9 lỗi sai của cha mẹ biến trẻ trở thành kẻ “nói dối thành thần”
Đôi khi những lỗi sai cơ bản mà cha mẹ thường vô tình mắc phải lại “dạy” trẻ biết nói dối và chối bỏ trách nhiệm.
Vậy nên các bậc phụ huynh cần tránh 9 lỗi sau đây nếu không muốn nuôi dạy một đứa trẻ nói dối thành thói quen:
1. Trẻ nói dối vì biết hậu quả của việc nói thật
Thông thường, trẻ nhỏ nói dối bởi trẻ biết hậu quả của việc nói thật chắc chắn sẽ bị phạt. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Trẻ nhỏ thuộc Đại học California, Santa Barbara, tình trạng này thường bắt đầu xảy ra khi trẻ được 5-6 tuổi – độ tuổi mà trẻ bắt đầu học cách phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, trí tưởng tượng của trẻ bắt đầu phát triển, và trẻ bắt đầu khám phá trí tưởng tượng đó và “bịa” ra một câu chuyện.
Vì vậy, cha mẹ không nên phạt trẻ. Điều các bậc phụ huynh cần làm là phân tích cho trẻ hiểu được hệ quả xấu của việc nói dối, giúp trẻ giải quyết vấn đề khiến trẻ nói dối và khen ngợi trẻ nếu trẻ dũng cảm nói ra sự thật.
2. Trẻ nói dối vì không muốn làm cha mẹ buồn
Khi thấy cha mẹ buồn phiền vì sự thật, trẻ sẽ nói dối. Trẻ cũng hiểu được một số hành động nhất định có thể khiến cha mẹ thất vọng nên sẽ nói dối.
Cha mẹ có thể giải thích với trẻ rằng “Mẹ sẽ không buồn phiền vì con và mẹ sẽ thực sự rất vui nếu con nói ra sự thật” và dù sự thật trẻ thừa nhận có nghiêm trọng đến đâu, hãy cố kiềm chế cơn giận trước mặt trẻ.
3. Trẻ không nói dối mà tự tưởng tượng ra câu chuyện
Trẻ kể cho cha mẹ mọi thứ về chuyến thám hiểm thú vị hoặc thông báo với mọi người rằng mình có một người anh/chị. Đây là kiểu “nói dối” thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi khi trẻ chưa có khả năng phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế.
Cha mẹ cần chọn biện pháp dạy bảo mềm mỏng bởi khi khả năng tư duy của trẻ phát triển hơn, tình trạng này sẽ không còn xảy ra.
4. Trẻ nói dối vì trẻ không nhớ
Trẻ nhỏ cũng có thể nói sai sự thật bởi trẻ thực sự đã quên mất sự việc vừa xảy ra và vẫn tin rằng đó là sự thật. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ 2 tuổi bị bắt phải thừa nhận đã thả cuộn giấy vệ sinh vào bồn cầu và đứa trẻ đó khẳng định không làm, có thể trẻ đơn giản không còn nhớ đã làm việc đó.
Kiểu nói dối này hoàn toàn không đáng lo ngại. Các bậc phụ huynh chỉ cần cố gắng giải thích cho trẻ một cách kiên nhẫn.
5. Trẻ nói dối vì cho rằng sự thật mất lòng
Trẻ có thể giả vờ yêu thích đôi tất len được bà ngoại tặng trong dịp sinh nhật dù trong lòng rất thất vọng về món quà đó, hay chẳng tiếc lời khen kiểu tóc mới của đứa bạn dù trẻ nghĩ kiểu tóc đó trông thật ngớ ngẩn.
Lúc này, các bậc phụ huynh cần trò chuyện thẳng thắn với trẻ để trẻ không hiểu lầm. Hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách “Con biết việc luôn nói thật với bố mẹ quan trọng thế nào, đúng không? Và cũng có những lúc thể hiện thái độ lịch sự và không làm tổn thương cảm nhận của người khác quan trọng không kém. Nếu chúng ta đến chơi nhà bạn và được mời ăn bữa trưa mà con không thích, sẽ rất mất lịch sự khi con tỏ thái độ và từ chối bữa trưa đó. Con nên ăn hết đồ ăn và nói ‘Cảm ơn’. Con sẽ là một vị khách lịch thiệp và lại được mời đến chơi nhà vào lần sau.”
6. Trẻ nói dối vì được “lập trình” để trả lời đúng
Người lớn thường đặt câu hỏi cho trẻ và chờ đợi một câu trả lời duy nhất từ trẻ. Ví dụ, cha mẹ hỏi, “Món đấy ngon không con?” và hy vọng trẻ trả lời “Ngon ạ”. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không được khắc phục, trẻ dường như bị “lập trình” để đưa ra câu trả lời thỏa mãn ý muốn của cha mẹ mặc dù đó không phải cảm nhận thật sự của trẻ.
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ nói ra cảm nhận, suy nghĩ thật bằng những câu hỏi như: “Vậy con muốn ăn gì bây giờ nào, con yêu?” và giải thích để trẻ hiểu rằng trẻ hoàn toàn không cần nói dối chỉ để làm hài lòng người khác.
7. Trẻ nói dối vì sợ bị hoán đổi vai trò
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ đoán trước được những hậu quả do hành động chưa ngoan của bản thân gây ra. Khi đó, trẻ cũng có thể lựa chọn nói dối bởi cho rằng chỉ những kẻ xấu trong câu chuyện cổ tích được nghe mẹ kể mỗi đêm mới hành động chưa ngoan và bản thân cũng sẽ trở thành kẻ xấu và bị mọi người ghét bỏ nếu nói ra sự thật.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng con người, kể cả người tốt cũng có thể mắc lỗi nào đó, nhưng điều khác biệt giữa “người tốt” và “kẻ xấu” là người tốt biết dũng cảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm trước hành động do bản thân gây ra.
8. Trẻ nói dối vì cha mẹ cũng nói dối
Trẻ bắt chước tật nói dối của cha mẹ nếu phát hiện cha mẹ nói dối.
Cách hiệu quả nhất để giáo dục trẻ không nói dối trong trường hợp này là cha mẹ phải là tấm gương tốt của trẻ, không nên nói dối và dám nhận lỗi nếu mắc khuyết điểm.
9. Trẻ nói dối vì cho rằng bản thân trẻ thật ngu ngốc
Nếu cha mẹ coi trẻ là những “sinh vật kém thông minh”, la mắng trẻ và đổ lỗi cho trẻ, chúng sẽ trở nên tự ti, không muốn học điều hay, điều tốt, trong đó có cả việc nói lên sự thật.
Hãy thử trò chuyện với trẻ như những người bằng tuổi, giải thích để trẻ hiểu được điều xấu, điều chưa ngoan và đừng khiến trẻ có cảm giác tội lỗi vì mọi việc bản thân gây ra. Nhờ đó, trẻ sẽ dần trưởng thành và nhận ra tầm quan trọng của sự trung thực.
Nguồn: brightside/parents