4 trải nghiệm thời thơ ấu khiến trẻ lớn lên trở thành người tự ti, nhạy cảm

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Có một số trải nghiệm thời thơ ấu để lại những di chứng không thể xóa nhòa, ảnh hưởng tới tính cách và tương lai của một người sau này.

Trong cuộc sống, những người hay có cảm giác bất an thường yếu đuối và dễ mất kiểm soát. Họ cũng thường hối hận về những lựa chọn của mình nên tâm trạng lúc nào cũng chán nản. Đây đều là những biểu hiện của người có lòng tự trọng thấp, không tự tin vào bản thân. Nguyên nhân sâu xa của điều này là tuổi thơ của họ không có cảm giác an toàn.

Dưới đây là 4 trải nghiệm thời thơ ấu có thể khiến một người trở nên tự ti, nhạy cảm, bất an khi trưởng thành, cha mẹ cần chú ý.

1. Trẻ có cha mẹ là người không ổn định về mặt cảm xúc

Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc, điều này thể hiện qua việc nếu bạn cười, em bé sẽ cười lại, nếu bạn trừng mắt nhìn, em bé sẽ sợ hãi khóc lóc.

Tuy nhận thức của trẻ vẫn chưa hoàn thiện nhưng chúng dễ dàng nhận biết được cảm xúc của một người. Đây cũng là cách mà trẻ nhận thức về thế giới mới mẻ xung quanh mình.

Trong trường hợp cha mẹ là người không ổn định về mặt cảm xúc, môi trường sống của trẻ cũng sẽ không ổn định theo. Điều này khiến trẻ cảm thấy mọi thứ xung quanh mình không an toàn, luôn lo lắng và bất an theo thời gian.

Tuổi thơ của trẻ nếu không có cảm giác an toàn bên cha mẹ, trẻ cảm thấy mình không được yêu thích, không đủ tốt, không được chào đón, từ đó hình thành lòng tự trọng thấp.

4 trải nghiệm thời thơ ấu khiến trẻ lớn lên trở thành người tự ti, nhạy cảm - Ảnh 1.

Trẻ có cha mẹ là người không ổn định về mặt cảm xúc rất dễ tự ti.

2. Trẻ thường xuyên bị coi thường hoặc bị đe dọa

Có một cư dân mạng kể rằng, đồng nghiệp của anh là một người tính tình rất hèn nhát, đặc biệt trước mặt lãnh đạo. Anh không bao giờ dám bày tỏ suy nghĩ của bản thân, dù có bị hiểu lầm cũng mặc kệ.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra tính cách của người này có liên quan tới trải nghiệm thời thơ ấu bất hạnh của anh. Khi còn nhỏ anh thường bị cha mình coi thường, nói anh "vô dụng", "rác rưởi". Nếu anh không chào hỏi người lớn, cha anh sẽ mắng nhiếc ngay lập tức. Anh cũng thường bị cha dọa nếu không vâng lời sẽ cho bà điên nào đó nuôi.

Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, anh không thể nào có được cảm giác an toàn ở cha mình và trong gia đình. Chính vì thế, bản thân anh thường ở trong trạng thái bất ổn khi làm việc, lúc nào cũng sợ sệt mình làm sai, đồng nghiệp ức hiếp cũng chỉ biết chịu đựng.

3. Trẻ có cha mẹ là người theo đuổi sự hoàn hảo hoặc cầu toàn

Cha mẹ là người theo đuổi sự hoàn hảo quá mức sẽ đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe với con cái. Nếu con cái không đáp ứng được những tiêu chuẩn cha mẹ đặt ra, họ sẽ bị cha mẹ la mắng, tạo áp lực. Điều này khiến cho con cái khó lòng thiết lập được cảm giác an toàn trong gia đình mình.

Có một người nọ luôn cảm thấy mình không đủ tốt, không giỏi bằng người khác, điều này khiến anh có lòng tự trọng rất thấp. Nguyên nhân sâu xa của điều này là do anh có cha mẹ là người cầu toàn, hay chỉ trích anh trước người khác, so sánh anh với con cái của họ hàng. Cha anh là một người luôn đặt nhiều hy vọng vào anh và muốn anh cố gắng cho bằng được. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ, anh sẽ cảm thấy xấu hổ.

4 trải nghiệm thời thơ ấu khiến trẻ lớn lên trở thành người tự ti, nhạy cảm - Ảnh 2.

4. Trẻ được nuôi dưỡng bởi người già

Khi trẻ chỉ được tiếp xúc với ông bà, chúng ít có cơ hội trải nghiệm và học hỏi từ môi trường rộng lớn hơn. Điều này hạn chế sự phát triển của trẻ về mặt xã hội và tự tin.

Ông bà thường quá bảo vệ trẻ, khiến chúng không có cơ hội thể hiện và phát triển khả năng tự lập. Theo thời gian, trẻ sẽ hình thành tâm lý phụ thuộc và thiếu tự tin.

Ngoài ra, ông bà thường theo quan niệm giáo dục truyền thống, ưu tiên sự tuân thủ và vâng lời, thay vì khuyến khích trẻ thể hiện cá tính và sáng tạo. Cách dạy dỗ này sẽ làm hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ.

Khi chỉ có ông bà chăm sóc, trẻ thiếu đi sự ảnh hưởng từ hình mẫu cha mẹ mình, nó sẽ tác động đáng kể tới sự tự tin của trẻ.

Sự phụ thuộc về mặt cảm xúc vào ông bà có thể tạo ra áp lực và lo lắng cho trẻ, làm trẻ cảm thấy bất an, yếu đuối.

Chia sẻ