BÀI GỐC Hãy cho anh một cơ hội, vì con và gia đình

Hãy cho anh một cơ hội, vì con và gia đình

Trước tòa anh ra sức bác bỏ tất cả để giữ lại hạnh phúc của gia đình. Vì anh không muốn các con lâm vào hoàn cảnh như anh, bố mẹ ly dị. Hãy cho anh một cơ hội được làm lại, nếu không phải vì em cũng là vì con.

9 Chia sẻ

Đừng không bỏ nhau chỉ vì con

,
Chia sẻ

Khi 8 tuổi, lần đầu tiên tôi phát hiện ra bố ngoại tình.

Tôi là người con lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh tương tự như của anh chị. Nhìn từ góc độ những đứa trẻ tôi muốn nói lên những điều tôi từng nghĩ và từng mong mỏi.

Tôi là đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của gia đình, mẹ chăm sóc dạy dỗ tôi khôn lớn, bố hết mực nuông chiều. Khi tôi còn nhỏ, rằm trung thu năm nào cũng được bố mẹ đưa đến cung văn hoá chơi, mặc dù vào thời điểm đó đường đông nghìn nghịt, tắc đường hàng tiếng. Cuối tuần thì thỉnh thoảng đi công viên. Hè thì đi tắm biển. Hồi đó gia đình tôi không giàu, nhưng bố mẹ luôn cố gắng để tôi có được tuổi thơ đẹp nhất.

Khi 8 tuổi, lần đầu tiên tôi phát hiện ra bố ngoại tình. Một đứa trẻ vô lo vô nghĩ như tôi bắt đầu biết để ý đến quan hệ trong gia đình hơn. Tôi mách mẹ, rồi sau đó là nước mắt, là tra hỏi, là cãi nhau, là không khí nặng nề bao trùm cả gia đình hàng tháng trời. Người lớn (ông bà, cô dì chú bác) nói với tôi, không có tôi thì gia đình đã tan vỡ, bảo tôi hãy khuyên bố, vì bố rất yêu tôi, lời nói của tôi có giá trị với bố hơn cả. Lúc đó tôi không biết phải khuyên bố điều gì, tôi chỉ biết mẹ đang đau khổ ghê gớm, và nói bố đừng làm mẹ buồn nữa. Bố ôm tôi vào lòng, nói chuyện người lớn con không hiểu được đâu.

Sau một thời gian thì mọi chuyện cũng lắng xuống, tôi biết bố đã tỏ ra hối hận, xin lỗi, và có lẽ cũng như những người đàn ông khác, xin hãy cho anh một cơ hội, hãy vì con, rồi hứa và hứa...

Mẹ tôi là người đàn bà hiền lành, mô phạm, một nhà giáo gương mẫu về mọi mặt, đạo đức cũng như nhân cách. Mẹ đã luôn hy vọng, mong mỏi, vị tha và cố gắng tiếp tục vun đắp cho gia đình nhỏ... Còn có thể làm gì khác ngoài niềm tin khi tiến thoái lưỡng nan bỏ thì thương con, vương thì tội nợ, mà đã không thể bỏ thì phải chấp nhận tha thứ và quên lãng.

Ai cũng bảo bố ngoại tình nhưng sẽ không bao giờ bỏ vợ. Người người nghĩ thế, nhà nhà nghĩ thế, như một xu hướng chung của dân tộc(?). Với suy nghĩ đó, giá trị đạo đức ở đâu, nhân cách con người ở đâu?

Rồi vài năm yên bình trôi qua, tôi có thêm thằng em trai, mẹ suýt chết trong ca đẻ khó. Gia đình tôi ngày càng khá giả. Cho đến năm tôi 18 tuổi thì gia đình còn trải qua nhiều sóng gió với "bệnh" ngoại tình của bố. Mẹ tôi vẫn chỉ biết khóc hết nước mắt, nhiều lần viết đơn ly dị, nhưng vẫn không thể đi đến nước cuối cùng cũng vì thằng em trai của tôi.

Mẹ từng hỏi nó, nếu bố mẹ không sống cùng một nhà, nhưng cả 2 vẫn yêu thương và quan tâm đến con, con thấy có được không? Thằng bé 6 tuổi tuyên bố, thế thì con sẽ không sống cùng ai cả, con sẽ thành thằng đầu đường xó chợ, sẽ bụi đời. Mẹ tôi tá hoả, không dám đề cập thêm về vẫn đề chia tay với nó nữa.

