6 tuần đầu sau khi sinh, có nhiều sự thật phũ phàng chẳng được ai nhắc đến nhưng chắc chắn sẽ xảy ra
Liên quan đến những ngày sau sinh, có rất nhiều điều đã xảy ra trong 6 tuần đầu khi bạn và con về nhà, cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
1. Phải làm bạn với chiếc bỉm "siêu to khổng lồ"
Bạn đã biết về sản dịch nhưng sau khi sinh, bạn chẳng ngờ mình phải "làm bạn" với loại bỉm "siêu to khổng lồ" và sẽ còn dùng nó nhiều tuần sau nữa. Sản dịch sẽ chuyển từ màu đỏ sẫm sang màu và nâu, sau đó là màu trắng hoặc vàng; cuối cùng chỉ còn lại từng đốm nhỏ xíu. Sản dịch sẽ không ngừng tiết cho tới 4-6 tuần sau sinh, cho dù bạn sinh thường hay sinh mổ.
Sản dịch không giống như 1 chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy, hãy đóng bỉm ngay cả khi bạn nghĩ rằng máu đã ngừng chảy.
2. Bạn có thể cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
Nếu bạn bị rách gần niệu đạo, tiểu tiện có thể gây ra cảm giác bỏng rát dữ dội. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng. Tương tự, bạn có thể thấy đau khi ngồi xuống một lúc. Thật sự ấn tượng nếu một phụ nữ vừa mới sinh có thể ngồi dậy và bắt chéo chân.
3. Lần đại tiện đầu tiên là tồi tệ nhất
Nhiều bà mẹ cho biết lần đầu đi đại tiện sau khi sinh sẽ rất kinh khủng bởi bạn sẽ có cảm giác lo sợ chỉ khâu đứt rời. Việc lau rửa cũng rất đáng sợ bởi lúc ấy, "cô bé" cực kỳ nhạy cảm. Bên cạnh đó, mang thai thường đồng nghĩa với tình trạng táo bón đối với nhiều sản phụ, khiến đại tiện càng thêm khó khăn. Sử dụng thuốc làm mềm phân có thể giúp giải quyết nỗi lo này.
4. Các cơn co thắt không hề dừng lại
Các cơn co thắt sau sinh kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày và có xu hướng trở nên dễ chú ý hơn trong các lần mang thai tiếp theo. Cảm giác đau có thể từ mức nhẹ đến mức giống như đau bụng kinh nguyệt. Chúng xảy ra để bảo vệ bạn - đó là cách cơ thể cố gắng đưa tử cung trở lại kích thước bình thường. Chúng sẽ nặng hơn nếu bạn chọn cho con bú mẹ bởi hoạt động cho bú kích hoạt hormone oxytocin, vốn làm cho tử cung co bóp.
5. Đau ngực, đau đầu, mờ mắt...
Có một số dấu hiệu cảnh báo sau sinh như đau ngực, máu đóng cục có kích thước một quả trứng hoặc đau đầu kèm theo thay đổi thị lực... Hãy cảnh giác nếu bạn gặp phải một trong các triệu chứng trên và tham vấn bác sĩ ngay.
6. Tàu lượn cảm xúc
Bạn rất yêu thiên thần bé nhỏ của mình nhưng đồng thời lại cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc bị mắc kẹt trong cuộc sống mới. Nồng độ estrogen và progesterone, vốn ở mức cao khi mang thai, giảm mạnh sau sinh. Nhiều mẹ bỉm sữa thổ lộ rằng, ngày thứ 4 sau sinh, tâm trạng họ tụt dốc và nỗi buồn khi phải đối mặt với thực tế chăm con xâm chiếm cả tâm hồn. Hãy chắc chắn rằng bạn có được sự hỗ trợ cần thiết vào ngày thứ tư sau sinh để vượt qua cơn bão cảm xúc.
