5 nguyên tắc tạo ra những học sinh hạnh phúc nhất thế giới của Đan Mạch
Các quy tắc hạnh phúc này được sử dụng trong các trường học và áp dụng để mỗi học sinh Đan Mạch có thể phát triển tính cách cá nhân tối đa và tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc sống.
Làm người giỏi nhất không phải là mục đích chính trong cuộc sống
Điểm đáng chú ý trong hệ thống giáo dục của Đan Mạch là làm cho trẻ tò mò và phát huy tối đa năng khiếu của mình, chứ nhà trường không tập trung vào kết quả bài kiểm tra. Ở đây, các giáo viên cố gắng khuyến khích để mỗi học sinh đều có nhận thức rằng: ai cũng có giá trị và ai cũng có những phẩm chất và tài năng của riêng mình. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể tìm kiếm cho mình được một công việc, một vị trí trong xã hội và mang lại một lợi ích cho cộng đồng cho dù họ làm công việc gì.
Chương trình học tại Đan Mạch được soạn thảo dựa trên những sự việc mà phần lớn các em học sinh có thể hiểu và nắm rõ về nó. Do đó, không có bất kỳ học sinh nào bị “văng” ra khỏi hệ thống giáo dục. Và ở Đan Mạch, người ta quan tâm đến việc giúp đỡ mọi người hơn là đạt thành tích cao trong học tập.
Hiểu rõ về bản thân cũng quan trọng như việc học đọc và viết
Mục đích đầu tiên của chương trình học ở Đan Mạch là thúc đẩy việc phát triển nhân cách của từng học sinh. Luật Giáo dục Đan Mạch quy định rằng bậc tiểu học không chỉ cung cấp cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản, mà còn phải giúp trẻ phát triển tính cách của mình. Ngay cả trước khi đi học mầm non, trẻ em Đan Mạch đã có một số nhiệm vụ nhỏ. Trẻ được hỗ trợ học nói nhiều hơn để mở rộng vốn từ, làm quen với các nội quy của nhà trường, học cách tha thứ, và chuẩn bị đầy đủ cho việc đi học.
Học vẹt không được khuyến khích ở Đan Mạch
Học sinh Đan Mạch được khuyến khích tự tìm kiếm thông tin, rồi tiến hành các thí nghiệm theo cách riêng của mình và phân tích thí nghiệm đó theo những suy nghĩ độc lập. Các nhà giáo dục tin rằng học theo cách này, học sinh sẽ phải tham gia vào quá trình nghiên cứu, tự tìm tòi, mày mò chứ không đơn giản là nghe giáo viên giảng và làm theo.
Trẻ em Đan Mạch còn được dạy cách hoài nghi về những thông tin mà người khác cung cấp và xây dựng ý kiến cá nhân của riêng mình. Các em phải tự tìm hiểu để kiểm chứng những lời nói đó là đúng hay sai, sau đó nếu cần thì phản biện lại với lòng tự trọng và sự hiểu biết sâu sắc.
Sáng tạo, đánh giá khách quan, và chủ động trong mọi tình huống là những phẩm chất được coi là hữu ích và cần thiết trong cuộc sống đối với học sinh Đan Mạch hơn là khả năng ghi nhớ một đoạn văn từ sách giáo khoa.
Kết quả học tập không quan trọng bằng việc học sinh có hứng thú với học tập hay không
Nếu so sánh hệ thống giáo dục giữa các quốc gia với nhau thông qua kết quả bài kiểm tra của học sinh thì Đan Mạch không thể đứng ở top đầu. Tuy nhiên, Đan Mạch lại nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu về trình độ học vấn và được đánh giá là có hệ thống giáo dục đại học tốt đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Người Đan Mạch nghĩ rằng điều quan trọng đối với học sinh là nên làm mọi cách để các em có hứng thú với việc học và không nhìn nó như là một quãng thời gian đầy đau khổ vì phải chờ đợi đến cuối tuần để được nghỉ ngơi. Trẻ em Đan Mạch hoàn toàn được quyền chọn lựa nhiều lĩnh vực, có nhiều cơ hội để khám phá và phát triển tài năng của mình, đam mê của mình cho dù đó là những môn ngoài lề: thể thao, nghệ thuật, đồ thủ công. Các em học sinh được khuyến khích giúp đỡ lẫn nhau, những em giỏi môn này sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cho các bạn yếu hơn mình.
Mọi người đều bình đẳng như nhau
Chỉ có 11% người Đan Mạch cho rằng “thu nhập cao” là một yếu tố quan trọng khi họ quyết định theo đuổi một công việc nào đó. Trong một đất nước, nơi mà người dân phải đóng một số loại thuế cao nhất thế giới, thì việc phấn đấu làm giàu là cách chọn lựa khác biệt. Tuy nhiên, đó là quyền tự do của mỗi người. Và việc chọn cho riêng mình một công việc khác biệt hoàn toàn với mọi người xung quanh cũng không làm cho người đó bị cô lập. Đây là điều mà người Đan Mạch dạy cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Lựa chọn công việc nào là quyền của mỗi người, miễn sao công việc đó làm cho họ hạnh phúc. Ở Đan Mạch có một dịch vụ xã hội dành riêng cho học sinh cuối cấp để giúp các em chọn lựa nên tiếp tục học cao hơn hoặc chuyển qua bậc học tương ứng với nguyện vọng của trẻ trong tương lai. Các cuộc gặp mặt diễn ra thường xuyên và ở đó các em học sinh có thể thảo luận kế hoạch của mình với giáo viên.
Malene Rydahl gọi Đan Mạch là một “xã hội di động thực sự”. Điều này có nghĩa rằng tất cả mọi người ở đây đều có thể thành công mà không cần quan tâm đến điểm khởi đầu trong cuộc sống của họ. Còn có một điều tuyệt vời ở Đan Mạch nữa, đó là trẻ em được đi học miễn phí và được nhận trợ cấp từ nhà nước. Tất cả học sinh, bất kể cuộc sống thực tại như thế nào thì các em đều được ”trả lương” với số tiền đủ để các em trang trải cho chi phí sinh hoạt của mình.
Nguồn: Brightside, Fartherly