Xử lý trẻ ăn vạ, khóc lóc sẽ "dễ ợt" nếu bố mẹ biết những biện pháp này
Những cơn tức giận của trẻ thường đi kèm với tiếng khóc lóc, ăn vạ hay hành động ném đồ đạc... Vậy làm thế nào để giúp trẻ bình tĩnh trở lại?
Hàng ngày, bố mẹ thường xuyên phải đối diện với những cơn tức giận, ăn vạ của trẻ mà đôi khi xuất phát từ những lý do, đòi hỏi vô lý. Những lúc như vậy bố mẹ nên bình tĩnh, không nóng vội mà trách mắng hay đòn roi để trừng phạt trẻ. Giữ nguyên giọng điệu và khuôn mặt không biểu hiện thái độ… sau đó, thử một trong những biện pháp dưới đây, bảo đảm bạn sẽ loại trừ những cơn tức giận hay hờn dỗi ở trẻ.
Cho trẻ thời gian để tĩnh tâm lại
Tất cả bố mẹ khi thấy trẻ tức giận thì nên cho trẻ một khoảng thời gian để suy nghĩ lại về mọi chuyện. Bố mẹ hãy tìm một địa điểm an toàn, yên tĩnh và cho trẻ đi tới đó hoặc để bé ở trong phòng riêng cũng là một giải pháp tốt. Hỗ trợ để giúp con bình tĩnh bằng cách ôm hôn, nói về hành vi và các lựa chọn thay thế tốt hơn. Hãy cho trẻ biết rằng mọi người đều mắc sai lầm và bố mẹ sẽ luôn ở bên con ngay cả khi con mắc sai lầm hay thành công.
Để trẻ ngồi một mình trong phòng và suy nghĩ (Ảnh minh họa).
Đánh lạc hướng của trẻ sang thứ khác
Thật khó để nói chuyện với trẻ khi chúng đang tức giận hay bị tổn thương. Thay vào đó, khi bố mẹ nhìn thấy một tình huống có vấn đề phát sinh, hãy thử đánh lạc hướng của trẻ trước khi điều nghiêm trọng xảy ra. Ví dụ trong trường hợp trẻ đang tranh giành đồ chơi với bé khác, bố mẹ nên giới thiệu một hoạt động khác trong công viên hay hướng sự tập trung của trẻ đến món đồ chơi khác…
Dành một phút để thiền
Thiền là một liệu pháp trấn an tinh thần khá phổ biến và rất tốt đã được khoa học cũng như nhiều chuyên gia công nhận. Điều này không phải là quá tồi khi áp dụng với trẻ. Bố mẹ hãy cân nhắc việc giúp trẻ bình tĩnh thông qua các bài thiền đơn giản hoặc tập thở. Từ từ đếm đến 10 hoặc 5 và hít thở sâu. Hãy nói với trẻ nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang ở một nơi nào đó đầy hứng thú. Bằng cách này, thay đổi suy nghĩ của một đứa trẻ tức giận thực sự đơn giản và nhanh chóng.
Thiền sẽ giúp cho trẻ tĩnh tâm lại và không còn quá suy nghĩ về điều khiến mình tức giận (Ảnh minh họa).
Pha trò cho trẻ cười
Trong lúc trẻ đang căng thẳng và nhăn nhó vì tức giận, bố mẹ hãy giúp con “hạ hỏa” bằng cách kể chuyện cười. Hãy biến mình thành một chú hề mua vui bằng cách làm khuôn mặt ngớ ngẩn, tạo một số âm thanh vui nhộn… Đó là một chiến thuật phân tâm khiến cho trẻ thay đổi suy nghĩ của mình để trở nên vui vẻ, thân thiện hơn.
Cho trẻ sự lựa chọn khác
Gợi ý cho trẻ một lựa chọn khác thay thế tích cực hơn (Ảnh minh họa).
Bố mẹ có thể tận dụng những lúc trẻ tức giận để giảng dạy về cách giải quyết vấn đề. Ví dụ, trẻ tủi thân và buồn vì không được mua một món đồ chơi yêu thích, bạn có thể mở ra một sự lựa chọn khác như: “Bố mẹ cho con mua một gói bánh hoặc quyển truyện nhé?”. Hay trẻ không muốn xem chương trình ti vi cùng anh chị, hãy đổi lại với trẻ lợi ích khác: “Con có thể đọc sách với mẹ hay chơi trò chơi cùng bố mà?”. Bằng cách cho con quyền lựa chọn những điều tốt hơn, bạn đang dạy cho trẻ cách tránh được những cảm xúc tiêu cực.
Rời khỏi tình huống có mặt trẻ
Nếu bố mẹ là một trong những tác nhân gây ra sự tức giận của trẻ, bố mẹ nên đi ra khỏi không gian của trẻ. Nhưng tuyệt đối phải đảm bảo rằng trẻ ở nơi an toàn, không tiếp xúc với nguồn điện, dao kéo… Không gian thoải mái bên ngoài sẽ cho bố mẹ cơ hội để bình tĩnh và tìm ra những cách giải quyết mềm dẻo với bé.
Nguồn: Popsugar