Bác sĩ da liễu khuyên: Mặt nạ giấy không nên là lựa chọn cấp nước tối ưu!
Vì sao mặt nạ giấy lại không được lòng bác sĩ da liễu?
Mùa hè tới khiến da mất nước, khô ráp cũng là lúc các sản phẩm cấp nước, cấp ẩm được chị em đặt lên hàng đầu, một trong số đó là mặt nạ giấy. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu mặt nạ giấy có thực sự hiệu quả và có phải là lựa chọn tối ưu để cấp nước, cấp ẩm cho da không? Để làm sáng tỏ câu hỏi này thì chúng ta cùng nghe ý kiến của bác sĩ da liễu chuẩn quốc tế Mara Therese Padilla Evangelista-Huber đến từ Philippine nhé.
Có gì trong mặt nạ giấy?
Ngày nay, mặt nạ giấy rất đa dạng về chất liệu, có thể kể đến như cotton, microfiber, hydrogel hay mặt nạ sinh học. Hầu hết các loại mặt nạ đều chứa các thành phần như nước, hoạt chất, chất dưỡng ẩm, chất làm dịu, các chất dung môi, chất bảo quản và hương liệu.
Nguyên tắc hoạt động của mặt nạ giấy?
Rất đơn giản, mặt nạ giấy sẽ hình thành một hàng rào khóa ẩm trên bề mặt da và được cho là sẽ giúp tăng khả năng ngậm nước của da cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt chất thâm nhập sâu hơn.
Khả năng cấp nước thực sự của mặt nạ giấy tới đâu?
Đầu tiên, bác sĩ Mara cho biết đúng là hàng rào khóa ẩm sẽ giúp tăng khả năng ngậm nước của da lên tới 50%, nhưng điều này chỉ mang tính chất tạm thời. Cảm giác da căng mọng nước sẽ nhanh chóng biến mất vài giờ sau đó.
Ngoài ra, bác sĩ Mara cũng dẫn chứng một thí nghiệm để người đọc hình dung rõ hơn. Trong thí nghiệm, có 24 người đã được mời đến sử dụng 40 loại mặt nạ giấy khác nhau. Sau khi trải nghiệm xong, họ sẽ đánh giá mức độ ngậm nước của da (có dụng cụ chuyên biệt để đo) và độ hài lòng theo thang điểm 5.
Kết quả cho thấy chỉ có 15% loại mặt nạ, tương đương 6 trên 40 loại đạt mức 4/5 khi xét về khả năng giúp da ngậm nước, có nhiều loại thậm chí còn không để lại hiệu quả nào. Nghiên cứu cũng chỉ ra giá cả không đi đôi với chất lượng sản phẩm. Cụ thể loại đắt tiền nhất là hơn 300k/miếng cũng chỉ đạt điểm 3/5 trong khi loại rẻ nhất là 80k/miếng đạt 2,5/5 (đã cộng hai loại điểm và chia ra).
Khả năng giữ nước trên da của các loại mặt nạ này cũng giảm đi nhanh chóng. Sau 1 giờ giảm còn 50%, sau 3 giờ giảm còn 30% và sau 6 giờ chỉ còn lại 20%.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Thứ hai, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra liệu hàng rào khóa ẩm có thực sự giúp các hoạt chất thấm sâu vào da hay không. Thời gian khóa ẩm dài hay ngắn cũng không chứng thực được khả năng này. Thế nên tốt hơn hết bạn không nên mong chờ quá nhiều vào mặt nạ giấy mà hãy đầu tư một lọ serum xịn xò thì sẽ tốt hơn.
Thứ ba, mức độ thẩm thấu của các thành phần trong sản phẩm skincare phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, công thức thành phần, đặc tính da cá nhân hay phương pháp khóa ẩm. Bên cạnh đó, cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chất liệu của mặt nạ giấy sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của chúng.
Cuối cùng, mặt nạ giấy là một trong những sản phẩm chứa hương liệu, cồn và chất bảo quản nhiều nhất, nên tiềm ẩn khả năng kích ứng rất cao đối với các bạn có da nhạy cảm. Chưa kể mặt nạ giấy cũng là sản phẩm tạo ra nhiều chất thải không thể tái chế được (nếu tái chế được thì cũng phải qua bước giặt rửa) và cũng tốn nhiều tiền hơn.
Kết luận
Bác sĩ Mara cho rằng mặt nạ giấy không nên là lựa chọn cấp nước tối ưu mà thay vào đó là serum hay kem dưỡng ẩm cùng chế độ ăn nhiều rau, củ quả mọng nước và uống đủ nước mỗi ngày. Những ai có làn da nhạy cảm nên cân nhắc kỹ trước khi dùng và tốt hơn nên dùng mặt nạ rửa. Còn nếu bạn yêu thích mặt nạ giấy và cảm thấy bản thân vẫn ổn khi sử dụng thì có thể tiếp tục dùng, nhưng nhớ đừng để mặt nạ trên da lâu hơn thời gian quy định nhé, vậy sẽ hại hơn lợi đó!
Nguồn: Bác sĩ da liễu Mara Therese Padilla Evangelista-Huber
Ảnh: Internet