Bạch hầu ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ mang thai?
Trước diễn biến phức tạp do dịch bạch hầu tại Tây Nguyên, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là bệnh ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ mang thai?
Tính tới ngày 6/7, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu. Dịch đã ghi nhận ở 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2). Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay.
ThS.BS Nguyễn Hương Trà, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: Nguy cơ mắc bệnh bạch hầu là phụ thuộc vào chính mỗi người dân. Nếu mọi người dân đều tiêm chủng đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh sẽ không còn.
Theo ThS.BS Nguyễn Hương Trà, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính do độc tố bạch hầu được sản xuất bởi trực khuẩn gram dương Corynebacterium diptheria hoặc một vài chủng khác như Corynebacterium ulcerans hay C. pseudotuberculosis. Bạch hầu bám trên bề mặt của họng và lây truyền theo hai con đường sau:
- Đường hô hấp: Hít phải vi khuẩn bạch hầu từ dịch tiết trong không khí của người nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với những đồ dung có chứa vi khuẩn từ người nhiễm bệnh.
Những triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện từ 2 - 5 ngày sau khi nhiễm bệnh gồm: Mệt mỏi, khó chịu, ớn lạnh hoặc sốt nhẹ thoáng qua; Đau họng, khan giọng, ban đỏ nhẹ ở hầu họng; Màng nhầy trắng, xám, dày bám chặt vào vùng họng, amidal; Nổi hạch to ở cổ; Khó thở, thở nhanh.
Bên cạnh đó, bệnh bạch hầu cũng có thể gây những triệu chứng trên da (thể bạch hầu trên da ít gặp) như: sẩn da, đỏ da, sưng và đau. Những vết loét trên da có thể được bao phủ bởi màng xám.
ThS.BS Nguyễn Hương Trà cho biết thêm: Nếu không được điều trị, bạch hầu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Tắc nghẽn đường thở; viêm cơ tim, tổn thương thần kinh cơ gây liệt cơ hô hấp, liệt vận động. Tỷ lệ tử vong là 5 - 10 % theo WHO, trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn. Nếu được điều trị, tỷ lệ phục hồi cao tuy nhiên thời gian phục hồi chậm. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, việc nhiễm bạch hầu có thể gây tử vong mẹ, thai lưu và đẻ non.
Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu:
- Trẻ em hoặc người lớn không tiêm vaccine.
- Người đi du lịch tới vùng có nhiễm khuẩn bạch hầu.
- Người sống trong cộng đồng có điều kiện sống thấp.
Chính vì những lý do đó, tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu là một biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn. Vacccin bạch hầu được phát triển vào năm 1923. Nó nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, là loại thuốc hiệu quả và an toàn nhất cần có trong hệ thống y tế thế giới
Vaccine Tdap là vaccine phòng chống ba bệnh bao gồm bạch hầu, uốn ván và ho gà. Vaccine Tdap là vaccine giải độc tố, do đó người tiêm không thể mắc bệnh.
Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ có khả năng 3 - 5% nhiễm bệnh, vaccine Tdap đã được chứng minh rằng khi tiêm vaccine trong thời gian mang thai không gây bất cứ hậu quả này cho thai. Không làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng thai, không sảy thai, không sinh non, không làm tăng thêm triệu chứng tiền sản giật, không thai lưu và không có bất cứ ảnh hưởng nào đến trẻ sơ sinh khi mẹ tiêm Tdap trong thời gian mang thai.