3 lầm tưởng về việc cho con ngủ cùng mẹ có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của đứa trẻ

Ái Vi,
Chia sẻ

Nhiều cha mẹ tin rằng việc cho con ngủ riêng từ sớm sẽ rèn tính tự lập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý và nhi khoa, nếu không đúng thời điểm, việc cho trẻ ngủ riêng quá sớm có thể gây tổn thương sâu sắc đến cảm xúc và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Khi việc "ngủ cùng mẹ" trở thành đề tài gây tranh cãi

Một bé trai 6 tuổi thường xuyên bị bạn học trêu chọc, sợ hãi khi đến lớp và có biểu hiện rối loạn cảm xúc tại nhà. Theo chia sẻ từ người mẹ, bé hay la hét, đập phá đồ đạc, thậm chí tự đánh vào người. Chỉ khi được mẹ kiên nhẫn vỗ về, tình trạng mới tạm ổn định.

Tuy vậy, khi người mẹ đề xuất ngủ cùng con một thời gian để hỗ trợ tâm lý, cô lập tức vấp phải sự phản đối từ người thân. "Con trai lớn rồi, không thể ngủ với mẹ được nữa, sẽ làm nó yếu đuối hơn" - chồng và mẹ chồng chị kiên quyết.

Tranh luận về việc trẻ nên ngủ riêng hay ngủ cùng mẹ vẫn là chủ đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt với trẻ từ 3 đến 8 tuổi – giai đoạn chuyển tiếp quan trọng về mặt phát triển cảm xúc.

3 lầm tưởng về việc cho con ngủ cùng mẹ có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của đứa trẻ- Ảnh 1.

3 ngộ nhận thường gặp về việc cho con ngủ cùng mẹ

1. "Ngủ cùng mẹ là nuông chiều, khiến trẻ phụ thuộc"

Nhiều người cho rằng việc để trẻ ngủ cùng cha mẹ sẽ tạo thói quen dựa dẫm và cản trở quá trình hình thành tính tự lập. Tuy nhiên, theo khuyến nghị từ Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là thời điểm não bộ - đặc biệt là vùng vỏ não trước trán - phát triển mạnh mẽ nhất. Đây là khu vực liên quan trực tiếp đến khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Việc được tiếp xúc gần gũi, da kề da với cha mẹ vào ban đêm không chỉ giúp trẻ an tâm mà còn góp phần ổn định nhịp sinh học và giấc ngủ sâu – yếu tố nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngược lại, việc ép buộc tách giường sớm khi trẻ chưa sẵn sàng có thể làm tăng nguy cơ lo âu, dẫn đến rối loạn giấc ngủ và hành vi tiêu cực.

2. "Càng ngủ riêng sớm, trẻ càng nhanh độc lập"

Một số phụ huynh áp dụng cách nuôi dạy "kỷ luật thép": Cho trẻ ngủ riêng từ rất sớm, hạn chế bế ẵm, không đáp ứng khi trẻ khóc. Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Trung tâm Phát triển Trẻ em - Đại học Harvard cho thấy: trẻ ngủ trong tình trạng lo lắng sẽ tiết ra nhiều cortisol (hormone căng thẳng), làm giảm serotonin (hormone tạo cảm giác an toàn, vui vẻ), từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện.

3 lầm tưởng về việc cho con ngủ cùng mẹ có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của đứa trẻ- Ảnh 2.

Việc rèn luyện tính tự lập cần dựa trên sự chủ động và cảm giác an toàn nội tại của trẻ, thay vì áp đặt từ bên ngoài. Tách giường quá sớm khi trẻ chưa đủ năng lực thích nghi chỉ khiến quá trình này bị đảo ngược: trẻ có thể trở nên sợ hãi, rụt rè và thiếu chủ động.

3. "Càng ngủ cùng mẹ lâu, trẻ càng có nhiều cảm giác an toàn"

Không ít phụ huynh cho rằng cứ kéo dài thời gian ngủ chung là đủ để nuôi dưỡng sự gắn bó và cảm giác an toàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chất lượng tương tác mới là yếu tố quyết định.

"Sự hiện diện cảm xúc của cha mẹ trước giờ ngủ có tác dụng như liều thuốc an thần tự nhiên đối với trẻ", chuyên gia tâm lý trẻ em Marisa Peer nhận định.

Nói cách khác, sự kết nối cảm xúc – thông qua lời nói, cử chỉ ân cần và những câu chuyện kể trước giờ ngủ – quan trọng hơn nhiều so với việc đơn thuần nằm cạnh nhau suốt đêm.

3 bước giúp trẻ sẵn sàng ngủ riêng mà không tổn thương

1. Cho ngủ riêng không dựa vào tuổi, mà dựa vào tín hiệu

Không có một độ tuổi "chuẩn" để cho trẻ ngủ riêng. Thay vào đó, cha mẹ nên quan sát các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng:

- Có thể chơi một mình trong khoảng 30 phút mà không cần người lớn bên cạnh.

- Biết tự trấn an khi chưa ngủ được ngay.

- Diễn đạt được nhu cầu và cảm xúc rõ ràng.

- Tỏ ra hứng thú với việc có không gian riêng.

- Chủ động đề xuất được "làm người lớn" hơn.

Nếu trẻ đáp ứng được từ ba dấu hiệu trở lên, cha mẹ có thể bắt đầu lên kế hoạch tách giường.

3 lầm tưởng về việc cho con ngủ cùng mẹ có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của đứa trẻ- Ảnh 3.

2. Tăng cường cảm giác an toàn ban ngày

Cảm giác an toàn về mặt tâm lý không chỉ hình thành vào ban đêm mà được xây dựng xuyên suốt cả ngày. Một số hoạt động hữu ích gồm:

- Tăng cường tiếp xúc thể chất: ôm ấp, vuốt ve.

- Chơi các trò mang tính chờ đợi như trốn tìm.

- Đọc sách, kể chuyện về nhân vật dũng cảm.

- Thường xuyên khích lệ và ghi nhận nỗ lực của trẻ.

3. Tập cho con ngủ riêng bằng một lộ trình có "nghi lễ"

Việc ngủ riêng nên được coi là một cột mốc quan trọng, cần sự chuẩn bị và quá trình thích nghi:

- Giai đoạn 1 - Làm quen (1 tháng): Giới thiệu khái niệm ngủ riêng, cùng trẻ trang trí phòng và chọn đồ vật yêu thích.

- Giai đoạn 2 - Giảm tiếp xúc dần (2 tuần): Từ nằm cạnh, chuyển sang ngồi bên giường, sau đó chỉ cần hiện diện gần đó.

- Giai đoạn 3 - Củng cố (2–3 tháng): Duy trì một số thói quen như kể chuyện, tạo "quyền lợi" như cuối tuần được ngủ cùng mẹ.

Việc trẻ ngủ chung hay ngủ riêng không nên bị quy định bởi những chuẩn mực cứng nhắc hay định kiến xã hội. Quan trọng nhất là khả năng nhận biết nhu cầu cảm xúc của con và đồng hành cùng con theo nhịp độ phù hợp.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Chìa khóa nằm ở sự thấu hiểu, chứ không phải thời gian nằm chung một chiếc giường.

Chia sẻ