Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội,
Chia sẻ

Có tới 82% những bệnh nhân có biểu hiện viêm tai giữa xuất hiện nhiều lần thực chất là điều trị chưa dứt điểm. Viêm tai giữa ở trẻ em tái phát cũng có thể do dị ứng thực phẩm hoặc do trào ngược dạ dày.

Theo thống kê của chúng tôi, câu hỏi mà các bác sĩ hay gặp nhất là: Tại sao con tôi cứ bị viêm tai giữa nhiều lần như vậy?

Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm? - Ảnh 1.

Tình trạng viêm tai giữa tái phát ở trẻ nhỏ khá phổ biến

Đây là một câu hỏi rất khó với các bác sĩ Tai Mũi Họng, chính vì thế mà người ta đã tiến hành nghiên cứu trên những bệnh nhân có tần xuất được chẩn đoán xác định viêm tai giữa ít nhất 2 lần trong 4 tuần. Những bệnh nhân trong nhóm này được hẹn khám theo quy trình vào ngày thứ 3, ngày thứ 5, ngày thứ 9, ngày thứ 11, ngày thứ 28 và ngày thứ 30.

Kết quả tổng kết chính là câu trả lời: 82% những bệnh nhân có biểu hiện viêm tai giữa xuất hiện nhiều lần thực chất là điều trị chưa dứt điểm.

Nhiều bậc cha mẹ hay người chăm sóc trẻ có suy nghĩ kháng sinh là thuốc rất nguy hại và chỉ dùng 5-7 ngày, nên khi trẻ có biểu hiện giảm triệu chứng là lập tức họ dừng thuốc mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ hay thăm khám lại. Trong những trường hợp chưa diệt được vi khuẩn trong tai giữa, vi khuẩn sẽ phục hồi sinh lực, thậm chí còn mạnh mẽ hơn do kháng thuốc. Về điều trị kháng sinh trong viêm tai giữa, trung bình sẽ sử dụng 2-3 tuần, trong một số trường hợp đặc biệt do các chủng vi khuẩn cũng như độc tính của vi khuẩn mà có thể sử dụng tới 8 tuần.

Một nguyên nhân khác là do thói quen chưa phù hợp: thường xuyên bơm rửa nước muối vào mũi và xì mũi. Thói quen này sẽ đẩy dịch mũi lẫn vi khuẩn gây bệnh vào trong xoang và tai giữa. Từ nguyên nhân này trong tai giữa có thể xuất hiện thêm những chủng vi khuẩn mới và không phù hợp với nhóm kháng sinh đang sử dụng.

Các chủng vi khuẩn hay gặp gây viêm mũi họng và viêm tai giữa thường gặp theo tần xuất là: Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenzae, Branhamella catarrhalis, Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes (nhóm A).

Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm? - Ảnh 2.

Hình ảnh tai giữa bình thường và tai giữa viêm

Viêm tai giữa tái phát nhiều đợt có thể là do những lần nhiễm viêm mũi họng mới của người bệnh đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng, trẻ suy dinh dưỡng quá gần. Từ vùng họng mũi, vi khuẩn sẽ vào tai giữa tiếp tục gây viêm tai giữa.

Vì thế ở trẻ đang viêm tai giữa dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ suy dinh dưỡng, bác sĩ khuyến cáo không cho trẻ đi tới những nơi đông đúc như siêu thị, công viên...

Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm? - Ảnh 3.

Cần tìm cách tránh cho trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn

Viêm tai giữa tái phát cũng có thể do dị ứng thực phẩm: có khoảng 5% trẻ dị ứng với thực phẩm thể hiện bằng những đợt viêm mũi họng tái diễn. Trong những trường hợp này, người chăm sóc trẻ mới là người phát hiện được để tránh. Nếu thực hiện được tránh các thực phẩm gây dị ứng, tần xuất viêm mũi họng và viêm tai giữa sẽ giảm hẳn.

Viêm tai giữa ở trẻ em: Chưa khỏi hay bị tái nhiễm? - Ảnh 4.

Dị ứng thực phẩm cũng có thể gây viêm tai giữa

Một nguyên nhân ít gặp hơn là viêm tai giữa ở những trẻ dưới 6 tháng do trào ngược. Biểu hiện ở những trẻ này là tần số nôn trớ rất nhiều. Vì vậy cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phải lưu ý tư thế khi cho ăn (ví dụ nên để trẻ nằm nghiêng khi bú hoặc thay đổi bên khi bú, giảm lượng mỗi bữa ăn...), qua đó cũng giảm được tần xuất viêm tai giữa.

Chia sẻ