7. Bạn có thể đánh mất chính mình
Những thách thức của việc chấp nhận một cuộc sống mới có thể đột ngột ập đến. Việc chuyển sang một nhiệm vụ mới - làm mẹ - thực sự khó khăn. Chưa kể, cơ thể của bạn trông cũng thật khác. Cảm giác hẳn rất khó khăn khi đứng trước gương với cái bụng vẫn tròn, bộ ngực căng, làn da chảy xệ. Chỉ cần nhớ rằng: cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Điều đó hoàn toàn tự nhiên và bình thường.
8. Lo lắng không ngừng
Cảm giác lo âu không ngừng, giống như điều gì xấu sẽ xảy ra với con, là tình trạng chung của rất nhiều mẹ bỉm sữa. Bạn có thể lo lắng mình sẽ làm rớt con xuống cầu thang hay con sẽ ngừng thở vào ban đêm... Mặc dù tất cả các bậc cha mẹ đều có thể trải qua những khoảnh khắc đó, nhưng nếu những nỗi sợ hãi ngăn cản bạn rời khỏi nhà; sống cuộc sống của mình hay khiến bạn thức dậy vào ban đêm dù đã hoàn toàn kiệt sức, bạn có lẽ đã mắc chứng lo âu/trầm cảm sau sinh.
9. Thiếu ngủ là một hình thức tra tấn
Tình trạng thiếu ngủ đi kèm với việc chăm sóc trẻ sơ sinh thường hay "ngủ ngày chơi đêm" - tác động nặng nề đến bạn. Và "hãy ngủ khi bé ngủ" chẳng thiết thực chút nào vì bạn còn có nhiều việc phải lo, phải làm. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào những điều nhỏ bé giúp cải thiện tâm trạng mỗi ngày. Ví dụ, đề ra mục tiêu cụ thể: tắm táp, thưởng thức một bữa ăn nóng, làm giấc ngủ ngắn buổi trưa hay dạo bộ xung quanh tòa nhà.
10. Bạn có thể cảm thấy một ngày kết thúc quá dở dang
Theo thời gian, nhiệm vụ hàng ngày càng nhiều thêm đến nỗi bạn khó hoàn thành tất cả. Hãy lập danh sách những việc đã làm thay vì những việc cần làm. Nó sẽ có tác dụng như một liều thuốc vực dậy tinh thần cho bạn.
11. Choáng ngợp với vai trò mới
Các bà mẹ được mặc định là "phải lòng" đứa con của mình ngay từ những giây phút đầu tiên. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Thực tế là mọi người đều có cách phản ứng của riêng mình, đều trải qua các giai đoạn khác nhau để thích ứng với vai trò mới: làm cha mẹ. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp, ngột ngạt hoặc bối rối về việc bạn là ai ngay lúc này hay lo lắng về việc mối quan hệ của bạn với người kia sẽ chịu tác động ra sao sau khi có con... Nhưng đồng thời bạn vẫn có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời.
12. Việc gì cũng không biết
Đọc bao nhiêu cuốn sách nuôi dạy con, tham khảo bao nhiêu nguồn tin từ mạng xã hội, người thân, bạn bè… đến lúc bắt tay vào thực tế chăm sóc em bé của mình, bạn ngỡ ngàng nhận ra, dường như mình không hề biết gì. Nhất là trong giai đoạn đầu, khi bạn phải vật lộn để cho con bú. Nhưng hãy nhớ rằng, dù khó khăn hay dễ dàng, nó cũng không liên quan tới việc bạn thông minh ra sao hay là người mẹ tốt đến mức nào. Bạn và em bé của bạn đều đang phải học. Mọi thứ không đến tức thì.
13. Không phải mọi khoảnh khắc đều vui vẻ
Việc nuôi dạy con cái là sự kết hợp giữa niềm vui khôn xiết và nỗi sợ hãi khủng khiếp cùng sự bực bội. Bạn hay nghe người ta nói hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bên con vì nó diễn ra quá nhanh! Nhưng không phải mọi khoảnh khắc đều tuyệt vời. Hãy lùi lại một bước trong những lúc khó khăn rồi tập trung vào những chi tiết nhỏ, ví dụ, những móng tay bé xíu đáng yêu của con. Dù bạn có tức điên người và quát vào mặt con lúc 4 giờ sáng, những ngón tay bé xíu của con vẫn thật đáng yêu!