“Ai cũng được ăn món mình thích” – bí quyết thần kì giúp con hết kén ăn của mẹ Nhật
Để con ăn ngoan, ăn nhiều, hầu hết các bố mẹ có con nhỏ thường có thói quen cho con ăn trước cả gia đình với một thực đơn dành riêng cho em bé, tuy nhiên, điều này có thể sẽ càng khiến trẻ chán ăn và kén ăn nhiều hơn.
Một thực tế có thể dễ dàng nhìn thấy hiện nay ở các gia đình, đó là trẻ con luôn được ăn trước. Lý do của việc này là các bố mẹ thường đi làm về muộn nên để đảm bảo thời gian sinh hoạt của trẻ, chúng thường được ăn trước cả gia đình với một bữa ăn gói gọn trong một bát cơm (cháo) trộn đều các loại thức ăn; một lý do khác nữa là phải cho trẻ ăn trước thì chúng mới ăn nhanh và ăn ngoan, các bạn nhỏ sẽ được bế đi ăn rong, sẽ được vừa xem hoạt hình vừa ăn, sẽ được ông bà, giúp việc đút cho ăn… để "nhanh nhanh người lớn còn làm việc khác". Thói quen ăn uống như vậy có thể kéo dài đến tận khi trẻ bước vào tiểu học hoặc lâu hơn nữa và đó được coi là một trong những sai lầm nghiêm trọng của bố mẹ, dẫn tới việc trẻ bị kén ăn, lười ăn, biếng ăn và có thói quen ăn uống lành mạnh hay niềm vui với việc ăn uống.
Trẻ càng lớn lên càng cần được gắn kết với cha mẹ thông qua những bữa ăn gia đình để cân bằng cảm xúc và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều nghiên cứu khoa học và xã hội đã chỉ ra rằng, bữa ăn gia đình là cốt lõi quan trọng của việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ nhỏ. Bác sĩ Lucy Cooke, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về Tâm lý học thuộc Trung tâm Sức khỏe Hành vi của trường Đại học London (Anh) cho rằng, tuy sở thích và thói quen ăn uống phần nào mang tính di truyền, nhưng các bậc cha mẹ có thể làm được rất nhiều điều để cải thiện và hướng con mình đến một thói quen ăn uống lành mạnh hơn, một trong những điều đó là duy trì bữa ăn gia đình hàng ngày cùng con, đó là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ làm gương cho con cái trong việc ăn uống lành mạnh và điều độ.
Ở Nhật, bữa ăn gia đình được coi là một "nghi thức" quan trọng, đó là khoảng thời gian để cả nhà gắn kết và cũng là lúc để mẹ Nhật dạy con những thói quen ăn uống lành mạnh và quan trọng với con trong suốt cuộc đời. Trong cuốn sách "Bí mật của những đứa trẻ khỏe mạnh nhất thế giới", tác giả Naomi Moriyama và William Doyle cho biết: "Dựa trên sở thích của từng thành viên trong gia đình, mẹ Nhật sẽ chuẩn bị rất nhiều món khác nhau, mỗi món một ít, chứ không phải là chỉ có một hay hai món với số lượng nhiều, và mọi người sẽ dùng bữa chung với nhau, cùng chia sẻ tất cả các món ăn. Các thành viên sẽ dùng nhiều những món mình thích và cũng dùng một ít những món mình không thích lắm. Tất cả mọi người đều được ăn món mình ưa thích, đó mới là điểm cốt yếu".
Bữa ăn gia đình ở Nhật thường được người mẹ chuẩn bị chu đáo với rất nhiều các món ăn, mỗi món một lượng ít theo sở thích của từng thành viên trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ Nhật có "chiến lược" rất rõ ràng trong việc nuôi dưỡng con trở thành những đứa trẻ vui vẻ, thông minh, giàu lòng nhân ái và ham thích khám phá và họ là những cha mẹ đặc biệt nghiêm khắc trong việc giúp con hình thành thói quen thưởng thức những món ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng và vận động thật nhiều, bởi đó là những điều cần thiết cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Khi trẻ tỏ ra biếng ăn và kén ăn, những cha mẹ độc đoán thường sẽ nói: "Đồ ăn của con đây. Ăn đi!", cha mẹ chiều chuộng con thì sẽ nói: "Con thích ăn gì? Con thích ăn lúc nào, con yêu?"; nhưng cha mẹ Nhật – những phụ huynh nghiêm khắc sẽ luôn nói: "Hôm nay cả nhà mình ăn món này. Con không ăn cũng không sao, con có thể chờ đến bữa ăn tiếp theo vậy" hoặc "Đây là bữa tối của cả nhà. Mẹ hy vọng con sẽ thích!". Đó chính là ví dụ rõ ràng nhất của những cha mẹ nghiêm khắc và luôn làm gương cho con với một nguyên tắc và thông điệp rõ ràng với con cái là "Cha mẹ quyết định món ăn và trẻ quyết định ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào" – nguyên tắc này đảm bảo việc trẻ sẽ được cung cấp những món ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng trong khi vẫn có quyền lựa chọn và quyết định việc ăn uống của mình. Đó cũng chính là sự phân chia trách nhiệm trong việc ăn uống của trẻ mà cha mẹ Nhật đã làm một cách hết sức tự nhiên và thuần thục từ bao lâu nay.
Ngay từ khi là một em bé sơ sinh, trẻ cần được "chịu trách nhiệm" với những bữa ăn của mình bằng việc tự quyết định mình sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu; trách nhiệm của bố mẹ là quyết định trẻ sẽ ăn gì, ăn vào lúc nào và ăn ở đâu. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Ellyn Satter, một chuyên gia dinh dưỡng trẻ em và chuyên gia về chế độ ăn ở Wisconsin (Mỹ) đã phát triển một nguyên tắc cho trẻ ăn, đó là "sự phân chia trách nhiệm". Nguyên tắc này được rất nhiều chuyên gia ủng hộ vì trao cho trẻ khả năng thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh trong cả cuộc đời. Bác sĩ Satter giải thích nguyên tắc này một cách đơn giản như sau: "Cha mẹ chịu trách nhiệm quyết định về những thực phẩm cung cấp cho trẻ, ăn ở đâu và khi nào, còn trẻ có trách nhiệm quyết định xem mình có ăn không và ăn bao nhiêu." - nguyên tắc này được áp dụng ngay từ khi con là một em bé sơ sinh cho đến khi dậy thì.
Khi được bố mẹ thấu hiểu và tôn trọng, trẻ dần dần sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và trở thành một em bé tự tin, độc lập và khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
"Hãy chú ý cách bạn cho con ăn, chú ý cảm xúc và hành vi của con trong bữa ăn, đừng chú ý vào những gì con ăn. Áp dụng phân chia trách nhiệm khi cho con ăn. Khi cho con ăn, nếu bạn giữ được mối quan hệ tốt đẹp vui vẻ với con thay vì lo lắng về việc con ăn gì hay ăn bao nhiêu, con bạn sẽ tự động ăn uống và phát triển tốt. Hãy cố gắng thấu hiểu và tin tưởng ở con", bác sĩ Ellyn Satter khuyên các cha mẹ.