối loạn thần kinh. Nó có thể sẽ được giải quyết nếu được can thiệp sớm.
2. Bé 3 tháng tuổi biết với và nắm lấy đồ vật
Ba tháng tuổi là thời điểm mà các em bé đã biết với tay nắm lấy mọi thứ xung quanh vì chúng tò mò và muốn khám phá để tìm hiểu nguyên nhân vì sao món đồ này lại gây ra âm thanh khi cầm và lắc. Đây là một hành động bản năng, và mọi thứ trẻ làm trông có vẻ như vô tình chứ không phải là cố ý. Nhưng thực ra đó là bằng chứng cho thấy con bạn phát triển tốt ở cấp độ vật lý. Các bé đã biết nhìn và theo dõi các vật thể, cũng như biết phối hợp các chi của mình. Một đứa trẻ liên tục đập một món đồ chơi phát ra âm thanh cho thấy rằng chúng đang rèn luyện cho cơ bắp khỏe mạnh và phản ứng với tín hiệu của thính giác.
Vì bé sẽ nắm lấy mọi thứ trong tầm tay, nên cha mẹ đừng ngạc nhiên khi con liên tục nắm tóc, nhổ râu, kéo áo của mình. Chỉ là con đang khám phá mọi thứ mà thôi.
Dấu hiệu nguy hiểm: Những em bé không với tay và nắm bắt lấy đồ vật, hoặc không quan tâm đến tiếng ồn lớn có thể đã gặp phải các vấn đề về hệ thần kinh. Điều tương tự cũng xảy ra với những em bé có tay chân quá cứng hoặc quá mềm. Cha mẹ cũng nên để ý nếu con không thể ngẩng đầu trong thời gian nằm sấp khi được 3 tháng thì cũng nên được thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa.
Ngoài ra, ở độ 3 tháng tuổi, đã có em bé biết lẫy, biết lăn lộn, do đó, nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cũng giảm. Chưa kể giấc ngủ của bé cũng bắt đầu được đồng hóa gần giống như giấc ngủ của người lớn, sẽ không còn tình trạng "thức ngày cày đêm". Bé còn biết đưa tay lên miệng và mút - cách trẻ tự xoa dịu chính mình. Ba tháng tuổi cũng là thời điểm quan trọng để cha mẹ nghiên cứu và xây dựng giờ giấc sinh hoạt cho con.