6 vi chất cần bổ sung trong những năm đầu đời giúp bé tăng đề kháng, bảo vệ sức khoẻ
Mẹ bổ sung vi dưỡng chất cần thiết để bé có nền tảng sức khỏe tốt, đề kháng cao, phát triển ổn định.
Trong những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thể phát triển toàn diện, đặc biệt là trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi tiếp xúc với các tác nhân bất lợi từ môi trường, trẻ rất dễ mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp.
Ngoài việc đảm bảo chế độ ăn lành mạnh và đủ chất từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, cha mẹ nên chủ động bổ sung vi chất cho bé, bởi dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ vi chất nhưng khi thiếu có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin, các khoáng chất và các vi khoáng.
Vitamin D
Vitamin này đối với trẻ rất quan trọng, đây là vi chất duy nhất bé nên uống. Trẻ uống vitamin D từ sơ sinh đến ít nhất 18 tháng tuổi. Nếu bé uống mỗi ngày 1 lít sữa công thức hoặc sữa tươi loại có vitamin D thì không cần phải bổ sung vitamin D riêng nữa. Đảm bảo bé không thiếu 2 vi chất này thì mẹ có thể uống các sản phẩm vitamin D3 K2 để bổ sung đồng thời 2 vi chất D3 và K2.
Có thể bổ sung vitamin D cho trẻ như sau: Đối với bé từ 2 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày từ 800-1.000 IU (nếu bé khỏe mạnh): 1.500 IU (nếu bé ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy bé có màu da thẫm). Bé từ 18 tháng tới 5 tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa đông, ít ánh nắng. Đối với bé còi xương, cần uống 1.200 -5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng.
Tuy nhiên, tất cả đều phải được chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám, các mẹ không nên bổ sung vitamin D tùy tiện cho con vì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn của trẻ để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì vậy cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ cho bé.
DHA
Nếu trẻ bú mẹ thì trong sữa mẹ đã có đủ hàm lượng DHA cần thiết cho bé. Nhu cầu DHA của trẻ sơ sinh là 17mg trong 100 kcal, tương đương với 200mg DHA mỗi ngày. Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 24 tháng đầu tiên của cuộc đời là cách bổ sung DHA tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. Nếu mẹ không đủ sữa, trẻ uống sữa ngoài thì nên chọn loại có bổ sung DHA.
Trẻ sơ sinh có thể bổ sung DHA hoàn toàn từ sữa mẹ, trong trường hợp sữa mẹ không đáp ứng được mới cần đến nguồn dinh dưỡng khác để bổ sung.
Với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, đặc biệt là giai đoạn 1 - 6 tuổi khi trí não đang phát triển mạnh mẽ thì DHA rất quan trọng. Trẻ lớn hơn bắt đầu vào giai đoạn học tập, não bộ cũng cần hoạt động nhiều để tiếp thu, ghi nhớ kiến thức mới, sáng tạo để học hỏi và suy nghĩ. Hơn nữa, bổ sung DHA cho trẻ còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và chức năng mắt.
Nguồn bổ sung acid béo này của trẻ sẽ là những thực phẩm chứa nhiều DHA như: dầu cá, cá, thủy hải sản,... Trẻ cần được ăn những loại thực phẩm này hàng ngày để đảm bảo hấp thu đủ lượng và đều đặn. Bổ sung DHA từ thực phẩm chức năng là lựa chọn thứ 2 khi trẻ biếng ăn hoặc ăn không đa dạng thực phẩm.
Canxi
Canxi không nên uống trước 6 tháng tuổi (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì canxi ít khi thiếu. Nếu muốn bổ sung cho bé, mỗi năm uống 1-2 đợt dự phòng cũng không gây hại, mỗi đợt 1-2 tháng.
Ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có nhu cầu canxi khác nhau. Việc bổ sung canxi vừa đủ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu cha mẹ bổ sung thừa canxi cho trẻ sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt như gây táo bón, buồn nôn, đau xương. Thừa canxi trong thời gian dài còn có thể gây ra những hậu quả nặng hơn như canxi tích tụ gây vôi hóa hoặc sỏi thận, khiến cơ thể giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, magie, kẽm,… Vì vậy để đảm bảo liều lượng đầy đủ cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Sắt
Trẻ thiếu máu (có giấy xét nghiệm) thì uống theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ đang uống sữa công thức thì không cần bổ sung sắt thêm nữa.
Nếu bé đang dùng sữa công thức có tăng cường chất sắt, nhiều khả năng con bạn đã nhận được đủ lượng chất sắt khuyến nghị. Trong trường hợp đang cho con bú hoàn toàn, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung sắt cho bé trong bao lâu và như thế nào. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại dược phẩm bổ sung sắt dưới dạng dung dịch (liều lượng cụ thể) hoặc chất sắt có trong vitamin.
Kẽm
Liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ em là từ 0,5 - 1,5mg kẽm nguyên tố/kg cân nặng/ngày. Khi bổ sung kẽm bằng dược phẩm bổ sung, bạn nên cho bé uống sau bữa ăn 30 phút. Không uống viên kẽm cùng lúc với sắt và canxi, nên dùng kẽm trước ít nhất 2 giờ. Thời gian bổ sung kẽm thường là dùng 2 - 3 tháng rồi ngưng. Tốt nhất nên cho trẻ đi khám, xét nghiệm máu xem con thiếu chất gì để bổ sung sao cho phù hợp.
Vitamin tổng hợp
Mẹ cần bổ sung cho bé khi bé bị ốm một đợt dài hoặc suy nhược cơ thể. Mẹ chú ý là khi bé uống vitamin tổng hợp thì thôi vitamin D.
Nhiều người lầm tưởng rằng càng bổ sung càng nhiều vitamin thì trẻ sẽ càng khỏe mạnh. Tuy nhiên trên thực tế để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, chúng ta chỉ nên bổ sung một lượng vừa đủ theo nhu cầu của cơ thể. Tùy theo độ tuổi và thể trạng sức khỏe mà trẻ sẽ có nhu cầu hấp thụ vitamin khác nhau, do vậy cha mẹ nên cập nhật và theo dõi nhu cầu dinh dưỡng của con thường xuyên.
Ngoài ra, liều vitamin bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày. Ở trên thị trường các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất đơn lẻ thường chứa hàm lượng rất cao, ví dụ: vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hàng ngày); nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hàng ngày), vitamin C 1.000mg;... do vậy trừ trường hợp trẻ mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì mới cần dùng liều cao (và theo chỉ dẫn của bác sĩ), còn lại phụ huynh cần cân đối để tránh bổ sung cho trẻ quá nhiều.