Còn tôi, tôi đã lớn, đã hiểu chuyện, đối với tôi hạnh phúc của mẹ mới là quan trọng. Nếu sống mà luôn phải chịu đựng, vị tha rồi cứ hy vọng, mong chờ, cuộc sống mệt mỏi như thế sẽ thành bệnh mất. Tôi cũng khuyên mẹ nên ly dị, không phải lo cho các con của mẹ, vì hạnh phúc của mẹ cũng là hạnh phúc của con. Còn bố vẫn là bố của chúng tôi. Chúng tôi vẫn yêu bố, mặc dù thứ quý giá nhất mà một người bố muốn người con dành cho mình là sự ngưỡng mộ, niềm tin và lòng tôn trọng không còn.

Như thế, xét về góc độ những đứa trẻ tôi cho rằng người lớn không nên lấy chúng ra làm lá chắn. Bởi trẻ con rất nhạy cảm với biến cố gia đình, có thể không nói ra, nhưng không phải chuyện ly dị khiến chúng tổn thương lâu dài, mà chính những sự buồn đau của những người trong cuộc (bố mẹ) mới khiến chúng day dứt mãi.

Khi người đàn ông ngoại tình, có người là một phút lỡ lầm, nhưng mẹ tôi đã phải trả giá bằng cả đời người cho hy vọng bố tôi nằm trong số ấy. Người ta vẫn kể những câu chuyện về lòng vị tha của phụ nữ, và rồi người chồng đã sám hối và quay đầu là bờ, và càng thương yêu vợ hơn, nhưng đấy mới chỉ là những câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Chị Huong, nếu chị còn yêu chồng thì ly dị ngay sau lần đầu tiên anh ta mắc lỗi lầm, liệu chị đã suy nghĩ chín chắn? Vị tha khó hơn đạp đổ, nhưng hãy chọn làm việc khó trước, bởi việc dễ muốn làm lúc nào cũng được. Hãy để mình hy vọng một lần, "những câu chuyện còn bỏ ngỏ" đó không phải là chuyện cổ tích, tôi đã biết nhiều trường hợp có thật. Tại sao không cố gắng vun đắp một lần, cho cả gia đình bé nhỏ một cơ hội? Vậy trên tất cả vẫn là chị có còn yêu anh? Chỉ cần có tình yêu, mọi thứ đều có thể lấy lại, đều có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực với thời gian. Mong chị suy nghĩ kỹ và dành lại được hạnh phúc thuộc về mình.

Anh Hung Vi, anh đang cầu mong sự tha thứ của vợ bằng sự trách móc để tự an ủi bản thân. Tôi cho rằng đây là suy nghĩ quá yếu đuối và vô trách nhiệm. Có lẽ anh nghĩ mình sẽ không sa ngã nếu chị không "khô cứng" đến thế? Nghe cứ như chị đã đẩy anh vào vòng tay của "cô bé" ấy thay vì anh đã tự nhảy vào. Đúng sai nhiều khi chỉ cách nhau có một bước chân thôi, chỉ bước thêm một bước đã ở ranh giới khác. Mong anh muốn vun đắp với chị là vì còn yêu chị chứ không phải vì con hay vì những lý do khác.

Chồng tôi từng nói với tôi rằng, trong cuộc sống, có giao tiếp xã hội là có cám dỗ. Nhưng vì tình yêu dành cho tôi và con, vì giá trị đạo đức không cho phép bản thân lãng quên, nên phải cố gắng chặn tất cả những ý tứ trước khi nó kịp cám dỗ mời mọc mình.

Tôi từng là hoa khôi khi còn đi học, từng có rất nhiều người dòm ngó, nhưng vì thành kiến với đàn ông, có lúc tôi tưởng mình không bao giờ có tình yêu. Nhưng cuối cùng, chồng tôi đã chứng minh cho tôi thấy, không phải đàn ông nào cũng dễ sa ngã và thiếu chung thuỷ. Chỉ cần tin là sẽ thấy.

Vì tôi sống ở nước ngoài lâu nên diễn đạt tiếng Việt không còn tốt nữa. Mong anh chị vẫn hiểu những gì tôi cố gắng diễn đạt. Chúc anh chị tìm được con đường hạnh phúc cho mình và bọn trẻ.

Theo Vnexpress

Chia sẻ