4 phút cho con ăn của mẹ Anh "gãi đúng chỗ ngứa" của mẹ Việt
Nếu bạn là một mẹ Việt đã từng bế con rong ruổi khắp xóm, đánh vật, nịnh nọt để đút cho con được miếng cơm, cháo thì bạn nên xem clip này.
Từ trước đến nay, việc cho con ăn đúng bữa, đủ chất dường như là một bài toán nan giải khiến các mẹ Việt phải đau đầu. Lí do là vì khi đến một độ tuổi nhất định, trẻ đều trải qua giai đoạn biếng ăn, cộng với thói quen cho con ăn theo sở thích, tâm lý chiều con khiến giờ cơm của mỗi gia đình có con nhỏ trở thành cuộc chiến.
Tình trạng mè nheo khi ăn thường xảy ra đối với trẻ em Việt.
Hình ảnh mẹ hết dỗ dành, nịnh nọt kiểu “không ăn là chị ăn mất bây giờ”, đến dọa nạt, quát mắng “không ăn là ông ba bị sẽ bắt đi đó”, hay rong bé đi chơi chỉ để “rình” đút cho con từng thìa cơm đã trở nên quá quen thuộc. Chính cách đối xử như vậy của cha mẹ với con lâu dần đã hình thành một thói quen xấu, khiến con có tâm lý của đứa trẻ “được chiều” và đòi hỏi, từ việc ăn không đúng giờ, sẽ dẫn đến những thói quen xấu khác trong sinh hoạt, mẹ sẽ khó uốn nắn và chỉ bảo khi con lớn hơn.
Hầu hết đứa trẻ nào cũng có lúc mè nheo khi tới bữa ăn. Nhưng trong đoạn clip sau, cách xử lý của người Anh trong trường hợp này lại khác hẳn mẹ Việt.
Clip được ghi lại trong một chương trình truyền hình thực tế có tên Supernanny của Anh. Trong đó các chuyên gia tâm lý sẽ đến nhà để hướng dẫn các bà mẹ cách “đối phó” với những hành vi xấu của con trong giờ ăn.
Đoạn clip dạy cách cho trẻ ăn của chương trình Supernanny.
Trong đoạn clip trên, cũng giống như bao gia đình khác, mẹ Charlie cũng rất đau đầu vì cậu con nhỏ lại “gây sự” khi giờ ăn đến. Cậu nhóc làm đổ hết đĩa thức ăn khi không có được thứ mình muốn, khóc lóc ầm ĩ, phá phách đồ ăn, dĩa ăn và không chịu ngồi vào bàn ăn tối với cả nhà. Đây có thể nói là cảnh tượng quen thuộc trong các gia đình Việt mỗi giờ cơm chiều.
Clip này khiến nhiều mẹ Việt "À" lên vì cùng một tình huống tương tự nhưng họ lại có cách giải quyết chưa đúng cách bấy lâu nay.
Cách giải quyết của chuyên gia hướng dẫn trong trường hợp này khá đơn giản. Trước hết, cần tuân theo nguyên tắc phạt hành vi xấu, khích lệ hành vi tốt. Mẹ phải giao tiếp được với con, biết con cần gì, muốn làm gì và vì sao con lại mè nheo như vậy. Tìm cách nói chuyện và giúp con bình tĩnh lại rồi nói cho con biết đó là hành vi xấu.
Cần bình tĩnh giao tiếp được với con và biết con muốn gì?
Cảnh báo về hình phạt nếu tiếp tục mè nheo.
Cứng rắn đưa ra hình phạt khi trẻ không tuân thủ.
Nếu con tiếp tục bướng bỉnh giống như Charlie, cậu bé không chịu ngồi vào bàn ăn, vứt dĩa lung tung xuống đất rồi gào khóc, hãy đưa ra lời cảnh báo thật nghiêm khắc kèm theo hình phạt nếu con không chịu thực hiện ngay. Charlie bị phạt ra ngồi cầu thang, lúc đầu cậu bé vẫn gào khóc nhưng sau khi mọi người lờ đi, cậu không còn khóc nữa. Lúc này, khi bé đã bình tĩnh hơn, mẹ lại tiếp tục trò chuyện nhẹ nhàng và nói cho con biết cái gì đúng, cái gì sai. Cần khích lệ con đúng lúc khi con đã biết lỗi và biết cách cư xử đúng mực.
Nếu thực hiện như trong đoạn clip trên, việc giúp trẻ tự giác ăn ngoan có lẽ sẽ không còn là “nhiệm vụ bất khả thi” của mỗi gia đình. Điều quan trọng khi rèn cho con theo cách này là mẹ phải thật sự nghiêm khắc, đưa ra lời khen hay hình phạt một cách rõ ràng, đúng lúc, tránh tâm lý “xót con”, thấy con khóc là dỗ dành cho bằng được. Khi trẻ đã biết cách dạy dỗ của mẹ, trẻ sẽ tự giác thực hiện vào lần sau và dần dần xây dựng được một thói quen, một quy tắc ứng xử tốt mà chẳng cần dùng đến đòn roi.
(Nguồn: Supernanny)