Ám ảnh vì “con thiên hạ béo mầm, con mình thì còi cọc”

Thanh Hằng,
Chia sẻ

Dường như tâm lý của hầu hết những bà mẹ Việt luôn là mong con mình béo, bụ bẫm. Nhiều chị em coi con gầy béo là thước đo độ “mẹ chuẩn” cho bản thân mình.

Rầu lòng vì con gầy bé "tin hin"

Chủ đề chị Nga (Hàng Nón, Hà Nội) thích đề cập nhất đó chính là cân nặng của con. Đi tới đâu, gặp ai chị cũng hỏi: “Cò nhà mày mấy cân rồi?”, "Cháu nhà bác mấy cân rồi?"... Khi biết con của bạn tăng cân vèo vèo, chị lại tủi thân khóc lóc, rầu rĩ, than trách do mình không mát tay; nếu con ai không lên cân nào, chị cũng ngồi rủ rỉ, than vãn cùng đồng đội. 

Từ bao giờ mà chồng chị phát chán lên với những lời than vãn mà chị suốt ngày kêu ra rả với anh. Chị đổ tại mọi người, mọi thứ khiến bé Bin nhà chị 2,5 tuổi mà có 10kg. 

“Tại anh, gen nhà anh bé như con kiến, bé tin hin nên con tôi mới ra nông nỗi này”, “Tại bà nội ở nhà cho Bin ăn linh tinh nên nó mới chẳng thể phát triển nổi thế này”, “Tại em, em là người mẹ tồi nên con em mới như bé mới sinh thế này”…, cứ thế nhà anh chị suốt ngày có những tiếng than trách nặng nề như vậy.

Ngoài than thân trách phận, chị còn nhồi Bin ăn suốt ngày, nhưng càng nhồi, Bin càng sợ ăn và nhiều khi kết thúc bữa ăn sẽ là một bãi chiến trường Bin nôn. 

Ám ảnh vì “con thiên hạ béo mầm, con mình thì còi cọc”  1
Con mập mạp - con còi cọc là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. (Ảnh minh họa)

Cũng có con còi là chị Phương (Ngọc Hà, Hà Nội). Ngay cạnh hàng xóm nhà chị cũng có một em bé sinh cùng tháng với Tuấn Anh – con chị, chị luôn bị ám ảnh vì điều này. 

Tú – em bé hàng xóm nhà chị trộm vía sinh ra khỏe mạnh, ăn tốt, mẹ bé lại có nhiều sữa, cứ thế sau mỗi tháng bé lại tăng cân ầm ầm, béo mầm. Trong khi Tuấn Anh con chị bé xíu, tháng tăng có vài lạng. Hình ảnh hai bé nằm cạnh với chị là một điều hổ thẹn và ám ảnh. 

Lần nào gặp cô bạn hàng xóm có con sinh cùng tháng với bé nhà mình, chị đều hỏi "Tú nhà cậu mấy cân rồi?". Nghe bạn nói cháu 3 tháng 6 kg – 60,1 cm, chị ngao ngán, đấm ngực kêu khổ sở vì “Tuấn Anh chẳng chịu ăn, ép ăn thế nào vẫn không lại”.  

Thấy cô bạn hàng xóm cho con ăn sữa gì, chị Phương cũng học bài bản theo nhưng chẳng ăn thua, bé Tú béo cứ béo, con chị còi cứ còi. Không những còi cọc, bé Tuấn Anh lại hay ốm, nhất là khi nào trời chuyển mùa thì thôi, bé lại hết hắt hơi sổ mũi đến đi ngoài, sốt virus. 

Nhìn con gầy yếu, chị xót xa vô cùng, cứ mỗi khi trông thấy bé nào tròn mũm mĩm, chị thích lắm, chị cũng ước Tuấn Anh được như vậy. 

Không chỉ lo lắng như các mẹ trên, chị Hiếu (Lý Nam Đế, Hà Nội) cứ rảnh lúc nào là tìm hiểu, lùng sục ở khắp các diễn đàn, forum những cách chăm sóc, giúp con tăng cân. Chị tìm mua sữa đắt nhất, thực phẩm tươi nhất. Chị sẵn sàng bỏ công bỏ việc để dỗ bé ăn, bế bé đi rong khắp nơi để ăn hết một bát cháo. Chị tâm sự: “Bí ngô – con mình biếng ăn lắm, nhìn cân nặng của con so với các bạn khác, mình buồn vô cùng. Gầy thế, yếu thế thì sau lấy sức đâu mà học hành. Con nhà người ta một lần uống sữa được 150ml, con mình thì 50ml còn không hết. Đến là ám ảnh”. 

Thế nhưng Bí ngô nhà chị được 2,5 tuổi song cũng cao 94cm, nặng 15kg chứ không phải là gầy yếu gì. Cứ ai khen con chị, chị lại không thích, xua tay: “Bác đừng nói thế, con em bé thế này, béo đâu ra”. 

Cha mẹ nên tỉnh táo khi chăm sóc con

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, nỗi ám ảnh sợ hãi lo lắng con gầy, nhẹ cân của các bà mẹ thường bắt nguồn từ sự so sánh “vô lý” của mình mà ra. Trong quá trình tư vấn, chuyên gia gặp rất nhiều bậc phụ huynh sốt xình xịch lo con gầy trong khi bé đã ở ngưỡng sắp thừa cân, vượt chuẩn. 

Những trường hợp trên rất điển hình giống với nhiều bậc phụ huynh khác, họ luôn muốn con mập mạp, tròn tròn. Đôi khi chỉ nhìn những người xung quanh, các mẹ đã hốt hoảng và vội vàng so sánh, nhiều gia đình xảy ra mẫu thuẫn vì trách móc nhau, đổ lỗi cho nhau khiến con còi cọc. 

Theo nhà tâm lý, sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ là nên tuy nhiên nếu như lo lắng đến mức ám ảnh, ép con ăn, cãi mắng nhau thì hoàn toàn sai lầm. 

Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực - Viện Bảo hộ lao động cho rằng, mỗi trẻ có cơ địa, khả năng hấp thụ thức ăn khác nhau. Cha mẹ nên tỉnh táo để biết con mình đang ở tình trạng nào để kịp thời xử lý. Không nên nhìn con người khác mập và mình ép con ăn theo phong trào.

Cha mẹ nên cho bé đi khám để biết tình trạng sức khỏe của con. Nếu cân nặng và chiều cao của bé thấp hơn so với mức chuẩn thì cha mẹ cần chú ý trong chế độ dinh dưỡng cho bé. Giúp bé tăng lượng dầu mỡ trong chế độ ăn hàng ngày cho bé.  

Cha mẹ nên ưu tiên cho bé sử dụng các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm ,cua, trứng, sữa… Bên cạnh đó, cho bé ăn nhiều các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm như trứng, sữa, thủy sản, thịt… Cho bé ăn nhiều rau xanh hoa quả chín. Ngoài ra, cha mẹ cần khuyến khích con tập luyện thể thao. Thể thao giúp bé cao lớn, khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, hấp thụ tốt thức ăn. 



Muốn trị bé biếng ăn, mẹ hãy thử 7 phương pháp đơn giản mà hiệu quả dưới đây nhé!
Ám ảnh vì “con thiên hạ béo mầm, con mình thì còi cọc”  2
Chia sẻ