Vợ xin thêm 1 triệu đóng học phí cho con bị chồng mắng té tát, bình luận của người qua đường càng thêm chua chát
Người chồng này cho rằng, chỉ nên tiêu 7 triệu cho cả gia đình thôi, 10 triệu là quá nhiều.
Là bố mẹ, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất dành cho các con. Khi có con rồi thì ba mẹ mới hiểu rằng nuôi con khá tốn kém, nếu không có sự chuẩn bị vững chắc về mặt tài chính thì cuộc sống sẽ khó mà thuận lợi. Chi phí nuôi con nhỏ luôn là bài toán khó đối với nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là với phụ huynh sống tại các thành phố lớn, bởi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục ngày càng trở nên đắt đỏ.
Cũng chính vì điều này mà không ít gia đình xảy ra mâu thuẫn, cãi vã vì không cùng tiếng nói trong việc chi tiêu. Khi cả 2 không lên kế hoạch cho việc quản lý tài chính thì rất dễ nảy sinh những bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình.
Mới đây, một mẹ bỉm lên tâm sự với hội chị em về chuyện xin thêm 1 triệu đóng học cho con nhưng lại bị làm khó. Câu chuyện khiến nhiều ông bố, bà mẹ cũng phải suy ngẫm.
"Nhắn chồng gửi thêm 1 triệu đồng đóng học cho con. Chồng bảo: "Tháng nào cũng gửi cả gần chục triệu mà đi đâu hết. Vợ người ta vun vén dăm 7 triệu là thoải mái rồi!". Em xin bí quyết vén khéo chi tiêu dăm bảy triệu cho tất tần tật từ việc lo học hành con cái (2 đứa), ăn uống, cưới xin cho đến việc nhỏ như mua que tăm, lọ muối với ạ. Vì 1 câu nói của chồng mà em stress 3 ngày nay rồi. Cần thổi bay căng thẳng gấp", người vợ tâm sự.
Câu chuyện trên chưa rõ thực hư ra sao nhưng đã gây xôn xao khắp cộng đồng mẹ bỉm sữa. Chi tiêu trong gia đình là bài toán khó, nếu không có sự cân đối, thống nhất giữa 2 vợ chồng thì mâu thuẫn rất dễ xảy ra.
Có vẻ như người chồng mỗi tháng đã đưa cho vợ mình khoảng 10 triệu để lo tất tần tật từ A đến Z, thế nhưng khi vợ xin thêm thì ông chồng phản pháo rằng, nhà người khác có 7 triệu tiêu là đã thoải mái lắm rồi, đề nghị vợ cần phải xem xét lại cách chi tiêu.
Thế nhưng, khi đọc thêm một bình luận của một người qua đường, mọi người lại càng cảm thấy chua chát cho phận người mẹ bỉm ở nhà chăm con, phải sống dựa vào kinh tế từ chồng. Người này nói: "Thế bà vợ không đi làm gì à?".
Bình luận trên khiến nhiều người phải suy ngẫm về chuyện công bằng - bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc chăm sóc con cái, kiếm tiền chi tiêu. Phải chăng, người vợ đang nghỉ sinh không đi làm, phụ thuộc kinh tế vào chồng thì chồng được quyền coi thường vợ?
Tâm lý của các mẹ ở nhà chăm con, phải phụ thuộc kinh tế
Trên hành trình làm mẹ, những người phụ nữ chọn ở nhà chăm sóc con thường trải qua một loạt cảm xúc hết sức phức tạp. Niềm hạnh phúc vô bờ khi được gắn bó, chăm sóc và nhìn thấy từng bước trưởng thành của con cái là điều không gì sánh kịp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng không tránh khỏi những nỗi lo âu và sự không chắc chắn về mặt tài chính. Việc không có nguồn thu nhập riêng biệt, không thể tự mình quyết định về các vấn đề kinh tế đôi khi khiến họ cảm thấy mình đang phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác của mình, điều này có thể làm giảm lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân họ.
