Vì sao năm nào cũng phải đưa con đi tiêm vắc xin cúm, trẻ bị cúm cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu này
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh cúm mùa, vì vậy bố mẹ nên chủ động tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi theo đúng lịch để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm theo mùa, thường xuất hiện vào mùa đông, do các chủng vi rút cúm A(H3N2), A(H1N1), B và C gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ mũi họng.
Ngoài ra, virus cúm cũng có thể tồn tại trên các bề mặt đồ dùng, dụng cụ ăn uống mà người bệnh đã tiếp xúc. Do đó, nếu người khỏe mạnh chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa tay lên miệng, mũi hoặc mắt, họ cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Đối với người khỏe mạnh, cúm thường chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, như tổn thương đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu, co giật và thậm chí là tử vong.
Mức độ nghiêm trọng của các biến chứng này phụ thuộc vào loại virus cúm và khả năng chống lại bệnh của cơ thể mỗi người.
Vì sao năm nào cũng phải đưa con đi tiêm vắc xin cúm?
- Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh cúm và thường biến chứng cúm ở trẻ em có mức độ nguy hiểm hơn so với người lớn. Hằng năm có rất nhiều trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện vì biến chứng của bệnh cúm.
- Có rất nhiều chủng virus cúm và các loại virus gây bệnh cúm luôn biến đổi (thay đổi tính kháng nguyên) qua từng năm. Vì vậy, kháng thể được tạo ra do vắc-xin có thể hiệu quả trong năm nay nhưng có thể không còn tác dụng đối với virus cúm trong năm sau.
- Theo thời gian, các kháng thể do vắc-xin cúm tạo ra cũng suy yếu dần.
- Thành phần vắc-xin cúm luôn được cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp với các chủng cúm đang lưu hành. Do đó, khuyến cáo trẻ em nên tiêm phòng cúm hàng năm để kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của các chủng virus cúm.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho trẻ em
Các chuyên gia cho biết tiêm vắc xin cần phải đủ liều và đúng lịch thì cơ thể mới có đủ thời gian hình thành kháng thể chống lại các tác nhân xâm nhập và tấn công.
Chính vì vậy, để phòng bệnh cúm hiệu quả cho con, bố mẹ hoặc người giám hộ cần lưu ý lịch tiêm vắc xin cúm cho trẻ em để giúp con được phòng ngừa chủ động trước bệnh cúm mùa và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Liều tiêm và lịch tiêm vắc xin cúm ở trẻ em cụ thể như sau:
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn: Tiêm liều 0,5 ml.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa từng tiêm vắc xin cúm thì tiêm 02 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
- Trẻ từ trên 9 tuổi và người lớn thì tiêm 01 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Trẻ bị bệnh cảm cúm uống thuốc gì?
Theo các bác sĩ, điều trị bệnh cảm cúm ở trẻ khác với người lớn. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà cách thức điều trị khác nhau. Nếu bệnh có triệu chứng nhẹ thì trẻ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà, trong đó chủ yếu là điều trị các triệu chứng:
+ Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ C, uống 4 - 6 giờ/lần. Bé có thể uống các loại thuốc như: Acetaminophen, Ibuprofen,… Nếu không biết chắc chắn về tác dụng cũng như cách dùng của thuốc, bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.
+ Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm khi trẻ bị cảm cúm sổ mũi. Bởi nước ấm không chỉ có tác dụng bù nước mà còn giúp làm loãng đờm nhầy, khiến đờm nhầy ở cổ họng trôi xuống dạ dày. Các vi khuẩn, virus trong đờm sẽ bị tiêu diệt ngay sau đó bởi acid dịch vị. Nhờ đó, trẻ long đờm, giảm ho, mau khỏi bệnh.
+ Để giúp trẻ thải nhiệt ra ngoài khi bị sốt, bố mẹ có thể dùng một chiếc khăn mỏng, mềm nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô và lau khắp người cho trẻ. Đặc biệt, bố mẹ nên chú ý lau kỹ ở các vị trí như: nách, bẹn và trán để nhiệt thoát ra nhanh hơn. Tránh trường hợp dùng nước lạnh, rượu hoặc cồn để lau người. Bởi vì, việc này không giúp trẻ hạ sốt mà còn làm bệnh trở nên nặng hơn.
+ Cho con nghỉ ngơi nhiều hơn và cung cấp các bữa ăn bổ dưỡng cho trẻ. Cha mẹ cần tăng cường các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất như rau củ, hoa quả tươi trong mỗi bữa ăn.
Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng nặng hoặc có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và kết hợp điều trị hồi sức tích cực. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại cảm cúm. Nếu một người có nguy cơ bị các biến chứng cúm nặng, CDC đề nghị điều trị kịp thời bằng thuốc kháng vi rút. Những loại thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng, rút ngắn bệnh 1–2 ngày và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa cảm cúm cho trẻ hiệu quả
Dự phòng là phương pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ sống khỏe và phát triển tốt, tránh được những bệnh truyền nhiễm trong đó có cảm cúm. Để phòng ngừa bệnh cảm cúm cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách hướng dẫn con rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ. Trẻ cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ngoài ra còn những lúc con cảm thấy tay mình bị bẩn.
- Khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi nên dùng khăn giấy che và vứt bỏ, rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh và nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau dọn.
- Trong mùa cảm cúm nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Không nên cho trẻ vui chơi ngoài nắng gắt.
- Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ với các món ăn giàu dưỡng chất và uống đủ nước. Trẻ cần ngủ nhiều, năng động và giảm căng thẳng.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mỗi năm.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Cần cho trẻ nhập viện ngay khi trẻ có những biểu hiện sau:
Sốt cao liên tục trên 39 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt không đáp ứng.
Biểu hiện co giật.
Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, nôn trớ nhiều lần, bỏ ăn/bỏ bú, chân tay lạnh.
Khó thở, thở nhanh.
(Tổng hợp)