Cha mẹ nên giải thích cho bé biết ý nghĩa tên gọi của chúng bởi điều đó sẽ khiến bé tự hào và cố gắng phấn đấu để trở thành một người thực sự như tên của mình.
Mỗi cái tên đều mang trong mình một ý nghĩa nhất định, khi mang trong mình một kỉ niệm, lúc lại gửi gắm mong muốn của mẹ cha… Tuy
nhiên, để những đứa trẻ ấy lớn lên trở thành một người thực sự như tên
gọi, các bậc phụ huynh cần giáo dục con, nói cho chúng biết ý nghĩa
những cái tên mà chúng đang mang để trẻ thêm yêu quý và tự hào về tên
mình. Điều này sẽ dạy cho con bạn một ý thức vươn lên, xứng đáng với cái tên đã được cha mẹ đặt cho.
Cách đặt tên cho con:
Cái tên, bên cạnh việc dùng để gọi, còn nói lên vị trí xã hội của mỗi người hoặc chí ít là gia cảnh hay tính cách của cha mẹ. Những cái tên như Trâm Anh, Bảo Châu, Linh Chi… thường là những cái tên “con nhà”. Giản dị như Sen, Thảo, Lúa thường là tên con những người nông dân chất phác. Không nhiều tính toán như: Linh, Hà, Trang, Giang… thường là con của những ông bố bà mẹ sống đơn giản, trung lưu và không kiểu cách.
Với bé gái, ưu tiên lựa chọn sẽ là những cái tên tạo âm sắc nhẹ nhàng, duyên dáng và dễ thương. Ở đây, những cái tên với âm bằng sẽ được ưu tiên. Chẳng hạn như Mai Lan, Diệu Linh, Như Hoa…
Với bé trai, âm hưởng mạnh mẽ là điều nên chú trọng.
Đặt tên con theo tên ghép của bố mẹ hoặc ghép cả họ bố và họ mẹ: Ví dụ như bố họ Hoàng, mẹ họ Mai, đặt tên con là Hoàng Mai Anh Tú (con trai), Hoàng Mai Anh Lê (con gái). Đặt tên theo cách này thể hiện được tình yêu thương của cha mẹ với nhau và mong muốn gắn kết các con với mình – theo đúng nghĩa, con cái là kết quả của một tình yêu bền chặt.
Những cái tên như: Hiếu, Thảo, Minh, Nhật, Hiền…xuất phát từ mong muốncon mình sau này lớn lên thông minh, sáng dạ, nhanh nhẹn, hiếu nghĩa. Hay những cái tên thể hiện sự xinh đẹp như Trà My, Quế Anh, Nguyệt, Hằng, những cái tên mang lại sức mạnh như Hùng, Dũng, Mạnh, Cường…
Ý nghĩa một số yếu tố thường dùng để đặt tên:
Minh: bên cạnh nghĩa là ánh sáng thường được người Việt ưa dùng khi đặt tên, minh còn có nghĩa chỉ các loại cây mới nhú mầm, hoặc sự vật mới bắt đầu xảy ra (bình minh). Minh có thể dùng làm tên gọi và cả tên đệm.
Giang: ngoài nghĩa là sông, thì Giang Thổ còn chỉ loài thực vật cỏ sống lâu năm, lá nhỏ dài, hoa màu xanh nâu. Đặt tên con với cả hai nét nghĩa trên đều hay và ý nghĩa.
Linh: Linh là loài thực vật ký sinh trên cây sung, hình giống cây cam nhưng vỏ màu nâu đen hoặc màu phấn hồng, có giá trị về dược liệu. Chữ Linh (thảo) còn có hàm ý độc đáo của nó. Bởi trong các loài cỏ thơm thì cỏ Linh thuộc vào loại cỏ có giá trị, có thể được gọi là loại cỏ kì diệu, nên đặt tên cho con bạn bằng chữ Linh này rất lý tưởng.
Quang: Cũng như Minh, người ta thường dùng Quang với nghĩa là ánh sáng. Nhưng Quang còn là một loài cây (cây Báng). Đây là loại cây gỗ, lá xanh quanh năm, lá xít nhau hình lông vũ, quả hình dùi tròn, sinh trưởng tại vùng nhiệt đới. Là loài cây rất hữu ích: tủy trong cây có thể làm tinh bột và sơ trong vỏ cây có thể làm dây thừng.
Long: ngoài nghĩa là rồng mọi người vẫn quen dung, còn có ý nghĩa
là một loài thảo mộc. Dùng chữ Long (thảo) với nghĩa này cũng là một cách đặt tên
khác lạ.
Hương: Hương là một loài cỏ được ghi chép lại trong sách cổ, có
ý nghĩa giống như hương thơm. Hương thơm dùng để đặt tên đã khá phổ biến, giờ
đây việc dùng chữ hương (quê hương) để đặt tên cũng có ý nghĩa không kém.
Nam:
Nam Mộc là loại cây thân gỗ
lớn lá rụng, gốc tỉnh Vân Nam,
Trung Quốc. Lá cây hình bầu dục hoặc hình kim dài, mặt trên bóng mặt dưới có
lông mềm. Hoa tương đối nhỏ, màu xanh, quả mọng màu xanh đen. Gỗ cây Nam là
loại vật liệu xây dựng quý, ngày xưa thường được dùng làm cột cung điện. Dùng Nam
đặt tên là mong muốn con cao lớn, khỏe mạnh, kiên cường.
Phong: cây Phong là loài cây thân gỗ, lá rụng, lá mọc cách
mỗi đốt một lá, mùa thu lá biến màu đỏ, nở hoa vàng. Xưa nay có nhiều người vẫn
dùng Phong đặt tên với nghĩa là gió, tại sao bạn không thử đặt tên con mình với
nghĩa là cây!?
Còn rất nhiều những cái tên có ý nghĩa khác, hãy tìm hiểu thật kĩ trước khi đặt tên cho bé yêu. Tuy nhiên, đừng vì quá chú trọng đến vẻ đẹp và ý nghĩa của cái tên mà quên đi mất sự kết hợp hài hòa giữa tên với tên đệm và họ. Hãy duyệt lại một lần cuối cùng bằng cách đọc cả họ và tên xem có vần hay không, tránh những trúc trắc trong phát âm.
Để tình yêu và mong muốn được trọn vẹn, đừng chỉ đặt cho con một cái tên thật hay rồi bỏ đấy! Bên cạnh một cái tên đẹp, bé yêu còn cần một mái ấm gia đình và sự dạy bảo tận tình của cha mẹ.