Tiền anh, tiền em có chắc là tiền của chúng ta?

,
Chia sẻ

Đôi khi chính thứ bị gán cho đủ loại tính từ xấu xa như “vật chất tầm thường, thực dụng” như tiền bạc lại là nguyên nhân gây nên “cái chết của những con thiên nga” mang tên tình yêu.

Tiền anh, tiền em có chắc là tiền của chúng ta?

Trước đây, không khi nào Hoa (nhân viên văn phòng, Hà Nội) nghĩ rằng mối tình kéo dài tới 4 năm của mình lại kết thúc trong một tình huống tồi tệ đến như vậy. Tất cả cũng chỉ vì chuyện tiền bạc, những chuyện mà khi đang mụ mị vì yêu, người ta đã nghĩ rằng thật chẳng ra sao khi đặt thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý như tình yêu bên cạnh một thứ vật chất tầm thường như tiền bạc. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đôi khi chính cái thứ vốn bị gán cho đủ loại tính từ xấu xa như “vật chất tầm thường, thực dụng, nhỏ nhen” như tiền bạc lại chính là nguyên nhân gây nên “cái chết của những con thiên nga” mang tên tình yêu.

Ngày mới bắt đầu yêu nhau, Hoa và Hải còn đang học đại học. Cũng giống như hàng ngàn sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học tập khác, cuộc sống của họ phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn mà khó khăn lớn nhất đến từ... kinh tế. Có hàng đống những thứ phải dùng đến tiền trong cuộc sống của một sinh viên xa nhà: tiền học phí, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền mua các nhu yếu phẩm hàng ngày... nên những ngày cuối tháng, nếu chưa có “viện trợ” của gia đình thì chỉ có nước ăn mì tôm sống qua ngày. Nghe có vẻ ngược đời nhưng chính trong cuộc sống nhiều khó khăn như vậy thì những động chạm về kinh tế của cả hai lại hầu như không có. Chỉ khi cả hai tốt nghiệp đại học, đã đi làm, có thu nhập, có tích lũy thì những vấn đề tài chính mới nảy sinh trong tình yêu của hai người.
 
Chưa có điều kiện cưới nhưng cả hai đã quyết định dọn về sống cùng một nhà vì “trước hay sau thì đằng nào chả thế”. Thời gian đầu, công cuộc “sống thử” đem lại một cảm giác thật sự hạnh phúc vì cả hai có thể dành thời gian chăm sóc cho nhau nhiều hơn trước kia, có thể sẻ chia mọi vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng dần dần, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Bắt đầu từ việc mọi chi phí sinh hoạt của cả hai “vợ chồng” hầu như đều do Hoa gánh chịu tuy Hải cũng đi làm và có lương, thậm chí còn cao hơn cô. Thời gian mới dọn về sống chung, Hoa nghĩ đơn giản rằng: “Tiền của ai thì sau này cũng là của chung” nên không căn ke chuyện “anh góp bao nhiêu, em góp bao nhiêu” mà để tự Hải tự ý thức việc đưa bao nhiêu thì đưa.

Những tháng đầu, anh đưa tất cả lương cho Hoa chi trả các khoản sinh hoạt phí nhưng rồi số tiền đó cứ ít dần, ít dần theo thời gian và có tháng thì “đứt” hẳn. Lương một nhân viên văn phòng như Hoa không thể đủ cho sinh hoạt của hai con người trong một thành phố đắt đỏ như Hà Nội nên cô phải “giật gấu vá vai”, lấy khoản này đập tạm khoản kia trong khi chờ kì lương tháng tới. Nhắc nhở người yêu thì anh chàng đưa được vài trăm và không quên “khuyến mại” cho cái cau mày khó chịu: “Em tiêu gì mà kinh thế. Anh mới đưa tiền hôm nào mà giờ đã hết rồi!”. Chả nhẽ cô lại phải gào lên cho anh ta nhớ: “Cái “hôm nào” anh nói diễn ra cách đây tới tận ba tháng rồi”. Có lẽ Hoa sẽ vẫn còn ảo tưởng chuyện “tiền anh, tiền em cũng là tiền của chúng ta” nếu cô không vô tình phát hiện lý do người yêu không chịu đưa tiền sinh hoạt phí hàng tháng là bởi vì anh ta muốn tiết kiệm tối đa tiền lương của mình để còn gửi về biếu bố mẹ ở dưới quê. Trong khi đó, gia đình Hoa ở dưới quê cũng không khá giả hơn gì nhà Hải, cô cũng ra trường đi làm mà không thể bỏ ra được đồng lương nào gửi về cho bố mẹ, có khi còn phải muối mặt xin thêm. Ở trên này, bố mẹ cô có lẽ không biết rằng, con gái mình đi làm còn phải “nuôi không” một “người dưng” nữa.

