Vì sao phải tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ?
Số ca mắc sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, điều đáng lo là số trẻ gặp phải các biến chứng nặng đều là do cha mẹ chưa cho con đi tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ liều.
Trường hợp bé gái 4 tuổi tại Hà Nội bị tử vong do sởi với nhiều biến chứng nặng thực sự là lời cảnh báo đau lòng khi trẻ không được tiêm phòng bệnh. Không chỉ có những biểu hiện thông thường, sởi còn gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi, viêm não, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
BS Nguyễn Văn Thành- Trung tâm Tiêm chủng – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi trẻ không được tiêm vaccine, hệ miễn dịch của trẻ sẽ bị virus sởi tấn công và khiến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ bị đe dọa.
“Một số phụ huynh lo lắng về tác dụng phụ của vaccine. Tuy nhiên, đây là loại vaccine đã được sử dụng an toàn trên thế giới hàng chục năm qua và là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Các phản ứng sau tiêm chỉ là sốt nhẹ hoặc sưng đau chỗ tiêm. Vì thế các cha mẹ không nên bỏ qua các mũi tiêm sởi, điều này giúp bảo vệ sức khỏe của bé và tránh bùng phát dịch tại cộng đồng”- BS Thành khẳng định.
Những ngày gần đây, số ca mắc sởi tại Hà Nội đang diễn biến khá phức tạp. Theo Trung tâm phòng chống bệnh tật Hà Nội, 2 tuần qua, mỗi tuần trung bình có khoảng từ 130-180 ca mắc sởi.
Hiện số lượng các bệnh nhân sởi đến khám và điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội và một số địa phương đang khá đông.
Con trai Phúc Nguyên 5 tuổi của chị Nguyễn Thu Trang sống tại quận Cầu Giấy, HN đã hơn 21 ngày nằm viện. Tình trạng sức khỏe của con trai những ngày đầu nhập viện khiến chị lo lắng rất nhiều
“Con quấy khóc, bỏ ăn, nôn khan nhiều, yếu mệt, BS cho nhập viện để truyền nước chứ cháu nôn khan. Quá trình sốt thì sốt rất cao 40-41 độ”- chị Trang nói.
Sau 5 ngày sốt, bé Phúc Nguyên rơi vào tình trạng khó thở do biến chứng viêm phổi. 3 ngày tiếp theo, bé phải thở oxy kèm với truyền kháng sinh và nước. Những ngày chăm con ở viện, chị Thu Trang lúc nào cũng thấp thỏm không yên, chỉ sợ con gặp phải tình huống nguy hiểm do bé chưa tiêm vaccine.
“Em chưa dám tiêm mũi nào cho cháu vì em hiếm muộn 8 năm, cháu lại sinh non, đề kháng yếu, em sợ không dám cho cháu tiêm vaccine vì chưa yên tâm”- chị Trang cho hay.
Cùng con trải qua những biến chứng của bệnh sởi chị Trang cảm thấy rất hối hận, giá mà trước đây, chị nhận thức về tiêm phòng đầy đủ hơn, trong đó có tiêm phòng bệnh sởi thì bé Nguyên đã không phải trải qua những trận ốm nặng như vừa rồi.
Chị Lê Bích Vân, sống tại quận Cầu Giấy, HN cho biết, bé Quỳnh Chi- 7 tháng tuổi con gái chị cũng đã nằm viện điều trị 4 hôm vì sởi. Và cũng như những trường hợp các bé phải nhập viện vì biến chứng nặng, chị Vân cũng chưa cho bé Chi đi tiêm phòng bệnh sởi.

Trẻ dễ gặp biến chứng nặng khi mắc sởi nếu cơ thể không có miễn dịch
Bộ Y tế đã đưa ra nhận định, trong khi sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã bảo đảm cung ứng đủ vaccine sởi, sởi-rubella trong năm 2025. Vì thế các cha mẹ nên sớm cho con đi tiêm phòng đầy đủ, bởi theo BS Nguyễn Văn Thành- Trung tâm Tiêm chủng – Trường Đại học Y Hà Nội, đây là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh hiệu quả cho các bé.
Trước diễn biến khó lường của dịch sởi năm nay – cũng là sự quay trở lại theo chu kỳ 5 năm của dịch sởi, Bộ Y tế yêu cầu trẻ từ 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng thay vì phải đủ 9 tháng so với trước đây.
“Trong bối cảnh dịch sởi gia tăng như hiện nay, mũi tiêm cho trẻ từ 6 tháng là một biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ trước những biến chứng nặng. Mũi tiêm này không thay thế cho mũi tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi bởi vì tiêm vaccine sớm sẽ chỉ duy trì miễn dịch tạm thời. Vì thế, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, cha mẹ cần tiếp tục cho con đi tiêm mũi vaccine phòng bệnh sởi và sau đó tiêm nhắc lại vào 18 tháng tuổi để đảm bảo miễn dịch bền vững”- BS Nguyễn Văn Thành lý giải.

Trẻ cần được tiêm vaccine sởi đúng lịch và đủ liều để phòng tránh mắc bệnh
Không ít cha mẹ băn khoăn với câu hỏi, nếu trẻ không may bị mắc sởi ngay trước thời gian tiêm mũi nhắc lại, các cha mẹ có cần phải cho trẻ đi tiêm mũi nhắc lại đó không? BS Nguyễn Văn Thành cho biết, nếu trẻ đã mắc sởi, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch tự nhiên với virus sởi. Miễn dịch này bảo vệ lâu dài, thậm chí suốt đời. Vì vậy, trẻ không cần tiêm mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, BS Thành nhấn mạnh, miễn dịch sẽ chỉ phát huy tác dụng khi trẻ đã được chẩn đoán chính xác dương tính với virus sởi, còn nếu trẻ chưa thực sự mắc sởi thì việc tiêm phòng vẫn phải được thực hiện đầy đủ.
BS Nguyễn Văn Thành cũng lưu ý: “Quan điểm “trẻ đã mắc sởi thì không cần phải tiêm vaccine nữa” tuy đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu được xét nghiệm chẩn đoán mắc sởi, trẻ không cần tiêm vaccine phòng bệnh sởi đơn lẻ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ không cần tiêm vaccine phối hợp như Sởi- Quai bị- Rubella (MMR). Vaccine MMR bảo vệ trẻ chống lại hai bệnh truyền nhiễm có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai sau này. Vì vậy, nếu trẻ chưa tiêm đủ mũi MMR, phụ huynh nên cho trẻ tiêm đủ và đúng theo lịch” – BS Thành cho biết.
Các mũi tiêm phòng sởi cho trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý:
Trong Tiêm chủng mở rộng lịch tiêm cho trẻ em như sau:
9 tháng: Sởi đơn (TCMR)
18 – 24 tháng: Tiêm mũi sởi - rubella
Trong tiêm chủng dịch vụ:
9 – 12 tháng: Sởi – Quai bị - Rubella liều 1
Trên 12 tháng tuổi: Sởi quai bị Rubella liều 2
4-6 tuổi: Sởi – Quai bị - Rubella (liều nhắc lại)
Một số lưu ý quan trọng:
Trẻ từ 6 tháng tuổi có thể tiêm vaccine sởi sớm nếu sống trong vùng có dịch. Tuy nhiên, mũi tiêm này chỉ mang tính tạm thời, do vậy, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi cha mẹ cần cho trẻ tiếp tục đi tiêm mũi sởi đơn.
Nếu trẻ chưa tiêm đủ mũi đúng lịch, cha mẹ cần tiêm bù càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ mắc bệnh.