Xung quanh chuyện chọn tên gọi ở nhà của con
Đùng một cái, bà chị dâu sinh con và gọi luôn là Cucku. Chị Hải giận vô cùng vì trước đó chị đã đặt đồ cho con có chữ Cucku để "công khai" cái tên này của con mình.
Ngày nay, hầu như cha mẹ nào khi mang thai cũng đã nghĩ đến chuyện đặt tên cho con, không những đặt tên khai sinh mà còn đặt luôn cả tên gọi ở nhà cho con để cho dễ gọi. Một người đặt tên ở nhà cho con, hai người đặt tên ở nhà cho con rồi nó thành trào lưu, nhà nhà đặt biệt dành cho con, cha mẹ nào cũng đặt biệt danh cho con.
Những tưởng đặt tên ở nhà cho con là để cho dễ gọi nhưng hóa ra có vô vàn những rắc rối xung quanh chuyện này.
Mít là con trai của vợ chồng anh Tú. Ngay từ khi vợ mang thai, hai vợ chồng anh Tú đã nghĩ đến chuyện đặt tên cho con, nhất là tên gọi ở nhà. Tiêu chuẩn tên gọi ở nhà của con trai anh phải vừa độc, ít lặp với những đứa trẻ trong họ và con cái của bạn bè. Hơn nữa phải dễ gọi. Hai vợ chồng sau khi thống nhất đã quyết định gọi con là Pele với niềm hy vọng sau này con sẽ chơi bóng giỏi như vua bóng đá Pele (cầu thủ Brazil).
Thế nhưng, ngay khi đứa bé chào đời, ông nội đỡ tay đã quyết định gọi cháu đích tôn là Mít, bởi thứ nhất là do ông thích ăn mít, thứ hai là ông muốn có con cháu đầy đàn như cây mít, mà đây lại là thằng cháu đầu tiên nên phải gọi như vậy để “mở đường” cho những đứa sau. Vợ chồng anh Tú không thích lắm và phản đối ra mặt nhưng vì cả nhà thấy tên Mít dễ gọi hơn tên Pele nên tất cả đều gọi cháu là Mít. Để đến bây giờ, cứ mỗi lần con làm sai điều gì hoặc không hiểu việc gì là vợ chồng anh Tú lại đổ diệt cho “cái tội” ông gọi cháu là Mít – có nghĩa là mít đặc, là dốt.
Nhiều người quan niệm đặt tên gọi ở nhà cho con chỉ là vì nghe sẽ rất ngộ nghĩnh, dễ gọi, và có cảm giác gần gũi chứ không quan trọng lắm. Nhưng có nhiều khi cái tên gọi không thôi mà đã là nguyên nhân gây mất lòng nhau giữa những người trong gia đình, họ hàng.
Mang thai đứa con đầu lòng, chị Hải vui mừng và háo hức lắm. Nghe các cụ nói người ta kiêng đặt tên sớm quá, thế là cả mấy tháng trời chị ấp ủ biết bao cái tên cho con. Cho đến tận tháng thứ 8 chị mới nói chuyện với mọi người trong gia đình rằng con bé sau này sinh ra sẽ gọi là Cucku ở nhà. Mọi người cũng ưng cái tên đó lắm. Chị Hải đi đặt hết một loạt đồ cho con có chữ Cucku như một sự “đánh dấu thương hiệu” mà ai cũng biết.
Đùng một cái, bà chị dâu con nhà bác chị Hải sinh sớm hơn chị 1 tháng và gọi thằng con trai mới sinh là Cucku. Cả nhà, cả họ xúm vào bảo chị dâu đổi tên ở nhà cho con vì sợ trùng với tên con nhà chị Hải về sau, nhưng bà chị dâu này quyết không thay đổi, lại còn xuề xòa; “Thôi thì gọi Cucku anh Cucku em cũng được chứ sao. Dù sao thằng này cũng là con trai, gọi Cucku anh cũng được. Hay là cô Hải đổi tên cho cháu gái đi, đồ đã đặt có chữ Cucku rồi nếu không muốn dùng thì để lại cho tôi cũng được…”. Vừa ức vừa giận, chị Hải cũng chẳng biết làm sao. Giờ bỏ hết chỗ đồ đi cũng dở mà cho bà chị dâu thì chị càng thấy bực mình hơn. Cuối cùng chị Hải đổi luôn tên con thành Tutu và bán thanh lý hết chỗ đồ đã đặt, mặc cho mọi người trong nhà nói chị là chấp vặt và sợ đắt rẻ mà không để lại cho con nhà chị dâu.
Cùng quan điểm với nhiều bậc cha mẹ, vợ chồng anh Khánh cũng nghĩ rằng nên đặt tên cho con ở nhà để cho… dễ nuôi. Thế nên, ngay khi cậu con trai mới chào đời năm Hổ, anh chị đã gọi con là Hổ thay cho tên thật là Thanh Sơn với hy vọng con sau này sẽ mạnh mẽ và luôn ở “tầm cao” như ocn hổ.
Thế nhưng chưa đầy nửa tháng sau, hỏi ra mới biết anh chị đã đổi lại tên gọi cho con ở nhà là Miu. Hóa ra, thằng bé ngay từ khi mới ra khỏi bụng mẹ đã tỏ ra là một “anh chàng” rất khó tính và hay cáu bẳn. Không những không chịu ngủ, ăn ít mà cu cậu còn rất hay khóc, mỗi lần khóc là gào lên to tướng khiến mọi người liên tưởng đến tiếng con hổ gầm. Nghĩ rằng, tướng con hổ khá dữ nên thằng bé khi được gọi là Hổ mới “khó tính” đến như vậy, anh chị quyết định đặt lại tên cho con là Miu cho hiền lành và với hy vọng là dễ nuôi hơn.
Có đến cả trăm lẻ một câu chuyện xung quanh việc đặt và gọi tên ở nhà của con, chuyện vui có, chuyện không vui có, chuyện vô lý có, chuyện hoang đường cũng có… Nhưng thiết nghĩ, tên ở nhà của con không quan trọng, điều quan trọng là chuyện chăm sóc và dạy dỗ con trẻ. Tên ở nhà của con là một trào lưu, nhưng lẽ ra nó chỉ nên dừng ở chỗ tên dễ gọi, ngộ nghĩnh là được chứ đừng để chỉ vì chuyện cái biệt danh của con mà người lớn có những lời nói, hành động làm mất lòng nhau như chuyện nhà chị Hải nói trên.