Chưa có quy định về trường quốc tế, vậy những trường đang gắn mác quốc tế là trường như thế nào?
Trường quốc tế không phục vụ chủ yếu cho các đối tượng học sinh là công dân của nước sở tại. Trong khi đó, các trường mang yếu tố nước ngoài lại đang gắn mác quốc tế rất nhiều ở Việt Nam.
Chưa có quy định về "trường quốc tế"
Vụ bé trai học lớp 1 tại trường Quốc tế Gateway tử vong trên xe đưa đón khiến nhiều cha mẹ hoang mang về tiêu chuẩn chất lượng của các trường có tên "quốc tế".
Tại Hà Nội có rất nhiều trường "quốc tế" được thành lập. Các trường tự giới thiệu có chương trình học Anh, Mỹ, Úc, Canada..., cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên nước ngoài với mức học phí cao ngất. Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là những trường mang yếu tố nước ngoài.
Trường Quốc tế Gateway đã để xảy ra vụ quên học sinh trên xe đưa đón.
Trong buổi họp báo sau khi trường Gateway xảy ra sự cố để quên học sinh trên xe buýt, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng khẳng định: "Trong quy định không có trường nào là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh".
Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm:
- Trường công lập: Do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
- Trường dân lập: Do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.
- Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.
Có 2 loại hình trường quốc tế tại Việt Nam
Mặc dù không có quy định chuẩn nhưng thực tế ở Việt Nam tồn tại 2 dạng trường quốc tế:
Loại đúng chuẩn quốc tế là có 100% vốn nước ngoài, dạy cho con em người nước ngoài. Những trường này do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam để dạy cho con em cán bộ ngoại giao của họ (khống chế tỷ lệ học sinh Việt Nam). Những trường này dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, bằng cấp nước ngoài.
Loại thứ hai cũng có tên quốc tế, đó là các trường tư thục. Nhiều trường trong số này sử dụng phần lớn chương trình, giáo viên nước ngoài cũng như phương pháp giảng dạy của đối tác nước ngoài; hoặc chương trình do những tổ chức giáo dục được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới kiểm định. Bằng cấp của học sinh nhận được ngoài bằng của Việt Nam, có thể thêm một bằng nếu là song bằng.
Ở Việt Nam tồn tại 2 dạng trường quốc tế và rất nhiều trường gắn mác quốc tế. Về việc tên trường có chữ "quốc tế" chỉ là do cách đặt tên.
Ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ trên Vietnamnet: "Trường quốc tế" là một khái niệm phức tạp. Trước đây, việc phân biệt "trường quốc tế" dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó Chương trình phải chương trình quốc tế; Người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch.
Tuy nhiên bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng", có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư.
Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, tại Điều 29, đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức trường được quy định:
Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.
Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học…
Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…
Sau khi trường quốc tế Gateway để xảy ra vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón và trường bị phát hiện chưa được cấp phép trường quốc tế, ngày 8/8, trong chương trình thanh, kiểm tra tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.