7 sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi cho trẻ ăn dặm
Cho con ăn dặm, không ít cha mẹ mắc phải những sai lầm tưởng chừng rất đơn giản nhưng khiến bé thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Đưa con đến khám tại phòng khám dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị L.C. (Hà Nội) chia sẻ: Bé M.L. từ khi sinh ra khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, chị cho con bú mẹ và uống thêm sữa công thức. Tuy nhiên, con tăng cân rất chậm, hiện nay con đã 11 tháng nhưng chỉ nặng có 7kg, trong khi hàng ngày con vẫn ăn được 3 cữ cháo và uống 350ml sữa.
"Tôi rất lo lắng, không biết con có bị bệnh gì hay do tôi nấu cháo, bột chưa đúng cách, tôi chỉ nấu theo kinh nghiệm và ước lượng bằng mắt nên sợ mình nấu chưa đúng làm con chậm lớn" - chị L.C lo lắng cho hay.
Một trường hợp khác là mẹ bé T.K. (9,5 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc) rầu rĩ: "Do đi làm khá xa nhà nên buổi sáng em sẽ nấu 1 nồi cháo để con ăn cả ngày, đến bữa thì bà sẽ hâm lại cháo cho con ăn. Hàng ngày, con vẫn ăn đủ 3 cữ cháo và 330ml sữa nhưng vẫn còi cọc, chậm lớn, con đã 9,5 tháng mà chỉ nặng có 6kg, nhìn con bé tí tẹo so với các bạn cùng tuổi mà vợ chồng em rất lo lắng".
Theo TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khám, chẩn đoán và tư vấn cho một số lượng không nhỏ trẻ dưới 24 tháng bị suy dinh dưỡng, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng suy dinh dưỡng ở trẻ trong giai đoạn ăn dặm là do trẻ không được cung cấp chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp với lứa tuổi, dẫn tới trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Dưới đây là một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi cho con ăn dặm khiến trẻ suy dinh dưỡng:
Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Nhiều cha mẹ tập cho trẻ ăn dặm quá sớm (3-4 tháng tuổi). Đây là sai lầm vô cùng lớn và tai hại. Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Cho trẻ ăn ít rau củ
Cho trẻ ăn nhiều thịt, cá, ăn ít rau củ quả là điều nhiều cha mẹ gặp phải khi cho con ăn dặm. Hơn nữa việc lựa chọn rau củ cũng chưa khoa học. Thay vì cho trẻ ăn phong phú các loại rau thì cha mẹ chỉ chọn những loại hạt, củ quả như hạt đậu, cà rốt, bí đỏ ăn thường xuyên gây đơn điệu mùi vị và nhàm chán cho trẻ…Trong khi đó, những loại rau có lá màu xanh sẫm rất tốt cho trẻ. Cha mẹ nên phối hợp đa dạng các loại rau củ để bữa ăn của trẻ luôn thay đổi mùi vị, hấp dẫn. Cha mẹ cũng không nên ninh/hầm các loại rau củ quá lâu hay lưu giữ lâu trong tủ lạnh gây mất chất dinh dưỡng và dễ bị nhiễm khuẩn thức ăn trong quá trình bảo quản.
Cho trẻ ăn quá nhiều đạm
Chế độ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt cho trẻ. Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng… sẽ giúp con mau lớn, tăng cân nhanh. Tuy nhiên, đây là sai lầm rất nghiêm trọng vì lượng đạm quá nhiều không những có thể làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Thay vào đó, chế độ ăn của trẻ phải đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
Cho ăn nước mà không ăn cái
Một số phụ huynh chỉ cho trẻ ăn nước mà không ăn cái. Chẳng hạn khi ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hoặc sợ trẻ bị hóc, ói. Cách làm như thế dẫn tới mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Xay nhuyễn mọi thức ăn
Một số cha mẹ luôn nghĩ rằng nghiền nhuyễn mọi thức ăn sẽ tốt cho trẻ. Song điều này lại khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán.
Không cho dầu, mỡ vào cháo/ bột của trẻ
Dầu ăn giúp trẻ dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu. Việc cha mẹ không cho hoặc cho rất ít dầu ăn vào bột, cháo của con có thể khiến trẻ không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết để phát triển.
Nấu 1 nồi cháo ăn cả ngày
Nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa khác lại lấy ra xay rồi nấu lại. Như thế, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, lượng vitamin và chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị giảm hoặc mất, khiến cho bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng theo khẩu phần ăn.