Việt Nam đang "loạn" trường học mang danh "quốc tế"?
Do chưa có quy định đáp ứng những tiêu chí nào thì được gọi là trường "quốc tế" nên hiện nay, không ít trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã "tự phong" danh hiệu "quốc tế" hoặc danh hiệu tương đương cho trường của mình như: "quốc tế","Liên cấp quốc tế", "phổ thông quốc tế", "quốc tế đa cấp"…
Trong những trường gắn danh "quốc tế" có nhiều hệ học khác nhau để phụ huynh lựa chọn. Thường là phụ huynh sẽ lựa chọn chương trình học theo chương trình của Bộ GD&ĐT là tăng cường tiết tiếng Anh và kỹ năng sống, các lớp ngoại khóa để tạo nên sự khác biệt với các trường bình thường.
Một hệ khác, thường là hệ song ngữ hoặc hệ quốc tế sẽ dạy số lượng tiết tiếng Anh nhiều hơn hẳn. Ngoài ra, dạy một số môn học bằng tiếng Anh như Toán, khoa học.
Hệ song ngữ, hệ quốc tế thường thu tiền cao hơn hẳn so với các hệ khác nhưng được nhiều cha mẹ lựa chọn, do mong muốn con mình được học theo hướng hội nhập nhiều hơn.
Có lẽ, đây cũng là điểm mạnh của trường tư thục và là lý do chính khiến không ít trường quyết định gắn thêm chữ quốc tế vào thương hiệu của mình.
Trường Goldbal tại KĐT mới Yên Hoà gắn danh "quốc tế" - nơi được giới thiệu là ngôi trường đào tạo liên cấp từ mầm non đến phổ thông mang đến cho các em học sinh sự phát triển toàn diện.
Mặc dù khái niệm trường quốc tế đã quá quen thuộc với nhiều bậc phụ huynh nhưng nếu lên mạng để tìm từ khóa là chuẩn "quốc tế", thì sẽ không thấy một kết quả nào định nghĩa thế nào là trường quốc tế.
Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng bấy lâu nay, hàng ngàn gia đình vẫn đặt niềm tin vào những cơ sở giáo dục có mang danh "quốc tế", mặc dù không thể biết giá trị thật của nó như thế nào.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, có thể kể tên một số trường "gắn" danh "quốc tế" đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, như sau: Trường Quốc tế Đa cấp Anh Việt Hoàng Gia (Thanh Xuân); Trường Phổ thông Song nghữ liên cấp WellSpring Hà Nội (Long Biên); Trường phổ thông Việt – Úc Hà Nội (KĐT Mỹ Đình 1);
Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Nơi đây được giới thiệu, các chương trình giảng dạy sẽ nuôi dưỡng những kỹ năng và phẩm chất cần thiết, thúc đẩy khả năng đóng góp khác biệt và tích cực đối với thế giới sau này.
Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (KĐT Dương Nội, Hà Đông); Trường Quốc tế Nhật Bản (Vạn Phúc, Hà Đông); Trường song ngữ Quốc tế Hanoi Academy (Phú Thượng, Tây Hồ); Trường Quốc tế Newton (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm); Trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel (Đống Đa); THCS – THPT Quốc tế Thăng Long (Hoàng Mai); Hanoi International School – HIS (Cống Vị, Ba Đình); Trường mầm non Quốc tế Winston (quận Nam Từ Liêm); Trường mầm non Quốc tế Pink House (quận Nam Từ Liêm); trường mầm non Quốc tế Nce (quận Bắc Từ Liêm)…
Riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy, có trường Quốc tế Goldbal; Trường song ngữ liên cấp quốc tế Gateway Hà Nội; Trường Archimedes Academy…
Trường Quốc tế Newton "dính" các nghi vấn là cơ sở giáo dục hợp tác với trường "ma" ở Mỹ.
Trước đó, trường Quốc tế Newton "dính" các nghi vấn là cơ sở giáo dục hợp tác với trường "ma" ở Mỹ; không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển và thu tiền đặt cọc hàng trăm học sinh; xây dựng trường khi chưa được cấp giấy phép xây dựng; đưa trường học vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Dù vậy, không thể phủ nhận những ngôi trường tạo môi trường học tập tiếp cận quốc tế sẽ mang lại cho học sinh sự tự tin, tự lập và giao tiếp tốt, nhất là khả năng ngoại ngữ.
Trường Quốc tế Hà Nội nằm trên địa bàn quận Ba Đình, có hai cấp học là Tiểu học và Trung học cơ sở.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Lê Văn Tân (54 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) thẳng thắn: "Thay vì chúng ta cứ cố gắng gắn danh "quốc tế" cho những ngôi trường để thu hút học sinh, thì cứ hãy làm tốt việc giảng dạy, nâng cao sự chuyên nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh giống như nhiều ngôi trường quốc tế khác trên thế giới, thì "hữu xạ" sẽ "tự nhiên hương"".
Còn ý kiến của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, tên gọi "trường quốc tế" hiện nay đang được "lạm dụng", hầu hết đều do nhà trường tự đặt tên, "kiểu cha mẹ đặt tên cho con trong giấy khai sinh" để thu hút phụ huynh, học sinh với mức học phí rất cao. Việc này cũng khiến các bậc phụ huynh ngộ nhận rằng chính con mình đang được học trường quốc tế nên không ngại đầu tư.
Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) – nơi vừa xảy ra vụ việc đau lòng có bé trai lớp 1 tử vong do sự tắc trách của người lớn, khiến không chỉ người gia đình, người thân mà cả xã hội đau xót, phẫn nộ, giận giữ.
Phẫn nộ bởi sự việc đau lòng ấy lại xảy ra tại một ngôi trường mang danh quốc tế, nơi mà phụ huynh phải chi trả khoản học phí cho con là 170.000.000 đồng/năm.
Một con số không hề nhỏ đối với những đối tượng là cán bộ, nhân viên đang được hưởng bậc lương theo quy định hiện hành. Còn đối với những công nhân lao động nghèo, sẽ mãi là một giấc mơ khi đề cập đến mức học phí của ngôi trường mang tên gọi "quốc tế" nói trên.