Đồng cảnh ngộ “nuôi báo cô” người yêu như Hoa là anh chàng Khả. Khả mới ra trường và đi làm cho một công ty xây dựng. Lương kiến trúc sư của anh cũng khá và cuộc sống có lẽ sẽ không đến nỗi nào nếu anh không “đèo bòng” thêm cô người yêu đang học năm cuối trường Trung cấp du lịch. Tuy bản thân sống ở nhà trọ khác nhưng người yêu Khả thường xuyên đến nhà anh “ăn nhờ ở đậu” hàng tháng liền.

Tiền lương của anh, cô đòi quản. Vốn hiền lành, lại không biết tiêu tiền nên Khả nghĩ có người chịu khó làm tay hòm chìa khóa cho mình cũng tốt. Nhưng không ngờ, tiền lương mỗi tháng tới gần chục triệu mà cô nàng tiêu pha thế nào chỉ trong vòng hơn hai chục ngày đã hết nhẵn. Anh tá hỏa khi cô thú nhận đã tiêu phần lớn số tiền đó vào việc mua son phấn, áo quần, giày dép. Giận thì giận thế nhưng khi nghe người yêu lại khóc lóc xin lỗi rồi hứa tháng sau sẽ không hoang phí như thế nữa, sẽ để dành “để sau này anh còn có tiền cưới em” rồi “tiền của anh cũng là tiền của em nên em phải biết tiết kiệm” thì anh lại mềm lòng. Tháng thứ 2 rồi thứ 3, tình hình... vẫn thế. Đến nước này thì anh... bó tay hẳn, đành phải nói lời chia tay cô người yêu thanh mai trúc mã vốn gắn bó với nhau từ thời còn “ở truồng tắm mưa”.

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát

Câu “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát” thì hầu như bạn trẻ nào cũng đã từng nghe nhưng không phải ai cũng đủ minh mẫn và sáng suốt thực hiện nó khi đang ở trạng thái “mù quáng vì yêu”. Trong tình yêu, nhiều bạn trẻ quan niệm đã chia sẻ với nhau những khoảnh khắc lãng mạn, riêng tư nhất thì tiền bạc, vật chất vốn vẫn bị coi là “phù du, phù phiếm” lại càng cần phải chia sẻ. Thế nên, nhiều anh chàng/cô nàng sẵn sàng trang bị cho người yêu từ những thứ nhỏ như đôi giày, cái áo đến những thứ giá trị lớn như xe máy, điện thoại. Những món quà cho dù có giá trị nhỏ thì bản thân nó đã là niềm vui đối với người được nhận. Còn khi nó có giá trị quá lớn, nhất lại là khi bản thân người tặng không tự mình làm ra được nhiều tiền đến vậy thì khi ấy, món quà đã vô tình trở thành một thứ “nợ” dù người nhận quà có nhận thức được điều đó hay không. Tình yêu, khi đã biến thành “nợ” thì khó lòng có thể bền vững được.

Chưa kể những nhập nhằng về tài chính có thể khiến tình yêu bị “tầm thường hóa, vật chất hóa” và khiến hai người trong cuộc nhìn nhau với ánh mắt khác đi. Vậy nên mới có chuyện, nhiều bạn trẻ ngày nay xác định “yêu cứ yêu, còn tiền thì cứ... của ai nấy giữ”. Có người cho thế là quá thực dụng nhưng bản thân người viết bài này lại nghĩ đó là thực tế chứ không thực dụng.

Theo Phununet

Chia sẻ