3 kiểu “thông minh giả” của trẻ về sau dễ gây ra tác dụng ngược: Cha mẹ quan sát thấy con có dấu hiệu này thì thay đổi ngay
Con trẻ lớn lên khỏe mạnh và thông minh là niềm mong ước của tất cả các bậc phụ huynh. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể nhận biết được liệu một đứa trẻ có thực sự thông minh hay không khi chúng còn quá nhỏ?
Có một tình huống đời thường mà hầu hết chúng ta đã từng chứng kiến đó là cảnh những đứa trẻ tranh giành đồ chơi của nhau. Người lớn hay hướng đứa trẻ giành được đồ chơi của bạn rồi vui vẻ bỏ chạy mà khen ngợi: đứa trẻ này thật thông minh lanh lợi, muốn cái gì là giành lấy bằng được. Ngược lại những phụ huynh có con bị giành mất đồ chơi tỏ vẻ bất lực: Tại sao con mình lại để bạn cướp mất đồ chơi? Khi lớn lên liệu có biến thành người nhút nhát, lầm lì?
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu rằng đứa trẻ giành được đồ chơi có thực sự thông minh hay đó chỉ là một thói hư hình thành từ khi còn nhỏ?
Có nhiều đứa trẻ thể hiện sự lanh lợi ngay từ rất sớm nhưng trên thực tế những hành vi đó chỉ là sự “thông minh giả” không những không mang lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ mà còn gây tác dụng ngược. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý các dấu hiệu của sự “thông minh giả tạo” để có thể có các biện pháp giáo dục kịp thời, ngăn chặn những trường hợp xấu có thể xảy ra.
1. Những đứa trẻ chỉ nói mà không hành động
Người lớn thường thích những đứa trẻ đáng yêu, “mau mồm mau miệng”, tự tin khi giao tiếp với người lạ. Tuy nhiên, ở bất kỳ trường hợp nào lời nói luôn luôn phải đi kèm với hành động.
Câu chuyện kể về một giáo viên mẫu giáo nọ khi phân công công việc dọn dẹp lớp học cho những bạn nhỏ trong lớp, có một cô bé đã đứng lên và hô to rằng “ Thưa cô, cô đừng lo, con sẽ dọn dẹp sạch sẽ lớp học ạ”. Kết quả là đến cuối buổi, những bạn nhỏ khác đều hoàn thành công việc được giao chỉ có cô bé là không hoàn thành công việc.
Hình minh họa. Ảnh: Wonderfull
Giáo viên mẫu giáo kể rằng suốt buổi dọn dẹp hôm đó cô bé chỉ chạy chỗ này, chỗ kia chỉ huy các bạn khác và mong đợi các bạn sẽ hoàn thành cả phần việc của mình. Đối với đứa trẻ như cô bé kia, thoạt đầu chúng ta có thể nhận xét là một người thông minh lanh lợi nhưng thực chất đó chỉ là “người khổng lồ trong suy nghĩ và người lùn trong hành động”.
Những đứa trẻ chỉ nói mà không có kỹ năng thực sự thì trong tương lai khó có thể đạt được thành tích triển vọng. Và hơn hết sau này cái mà chúng ta những bậc làm cha mẹ hướng tới là con trẻ có thể là “người khổng lồ trong cả suy nghĩ và hành động”.
2. Những đứa trẻ luôn phá vỡ quy tắc
Khi quan sát những đứa trẻ trong khu vui chơi chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những đứa trẻ đang chơi cầu trượt, một vài đứa vừa trượt xong lượt của mình đã vội vã chạy lên chen lấn để có thể tiếp tục được trượt xuống mà không cần xếp hàng, mặc kệ những đứa trẻ đằng sau la hét không được chen hàng.
Đứng trước cảnh đó, mọi người chẳng mấy ai mảy may quan tâm, họ đều cho rằng đó là chuyện vặt vãnh của trẻ con. Thậm chí còn có người cho rằng những đứa trẻ chen hàng là thông minh vì biết cách khiến bản thân có lợi hơn người khác.
Tuy nhiên việc này phản ánh sự thiếu giáo dục của cha mẹ về các quy tắc xã hội với con của mình. Nếu một đứa trẻ không tôn trọng các quy tắc ngay từ khi còn nhỏ, thì việc tuân thủ các quy tắc của nó khi lớn lên thường chỉ là bề ngoài. Điều đó không những không mang lại lợi ích bền vững mà nó còn tiềm tàng những hậu quả khôn lường.
Một ví dụ đơn giản: Bạn có thể vượt đèn đỏ để đi nhanh hơn một vài giây nhưng việc đó sẽ khiến bạn có thể mất đi cả tính mạng.
Hình minh họa. Ảnh: CNBC
3. Những đứa trẻ “khôn lỏi”
Có một đứa trẻ kể với mẹ của mình rằng không thích một cậu bạn trong lớp bởi vì cậu ấy rất hay khôn vặt.
Mỗi lần có bạn cùng lớp mang gì đó đi ăn, cậu ấy luôn xin một ít để ăn, nhưng cậu ấy không bao giờ tự mua và chia sẻ nó với các bạn khác. Một số bạn cùng lớp cũng thấy cậu ấy lén mua đồ ăn vặt bên ngoài trường và ăn một mình. Còn đồ dùng học tập cậu ấy luôn mượn các bạn cùng lớp khi đồ của mình thiếu, chứ không bao giờ tự mua để dùng.
Nhiều lần như vậy, tất cả mọi người đều không hài lòng với cậu bạn đó và không có ai nguyện ý thân thiết với cậu ấy nữa.
Nhiều bậc phụ huynh có thể cho rằng những đứa trẻ như vậy thật thông minh, đi đến đâu cũng không bị chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, việc quá chú ý đến cái lợi trước mắt sẽ khiến tầm nhìn của trẻ bị thu hẹp, không thấy được hết khát vọng của bản thân, khó có thể bước vào thế giới rộng lớn hơn.
Theo cách này, khuôn mẫu con cái sẽ ngày càng nhỏ lại, đường đi càng ngày càng hẹp. Trẻ có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn trong tương lai, khó có triển vọng lớn.
Vì vậy, chúng ta phải giáo dục trẻ bằng lời nói và hành động dạy trẻ đạt được mục tiêu bằng cách tuân thủ các quy tắc, tôn trọng bản thân và những người xung quanh, biết chia sẻ và hợp tác. Có như vậy, sau này con trẻ mới có thể nắm bắt được nhiều cơ hội và ngày càng hoàn thiện bản thân.
Theo Abolouwang