Bí quyết nuôi dạy con:

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị

Nhã Đan,
Chia sẻ

Nhàn tênh khi nuôi 3 con, sử dụng đòn roi có nguyên tắc, luôn tôn trọng con... và nhiều những bí quyết dạy con cực hay sẽ được bà mẹ thú vị này "bật mí".

 Profile gia đình:

Tên bố: Hoàng Anh Tú

Tên mẹ: Nguyễn Lê Trang

Tên bé thứ 1: Hoàng Gia Bách - 7 tuổi

Tên bé thứ 2: Hoàng Trà My - 6 tuổi

Tên bé thứ 3: Hoàng Phương Nguyên - 2 tuổi


Với Lê Trang, chăm sóc và nuôi dạy 3 đứa con chưa bao giờ khiến chị thấy mình bị quá tải. Vợ chồng chị đều cho rằng "nói chuyện nhiều hơn với con" là chìa khóa để hiểu con, làm người bạn lớn của con.

Nhàn tênh vì có các bà "nghiện cháu" và chồng "nghiện con"

- Bận bịu với ba nhóc tì, việc chăm sóc gia đình, công việc kinh doanh,... có lúc nào Lê Trang thấy mình bị quá tải không?

Hầu như ai cũng hỏi câu ấy khi biết tôi có 3 bé. Nếu tôi trả lời là “Không” chắc hẳn mọi người đều nghĩ tôi là một “nữ cường nhân” nhưng thật đấy, tôi chưa thấy quá tải. Có chăng chỉ là lúc cả nhà đi đâu mà phải chất chồng lên 1 cái xe máy thì lúc đó công nhận là quá tải thật! (cười).

Việc chăm sóc 1 hay 3 bé thực ra cũng chỉ từng đó công đoạn, thời gian. Và quan trọng hơn cả là tôi còn có hậu phương vững chắc là bà nội, bà ngoại, đặc biệt là ông chồng “nghiện con” nữa. Các bà còn “xúi giục” tôi đẻ thêm nữa chứ! Các bà đều “nghiện cháu” vô cùng, toàn "giành giật" trông 3 đứa thôi. Có hôm bà còn nói dối là chúng ngủ rồi để hai vợ chồng khỏi phải đón chúng về.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 1
Gia đình chị Lê Trang

- Mình để ý thấy các bé rất yêu thương, đoàn kết nhau, chơi với nhau chẳng thấy chí chóe, mắng mỏ nhau. Bí quyết dạy con của vợ chồng Lê Trang là gì?

Từ nhỏ đến lớn việc dạy dỗ 3 bé đều là việc chung của không chỉ tôi mà còn là của bố chúng và hai bà. Có những nguyên tắc bất di bất dịch về lễ phép mà các con nên nghe theo là không mè nheo đòi hỏi hay nằm lăn ra đất ăn vạ, còn lại là sự tự do trong khuôn khổ.

Bé Gia Bách anh cả thì rất người lớn, già dặn. Vẫn thường là “cảnh sát” trong việc uốn nắn các em. Bé Trà My thì thích dọn dẹp đồ đạc và giúp mẹ, đặc biệt là rất thích được trông em. Còn bé út Phương Nguyên thì mới hơn 2 tuổi nên chưa làm được gì nhưng cũng rất ngoan.

Ở nhà tôi, cả 3 bé đều được yêu cầu rất cao về sự phân công nhiệm vụ cũng như nhường nhịn lẫn nhau. Chưa bao giờ chúng dám vung tay vung chân lên với nhau hay có những hành động bạo lực khác. Bởi đó là những thứ mà bố mẹ và các bà nghiêm cấm tuyệt đối.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 2
Ba anh chị em Gia Bách - Trà My - Phương Nguyên

Có thể là do tính cách của các cháu hoặc cũng có thể do cách giáo dục của gia đình. Ở nhà, chúng tôi luôn dành nhiều thời gian cho 3 con. Tôi nghĩ đó chính là chìa khóa: Hãy nói chuyện với con cái nhiều hơn. Dạy các bé về sự yêu thương, tình cảm gia đình. Luôn kể cho các con nghe việc chúng hồi bé thế nào (đôi khi là bịa chuyện ra hồi nhỏ chúng yêu thương nhau thế nào) để khuyến khích chúng làm lại điều đó.

