16 mối nguy hiểm cho bé từ nhà bếp
Nhiều người vẫn coi căn bếp là trái tim của ngôi nhà, là nơi cả gia đình quây quần ăn uống vui vẻ bên nhau. Tuy nhiên, nhà bếp cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho bé.
Để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra cho con, chúng ta cần sắp xếp lại nhà bếp một chút cho an toàn. Dưới đây là một số gợi ý cho các bố mẹ để loại bỏ những mối nguy hiểm cho bé từ nhà bếp:
1. Giám sát chặt chẽ trẻ là cách tốt nhất để giữ cho trẻ an toàn trong bếp. Tuy nhiên, nếu không thể lúc nào cũng để mắt tới con trong khi nấu nướng, mẹ hãy tìm một chỗ khác an toàn để con chơi trong tầm mắt mẹ. Nếu có điều kiện, bố mẹ có thể mua hoặc đóng những chiếc cũi 3D – một loại cũi quây có nhiều cạnh dễ dàng lắp ghép để tạo một không gian đóng an toàn cho trẻ chơi trong đó.
2. Cất hết các loại bột giặt, thuốc tẩy, nước xả, thuốc diệt côn trùng, hoặc bất cứ thứ hóa chất độc hại vào các ngăn tủ có khóa, và ở trên cao càng tốt vì nhiều trẻ rất tinh ranh trong việc làm thế nào để mở các ngăn tủ khóa.
3. Nếu có thể, thay vì dùng các loại hóa chất độc hại, bạn hãy chuyển sang dùng những sản phẩm an toàn hơn có nguồn gốc từ thiên nhiên. Chẳng hạn, thay vì dùng nước xịt bếp, ta có thể dùng dấm để lau chùi bếp…
4. Mua các loại thuốc, vitamin, hoặc bất cứ sản phẩm nào dùng trong bếp được đựng trong những loại lọ có nắp đặc biệt, trẻ nhỏ không thể mở được. Luôn đựng các thứ này trong lọ của chúng, không chuyển sang các loại lọ khác vì có thể xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.
(Ảnh minh họa)
5. Cất dao, và các loại dụng cụ sắc nhọn ở các ngăn kéo trên tủ cao.
6. Các loại đồ gốm sứ, thủy tinh cũng cần được cất trên cao.
7. Đặt các loại máy pha cà phê, lò nướng, lò vi sóng, và tất cả các thiết bị điện nói chung ra xa khỏi tầm với của trẻ. Tháo và cất dây điện của các thiết bị này khi không dùng đến.
8. Không bao giờ để đồ thủy tinh, gốm sức, dao, thức ăn, thức uống nóng trên bàn ăn, trên quầy bar khi bạn không có mặt ở đó, ngay cả một vài giây. Cũng đừng dùng khăn trải bàn, khăn lót đĩa vì trẻ có thể kéo chúng và tất cả những gì trên đó xuống người trẻ.
9. Đừng để những loại hạt cứng, trái nho, đồng xu và tất cả những thứ trẻ có thể nuốt và gây hóc ở trong tầm với của trẻ.
10. Hãy để riêng một ngăn kéo ở tủ bếp để trẻ có thể tự do mở ra đóng vào và khám phá. Ngăn kéo này phải không quá gần lò nướng, lò vi sóng, bếp nấu. Mẹ nên đặt vào đó một số món đồ an toàn, thú vị để trẻ khám phá như thìa gỗ, thìa nhựa, hộp nhựa nhỏ, đĩa bát nhựa an toàn an toàn nhiều màu sắc… Thỉnh thoảng, mẹ hãy thay đổi những món đồ trong đó để trẻ đỡ bị chán mà quay sang “khám phá” các ngăn tủ khác của mẹ.
11. Lắp các loại chốt khóa lên lò nướng, lò vi sóng, tủ lạnh… để trẻ không thể mở/bật các thiết bị này lên
12. Nếu dùng bếp ga, hãy khóa ga ngay khi bạn nấu nướng xong.
13. Luôn đậy nắp thùng rác, và đựng các loại chai lọ, hộp tái chế được vào các thùng/túi riêng và đặt xa tầm với của trẻ.
14. Luôn cài dây an toàn khi trẻ ngồi trong ghế ăn, và không bao giờ rời mắt khỏi trẻ.
15. Mua sẵn một bình dập lửa đa năng có thể dùng để dập điện, cháy do dầu mỡ… Và đảm bảo bạn biết cách dùng nó, và chỉ dùng cho đám cháy nhỏ. Trong trường hợp có hỏa hoạn lớn, bạn không kiểm soát được, hay dẫn trẻ ra khỏi nhà và gọi ngay cứu hỏa.
16. Khi phải cầm nước nóng trên một tay, đừng bao giờ cố bế trẻ bằng tay kia vì trẻ có thể kéo tay bạn, hoặc bạn sẽ sơ suất mà làm trẻ bị bỏng.