Sự thiếu hụt trong khả năng đóng góp tài chính cho gia đình là nguồn gốc của nhiều suy nghĩ tiêu cực và mặc cảm. Họ thường tự hỏi liệu có nên tiếp tục tình trạng này hay không, liệu họ có nên tìm kiếm công việc để cải thiện tình hình tài chính hay không, và những suy nghĩ này có thể tạo ra áp lực tâm lý không nhỏ. Tuy nhiên, giữa những lúc suy tư và đấu tranh tâm lý ấy, nhiều người mẹ vẫn tìm thấy niềm vui không gì có thể thay thế trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái của mình.
Những người mẹ đều hiểu rằng, tầm quan trọng của việc nuôi dạy con không thể đong đếm bằng tiền bạc. Thế nhưng, họ cần nhất là sự thông cảm, đồng hành, thấu hiểu từ những người xung quanh, gia đình và đặc biệt là chồng. Nếu người chồng luôn quan tâm, động viên vợ thì hành trình này sẽ trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng cũng cần ngồi lại, bàn bạc kĩ lưỡng về việc chi tiêu trong thời gian nghỉ sinh sao cho hợp lý, tránh mâu thuẫn.
Cả vợ và chồng đều nên có trách nhiệm trong việc cân bằng kinh tế - chăm sóc gia đình
Trong hầu hết các gia đình ở Việt Nam, người vợ thường đứng ra đảm nhận chi tiêu trong nhà. Những chị em đã làm công việc này đều nắm rõ việc cân đo, đong đếm từng củ hành, gói muối không hề đơn giản. Chưa kể những tháng con ốm, đau, ma chay, hiếu hỉ... lại phải bỏ ra thêm một khoản nữa.
Biết rằng mỗi nhà đều có điều kiện và hoàn cảnh không giống nhau, số tiền bỏ ra cho mỗi tháng cũng phụ thuộc vào công việc, học hành và nhiều thứ khác... nhưng câu chuyện ở đây là cách vợ chồng cùng nhau lên kế hoạch, cùng nhau quản lý, xem xét chứ không phải là trách móc hay đổ lỗi cho nhau.
Đa số mọi người đều khuyên rằng hai vợ chồng cần ngồi lại bàn bạc, viết các khoản chi tiêu trong tháng ra một cuốn sổ. Tháng nào có việc phát sinh cần báo cho nhau để có thời gian chuẩn bị thêm. Hơn nữa, thái độ khi nói chuyện cũng rất quan trọng, là hợp tác, cùng nhau cố gắng vì con cái, gia đình chứ không phải là trách móc hay đay nghiến nhau.
Câu chuyện như trên có lẽ xảy ra ở không ít gia đình, nhất là những nhà có kinh tế khá eo hẹp, chỉ đủ ăn không có dư. Hơn nữa trong giai đoạn 6 tháng khi vợ không có lương, người chồng sẽ bị áp lực nhiều hơn. Đó cũng là lý do cả 2 vợ chồng phải chi tiêu sao cho hợp lý, còn để dành khi đau ốm, con cái, cưới xin và nhiều công việc khác.
Tuy nhiên, dân mạng cho rằng đúng là kinh tế quan trọng nhưng thái độ ứng xử của người chồng còn quan trọng hơn. Cũng là từng ấy tiền nhưng cách nói chuyện của chồng như vậy rất dễ khiến người vợ bị tổn thương, đau lòng. Cả 2 đều có trách nhiệm trong việc xây dựng kinh tế gia đình.
Câu chuyện cũng khiến nhiều chị em xót xa, dặn nhau cần phải có kinh tế vững chắc trước khi quyết định sinh con. Hơn nữa, vợ hay chồng cũng đều cùng nhau làm kinh tế, cùng chăm sóc gia đình thì tổ ấm mới vẹn tròn, hạnh phúc.