Dạy các con đôi tay để ôm nhau chứ không phải để đánh nhau. Mắt để nhìn thấy những điều mà anh chị hay các em đã làm cho mình. Miệng để nói những lời yêu thương chứ không phải để trách mắng nhau… Tôi may mắn khi có chồng là nhà văn- nhà báo với thâm niên gần 20 năm làm anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò. Thế nên, những việc mang tính “sáng tác” thế này thì đó là nghề của chàng rồi! (Cười)

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 3

- Bạn cho rằng, nói chuyện với con cái nhiều hơn chính là chìa khóa giúp các con ngoan ngoãn, tình cảm, có trách nhiệm, thích đi học, tự tin, biết giúp bố mẹ nhiều việc?

Đúng vậy, hãy coi việc nói chuyện với con cái như là cơm ăn nước uống hàng ngày. Hãy luôn trò chuyện với chúng. Mỗi khi vợ chồng tôi quyết định điều gì đều nói chuyện với con. Từ việc mua ô tô, bán ô tô, mở nhà hàng hải sản, xây nhà, sửa nhà… chúng tôi đều nói chuyện với các con và cho các con được quyền tham gia nói lên suy nghĩ của mình.

Ví dụ như nhờ có việc để con tham gia góp ý vào kế hoạch kinh doanh nhà hàng, các cháu Gia Bách và Trà My đã đóng góp rất nhiều ý tưởng hay: Một nhà bóng mini cho các bạn nhỏ đến nhà hàng; những món đồ chơi miễn phí tặng các em bé đến nhà hàng... Hai đứa nhỏ còn đi cùng bố ra chợ mua đồ chơi, chọn đồ chơi và bố chỉ việc trả tiền. Đồ nào con chọn là y như rằng các bé khác thích đồ đó. Chưa kể việc hai đứa góp ý rất nhiều trong các việc hàng ngày ở nhà. Tóm lại, bí quyết của chúng tôi đó là: Hãy cho con một vị trí, con cái sẽ cho cha mẹ một tự hào.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 4

- “Làm anh khó lắm phải đâu chuyện đùa”, anh Gia Bách đã thể hiện là một người anh trai gương mẫu của hai em nhỏ như thế nào?

Gia Bách (tên ở nhà là Pi), 7 tuổi, bé đã biết tự tắm, tự ăn, tự ngủ phòng riêng. Thay mặt bố mẹ trông các em hoặc chơi cùng các em. Pi như một ông già vậy. Ở nhà mọi người đều bảo anh Bách là cảnh sát vì luôn để ý các em. Em nào cho tay vào miệng hoặc có những hành động gây nguy hiểm là anh Bách sẽ tuýt còi ngay. (Cười)

Bên cạnh đó, Trà My 6 tuổi thì rất hay phụ giúp mẹ, bé thích trông em và luôn tự làm stylist cho bản thân và cho cả anh Bách lẫn em Nguyên. Thi thoảng còn làm stylist cho bố mẹ nữa. Phương Nguyên 2 tuổi nên mới chỉ biết cho rác vào thùng thôi. 2 đứa lớn đã ngủ riêng và tự décor phòng của chúng.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 5

- Thường vào tầm tuổi của Gia Bách và Trà My, nhiều bé sẽ được bố mẹ cho đi học hè như võ, vẽ, toán, tiếng Anh, với mong muốn sau này con thành thần đồng, quan điểm của Trang thì như thế nào?

Nghỉ hè, tôi không cho các cháu đi học thêm mà cho ở nhà đọc sách, cùng bố đi thăm bảo tàng hoặc đi khám phá phố phường. Tôi nghĩ như vậy các cháu sẽ học được nhiều hơn là những giờ học thêm ở lớp. Tôi với chồng mình luôn thống nhất với nhau rằng chúng ta không cần con trở thành thần đồng. Điều mà chúng tôi muốn ở các cháu là sự tự tin - dám nói lên chính kiến của mình và tận hưởng một tuổi thơ tuyệt vời.

Việc bắt con mình làm một điều gì đó mà chúng không thích thực sự là một điều khó với vợ chồng tôi. Nhất là 2 đứa nó luôn thẳng thắn nói với bố mẹ điều chúng thích và không thích.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 6

Tôi không dám nói là đã dạy con giỏi hơn ai cả. Tôi chỉ thấy rằng việc dạy con trước tiên hãy trở thành bạn thân của con. Cho con được quyền nói lên suy nghĩ của chúng. Tạo sự dân chủ trong nhà, định hướng chứ không áp đặt, uốn nắn chứ không bắt buộc. Một khi trẻ thấy được tôn trọng, chúng sẽ tuân thủ để giữ sự tôn trọng đó.

