7 hiểm họa từ nước nguy hiểm cho trẻ không kém gì chết đuối

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Đuối nước không phải là mối nguy hiểm duy nhất mà nhiều trẻ em phải đối mặt trong mùa hè này.

Thật khó để đưa trẻ tới bể bơi mà trí óc bạn không tua lại một loạt những hình dung về trường hợp tệ nhất có thể xảy ra. Đứng đầu trong danh sách này là chết đuối và số liệu cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2014, ở Mỹ, trung bình có trên 3.500 trường hợp đuối nước không chủ ý xảy ra hàng năm.

Nhưng ngay cả khi bạn dạy con trở thành những tay bơi lội mạnh mẽ và tự tin, trẻ vẫn không hoàn toàn thoát mọi nguy cơ với nước. Những nguy hiểm liên quan tới nước không chỉ dừng lại ở đuối nước. Trên thực tế, có khá nhiều thứ đáng lo rình rập trẻ mỗi lần đi bể bơi hay tắm biển.

Nguy hiểm từ nước
Không riêng gì đuối nước, có nhiều mối hiểm họa liên quan đến nước có thể đe dọa sự an toàn của trẻ.

1. Bề mặt trơn trượt

Không phải vô cớ mà nhiều bể bơi treo biển “không chạy nhảy”. Nước bắn lên từ dưới bể bơi tạo nên bề mặt trơn trượt ở gần thành bể. Và nếu trẻ không cẩn thận, chúng có thể dễ dàng bị trượt chân ngã. Hậu quả không chỉ là vô tình rơi xuống nước mà trẻ còn có thể bị một số chấn thương như gãy xương và sưng đầu.

2. Nước nông

Học cách lặn là một dấu mốc quan trọng cho bất cứ trẻ em nào ở bể bơi. Đôi khi, trẻ có thể trở nên quá hưng phấn, muốn được thể hiện kỹ năng mới học được. Hãy kiểm tra độ sâu của bể bơi trước khi cho phép con lặn xuống. Lao đầu xuống bể bơi mà mực nước nông có thể dẫn tới va chạm vào đáy bể, gây chấn thương cổ, cột sống hoặc não. Bất cứ bể bơi nào sâu dưới 1,5m đều không đạt tiêu chuẩn để lặn.

Nguy hiểm từ nước
Lao đầu xuống bể bơi mà mực nước nông có thể dẫn tới va chạm vào đáy bể, gây chấn thương cổ, cột sống hoặc não.

3. Mất nước

Khi bạn được bao bọc xung quanh bởi nước thì tình trạng mất nước hẳn là điều cuối cùng bạn có thể nghĩ tới. Nhưng đây lại là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ. Mức độ vận động lớn kết hợp với thời tiết ấm và nước ấm đồng nghĩa với việc bạn và cả con bạn cần tăng lượng nước uống vào để phòng tránh mất nước. Cho con uống nhiều nước trước khi xuống bể bơi và cố gắng khuyến khích trẻ uống nước 15 phút/lần.

4. Bị nhiễm bệnh

Khi tới bể bơi công cộng, bạn mặc định rằng nước bể bơi đã được bơm đủ chất clo để tiêu diệt mọi vi trùng hay chất bẩn khác có thể có trong nước. Tin tốt là clo hiệu quả đối với phần lớn vi trùng gây bệnh. Nhưng tin xấu là một số vi khuẩn có thể hàng giờ, thậm chí cả ngày trước khi clo hết tác dụng. Do đó, bơi ở bất cứ bể nào, bể nước nóng, công viên nước hay sông hồ tự nhiên đều tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh, thông qua tiếp xúc với da, hít thở hoặc nuốt phải nước. Hậu quả có thể là tiêu chảy hoặc da, mắt, tai, hệ hô hấp, hệ thần kinh và vết thương nhiễm trùng.

5. Tình trạng giảm thân nhiệt

Nhảy xuống làn nước lạnh giá là một phần của trò chơi với bể bơi nhưng nó có thể trở nên thực sự nguy hiểm nếu nước quá lạnh. Thân nhiệt của trẻ hạ xuống nhanh hơn nhiều khi bạn đằm mình trong nước và nhiệt độ nước dưới 21 độ C có thể dẫn tới giảm thân nhiệt. Sốc nhiệt do nước quá lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai. Hãy để ý các triệu chứng như thở gấp, run rẩy, co rút cơ hay chuột rút và đưa trẻ lên bờ ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng trên.

Nguy hiểm từ nước
Cho con uống nhiều nước trước khi xuống bể bơi và cố gắng khuyến khích trẻ uống nước 15 phút/lần.

6. Nguy hiểm tiềm ẩn

Nếu bơi ở những vùng nước đục như hồ, sông, ao, có thể rất khó (nếu không muốn nói là không thể) nhìn thấy đáy nước. Điều này khiến bạn dễ bỏ qua một số nguy hiểm tiềm ẩn như rác thải, mép đá lởm chởm hay một loài cá/động vật nguy hiểm nào đó. Nếu có thể, hãy cho trẻ đi giày chuyên dụng dưới nước khi bơi ở những vùng nước đục và luôn để mắt tới trẻ, phòng trường hợp khẩn cấp.

7. Chết đuối trên cạn

Một khi trẻ rời bể bơi, bạn có thể nghĩ không cần lo gì nữa. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Cả chết đuối khô (dry drowning) và chết đuối thứ cấp (secondary drowning) đều là những mối nguy hiểm có thật. Chúng có thể xảy ra chỉ vài phút hoặc nhiều giờ sau khi trẻ lên bờ. Với chết đuối khô, lượng nước mà trẻ nuốt vào trong lúc bơi gây co thắt rồi tắc nghẽn đường thở, khiến trẻ bị chết ngạt. Với chết đuối thứ cấp, ngay cả một lượng nước nhỏ nuốt phải có thể đầy lên trong phổi, dẫn tới phù phổi. Cả hai trường hợp trên đều hiếm gặp nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi trẻ chơi trong nước. Luôn quan sát trẻ khi bơi và đưa trẻ đi cấp cứu khi phát hiện bất cứ dấu hiệu đáng lo ngại nào như tức ngực, ho, khó thở hay kiệt sức.

(Nguồn: Sheknows)
Chia sẻ