Lần đầu làm mẹ nên biết: 3 cột mốc phát triển quan trọng của em bé sơ sinh 1 tháng tuổi
Tuy phần lớn thời gian đầu đời các em bé đều dành cho việc ăn và ngủ, nhưng điều đó không có nghĩa là các bé không học được gì.
Các cột mốc phát triển của em bé là các kỹ năng về thể chất, nhận thức, xã hội và cảm xúc mà các bé đạt được trong quá trình lớn lên và phát triển. Lẫy, mỉm cười, bò và rất nhiều kỹ năng khác đều được coi là những cột mốc quan trọng. Sẽ rất thú vị mỗi khi cha mẹ thấy con mình hoàn thành những kỹ năng này.
Trong một tháng đầu đời sau sinh, hầu như cha mẹ nào cũng háo hức theo dõi sự phát triển của con và đôi khi cảm thấy buồn vì con mình dường như chưa làm được gì cả. Thật ra, tốc độ phát triển của mỗi bé là khác nhau, nên sẽ có bé "cán đích" sớm hơn so với quy định, nhưng cũng có bé "nước đến chân mới nhảy", nên cha mẹ cứ yên tâm, bình tĩnh mà quan sát con nhé.
Ba mốc phát triển quan trọng đối với em bé 1 tháng tuổi
Tuy biết rằng có bé học nhanh có bé học chậm, có bé siêng tập luyện có bé lười, nhưng cha mẹ vẫn nên lưu ý có 3 mốc phát triển quan trọng mà bé 1 tháng tuổi cần phải đạt được. Đó là bé biết kiểm soát chân tay của mình, các giác quan của bé cũng bắt đầu phát triển và hệ thần kinh của bé đang được tổ chức lại. Đây là những dấu hiệu cho thấy não của bé đang phát triển với tốc độ rất nhanh.
1. Bé biết đưa tay lên mặt và miệng, biết nắm tay
Ở độ 1 tháng tuổi, não của bé đang tìm cách để phối hợp tay và chân, nhưng bé không thể làm theo những gì não chỉ đạo. Do đó, các cử động tay chân của bé trông rất ngẫu nhiên và bé thường hay giật mình cũng như quơ chân múa tay. Song, cha mẹ có thể nhận thấy bé thường xuyên đưa tay lên mặt và miệng của mình.
Đừng căng thẳng nếu cổ bé chưa cứng, bé hay giật mình và tự cào cấu vào mặt. Tất cả những điều này đều bình thường bởi vì bé đang học cách kiểm soát cơ thể.
Dấu hiệu nguy hiểm: Nếu cha mẹ thấy bé ít hoạt động, hoặc tay chân của bé quá mềm hay quá cứng, nếu cằm hoặc hàm của bé run liên tục trong khi bé khóc hay phấn khích thì đó là dấu hiệu hệ thần kinh có vấn đề. Cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa.
2. Bé biết phản ứng với tiếng động lớn và quay đầu về phía có âm thanh
Thính giác của em bé được phát triển trong bụng mẹ vào tuần thứ 35 của thai kỳ, do đó, thính giác của bé 1 tháng tuổi đã phát triển đầy đủ. Cha mẹ có thể thấy bé quay đầu về phía có âm thanh và giọng nói quen thuộc, đặc biệt là giọng nói của cha mẹ - người thường xuyên nói chuyện với bé khi còn ở trong bụng mẹ.
Đừng lo lắng nếu bé không giao tiếp bằng mắt khi cha mẹ nói chuyện với bé, bởi bé sẽ học kỹ năng này vào những tháng sắp tới. Và cha mẹ cũng đừng căng thẳng khi bé không quay đầu về phía có âm thanh, miễn là bé có phản ứng khi nghe âm thanh là được.
Dấu hiệu nguy hiểm: Nếu bé không phản ứng hoặc giật mình với những tiếng động lớn hoặc đột ngột, thì có thể bé có vấn đề về thính giác. Để yên tâm, cha mẹ nên nhờ bác sĩ kiểm tra lại thính giác hoặc thần kinh cho bé.
3. Bé phát triển phản xạ mút
Trong quá trình phát triển, bé sẽ học được phản xạ mút. Nghĩa là bé sẽ quay đầu tìm cái gì đó đang chạm vào má hoặc môi của mình và thực hiện động tác mút. Điều này giúp bé xác định vị trí vú hoặc bình sữa để bú.
Cha mẹ không cần phải căng thẳng khi bé mút nắm tay của mình, cũng như đang bú thì bé lại nhả ra, không bú nữa, rồi sau đó mới lại bú.
Dấu hiệu nguy hiểm: Có một điều quan trọng hơn nhiều so với phản xạ mút là cách em bé bú. Nếu bé mút yếu hoặc bú quá chậm thì cha mẹ có thể xin lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa.
Có thể nói, dường như tất cả thời gian trong một ngày của em bé 1 tháng tuổi đều dành cho ăn, ngủ, khóc, đi vệ sinh, và các cột mốc phát triển quan trọng của bé thể hiện chưa thật sự rõ nét. Nhưng thay vì lo lắng, cha mẹ nên dành thời gian để thưởng thức từng khoảnh khắc được ở bên con mình. Các bé sẽ lớn rất nhanh và sớm thể hiện cá tính của mình trong những tháng sắp tới.
Nguồn: Parents, Fatherly