Để chúng làm điều chúng thích nhưng cũng phải khiến chúng thích những việc chúng làm. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi luôn biến mọi thứ thành trò chơi để kích thích lũ trẻ tham gia. Từ việc phụ bố mẹ đến việc học hành, tất cả đều là những trò chơi.

Trẻ con thì mê các trò chơi và chúng ta là những người sản xuất ra các trò chơi. Ví dụ như việc viết thư cho 2 đứa nó để kích thích việc đọc của chúng, tạo ra các bài trắc nghiệm để kích thích chúng viết ra điều chúng muốn. Với Phương Nguyên thì là trò nhận biết ví dụ như đố con tìm ra quả bóng màu đỏ, màu xanh, màu vàng và ném trúng quả bóng đó vào một cái rổ chẳng hạn. Những trò chơi này khiến 3 đứa nó thích thú lắm.

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 7

Trước khi mắng con: bố mẹ nên nghĩ cho kỹ

- Bạn nghĩ thế nào về việc dạy con bằng roi vọt?

Tôi không phản đối việc dùng roi vọt nhưng cũng không ủng hộ. Nhà tôi, việc dùng roi vọt mang tính “nghi lễ” nhiều hơn. Tức là việc con làm sai và phải chịu phạt bằng roi luôn minh bạch, chậm rãi, đủ để con ngấm điều đó và cũng chỉ cực kỳ hãn hữu. Tôi sợ những cha mẹ dùng đòn roi như trút giận chứ không phải để cho con nhận thức đúng sai.

Giống như các phiên tòa, luôn xử công minh và theo lộ trình thay vì ngay lập tức tung roi. Ví dụ như lần 1 nhắc nhở, lần 2 cảnh cáo, lần 3 mới là ăn roi. Nhưng để ăn roi thì cần 1 phiên tòa xử rõ ràng, hình phạt được áp dụng cũng tuần tự, chậm chạp để chúng nhận thức thấy rõ chúng sai ở đâu và bị xử như thế nào. Và đó là lý do mà lần gần đây nhất Pi bị phạt roi khi 3 tuổi và My cũng vậy: 2 tuổi rưỡi. Từ đó đến nay 2 đứa chưa từng bị ăn roi lại lần nào.

Trước khi đánh hay mắng con, các bậc cha mẹ nên chậm lại 1 nhịp, nghĩ cho kỹ: Việc mắng con là để cho bản thân hay cho các bé? Việc đánh mắng này sẽ giúp con ngoan lên hay chỉ thỏa mãn cơn bực lúc này? Việc đánh mắng ấy nên làm thế nào để lần sau không phải làm lại nữa? Việc đánh mắng ấy có thực sự cần thiết hay không?

Một trong những thứ đáng sợ nữa trong việc dạy con theo tôi đó là tạo áp lực cho con kiểu con làm thế là không thương bố mẹ, làm vậy bố mẹ sẽ chết hay bố mẹ không muốn có con nữa… Tôi sợ cái kiểu đó hơn cả việc đánh đòn con, tôi nghĩ điều đó khiến con cái bị tổn thương chứ chẳng giúp con khôn lớn được!

Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 8
Bé Gia Bách và bé Trà My

- Vợ chồng bạn định hướng cho 3 bé sau này sẽ trở thành những người như thế nào?

Tôi luôn muốn 3 đứa sau này đủ tự lập để hai vợ chồng về già có thể yên tâm đi du lịch khắp nơi! Thực sự, việc chúng sẽ là người thế nào thì hãy để chúng lựa chọn đi! Đừng tham gia. Chỉ khi trở thành những người xấu thì chúng ta mới cần phải tác động thôi. Bởi mỗi con người khi sinh ra đều có quyền tự quyết định cuộc đời của mình. Đừng bắt các con phải thực hiện những giấc mơ của bố mẹ.

- Cảm ơn Lê Trang với những bí quyết chăm sóc, nuôi dạy con rất thú vị này! Chúc ba em bé ăn ngoan, học giỏi, khỏe mạnh.



Sau nhiều lần "chinh chiến" với mũi con, chị có trong tay kha khá kinh nghiệm, chị chia sẻ một trong những bí quyết để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bé đó là xông hơi.
Vợ anh Chánh Văn chia sẻ nhiều bí quyết dạy con cực thú vị 9
Chia sẻ