Nhiều tiền mà vẫn... khổ

,
Chia sẻ

Rất nhiều người khi rủng rỉnh tiền bạc lại tỏ ra nuối tiếc thời còn túng thiếu. Không phải họ “ra vẻ”, mà quả thật họ không cảm thấy “sung sướng” bằng ngày xưa.

Nói chuyện với các bạn già, ông Dương Văn Chính ở Tây Hồ, Hà Nội chép miệng thương xót con trai và con dâu: “Chúng nó khổ quá!”. Mấy người bạn cười: “Ông nói thế không sợ ai chạnh lòng à? Anh chị ấy ở biệt thự, đi xe hơi, tiền tiêu không cần tính, thiên hạ ước khổ thế còn chẳng được”.  Nhưng ông Chính hiểu hơn ai hết, các con mình muốn mua gì cũng được, trừ một thứ là sự thư giãn và nghỉ ngơi.

 Nhiều tiền nhưng ít hạnh phúc

Từ ngày vợ chồng anh Liêm con ông mở phòng khám tư và công ty kinh doanh thiết bị chữa bệnh, kinh tế gia đình bắt đầu phất lên. Thế nhưng, cũng từ đó, cả ông Chính và các cháu đều ít được gặp vợ chồng Liêm. Họ bận đến nỗi chẳng hỏi han được cha già, họp phụ huynh cho con phải nhờ ôsin đi hộ, trong khi bản thân họ chỉ biết làm và làm, chứ không được hưởng sinh thú gì. 
 
Anh Phạm Hồng Khanh, 41 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã mất vợ vì giàu. Cách đây bốn năm, Khanh đổi sang một công việc “kiếm” hơn cũng là lúc tình cảm gia đình rạn nứt. Anh không còn những buổi đưa cả nhà đi chơi, trốn con để vợ chồng hẹn hò, thậm chí còn quên luôn chuyện tặng quà nhân các ngày lễ. Khanh đầu bù tóc rối, mắt thường xuyên đỏ ngầu, nằm mơ cũng nói chuyện hợp đồng. Vợ cắt tóc hay có váy áo mới, anh cũng chẳng biết. Rồi vợ anh có tình nhân, một ngày đón chồng trở về sau chuyến công tác nước ngoài, chị đã đưa tờ đơn ly hôn và nói: “Em có người khác nên cũng không đòi anh chia tài sản, chỉ cần anh giải phóng cho em”.

Còn Huyền Thương, Giám đốc sản phẩm của một công ty nước ngoài ở Hà Nội, đang phải trị liệu tâm lý vì chứng trầm cảm - hậu quả của chuỗi ngày chỉ biết cắm đầu vào công việc. Mới 29 tuổi, Thương đã mua được một căn hộ có nội thất khá sang. Nhiều tiền, nhưng cô không có thời gian tiêu, vẫn ăn mặc lôi thôi và quê mùa vì phấn son, trang sức với cô là thứ xa xỉ. Thấy mình luộm thuộm xấu xí trong khi những người xung quanh đều sành điệu, cô càng không muốn kết bạn hay đến nơi giao tế. Ngoài giờ làm việc, cô chỉ thui thủi ở nhà đọc mạng và nhận thêm việc làm cho đỡ buồn. Sự mệt mỏi, cô đơn khiến Thương dần lâm vào tình trạng trầm cảm. 

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cho biết, rất nhiều bệnh nhân phải điều trị rối nhiễu tâm lý là doanh nhân giàu có hoặc trí thức thành đạt. Họ giỏi giang, biết kiếm tiền nhưng không biết cách dùng nó để phục vụ mình và hưởng thụ cuộc sống. Vì vậy, họ không hạnh phúc bằng những người kém thành đạt hơn, thậm chí không bằng chính họ thuở còn “hàn vi”.  

Theo các chuyên gia tâm lý, con người không thể sung sướng khi không có sự cân bằng. Để sự thành đạt đồng nghĩa với một cuộc sống chất lượng cao, không nên tự biến mình thành cỗ máy mà cần biết hưởng thụ để thấy được ý nghĩa, giá trị của sự thành đạt. Việc dành một vài ngày đi du lịch, đến các nơi giải trí, hay đơn giản chỉ dành ít phút chơi với con, hàn huyên với bố mẹ hoặc chở vợ/bạn gái đi mua sắm không phải là mất thời gian như họ sợ, mà giúp tái tạo năng lượng để làm việc tốt hơn. Chính chút thời gian nhỏ nhoi mà họ nghĩ là lãng phí này mới đem lại sự khoan khoái và hạnh phúc, điều mà người ta hướng tới khi sống và làm việc.

Theo Lam Giang
Báo Đất Việt
Chia sẻ