Phụ nữ mang thai tiêm vaccine phòng cúm được không?
Tiêm phòng cúm là biện pháp bảo vệ bà mẹ và thai nhi trước các biến chứng nguy hiểm của cúm. Tuy nhiên, nếu chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì trong thai kỳ, người mẹ có tiêm loại vaccine này được không?
Cúm là căn bệnh thường gặp trong giai đoạn thời tiết giao mùa hoặc trở lạnh. Một trong những nhóm đối tượng dễ mắc căn bệnh này là phụ nữ mang thai.
Theo BS Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Tiêm chủng- Trường Đại học Y Hà Nội, phụ nữ mang thai có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt là sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm hơn so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi. Do đó thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Trung bình một trường hợp mắc cúm có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày, nhưng với phụ nữ mang thai thì thời gian có thể lâu hơn vài ngày.
Dù đa số các trường hợp nhiễm cúm đều diễn biến lành tính và khỏi bệnh trong vài ba ngày, bệnh cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với bà mẹ và thai nhi. Do phụ nữ mang thai có nhu cầu oxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó, khi nhiễm cúm, thai phụ có nguy cơ cao bị viêm phổi. Tình trạng viêm phổi ở phụ nữ mang thai cũng dễ diễn biến nặng hơn nhiều so với người bình thương khác.
Khi người mẹ mắc cúm có thể gây nên hiện tượng sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Thai phụ bị cúm có thể gây rối loạn trong sự phát triển của cơ thể thai nhi và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của thai nhi cũng như nhiễm sắc thể trong những tháng đầu của thai kỳ và dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở em bé như hở hàm ếch, nhẹ cân, mắc bệnh tim bẩm sinh, rối loạn tâm thần khi bé trưởng thành.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm cho phụ nữ mang thai chính là tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Tuy nhiên, nhiều thai phụ đã không kịp tiêm vaccine này trước khi mang thai. Do đó, các mẹ cũng thắc mắc, trong thai kỳ thì có thể tiêm được hay không?
BS Nguyễn Văn Thành cho biết, theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Mỹ, thai phụ có thể tiêm vaccine phòng cúm vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ mà không sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Hội Y học sự phòng Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên, phụ nữ mang thai nên tiêm 1 liều vaccine phòng bệnh cúm mùa nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Thành, tốt nhất phụ nữ mang thai nên tiêm khi thai kỳ khoảng 20 tuần trở lên, không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu của thai nhi chưa ổn định.
“Vaccine phòng cúm không phải là loại vaccine dạng sống giảm độc lực mà được sản xuất từ một loại virus bất hoạt, vì vậy nó an toàn cho cả mẹ và bé trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Các tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm bao gồm đau nhức ở cánh tay, đỏ, đau hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi… Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, không gây ra các hệ lụy nghiêm trọng khác, chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tình trạng này sẽ biến mất chỉ sau từ 1 đến 2 ngày” – BS Nguyễn Văn Thành giải thích.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Thành những người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng với bất kỳ thành phần nào của vaccine cúm thì không nên tiêm loại vaccine này. Hoặc những người đã từng tiêm vaccine cúm và bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng không nên tiêm loại vaccine cúm gây ra phản ứng dị ứng trước đó. Những thai phụ có tiền sử dị ứng với trứng gà cũng nên thận trọng khi tiêm vaccine cúm và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.
Cùng với việc tiêm vaccine để tạo kháng thể phòng bệnh chủ động, BS Nguyễn Văn Thành hướng dẫn, bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ nên chú ý thực hiện những biện pháp dự phòng khác nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm cúm và tránh được nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Đó là: hạn chế đi đến nơi đông người; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cún; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng; tăng cường hệ thống miễn dịch cho bản thân bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ; làm sạch và khử trùng các bề mặt trong gia đình và nơi làm việc.
Phụ nữ mang thai, sau khi tiêm vaccine phòng cúm không loại trừ hoàn toàn khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên khi bị cúm sẽ thường nhẹ hơn, khỏi nhanh và hạn chế và giảm được các biến chứng do cúm gây ra, ngăn ngừa khả năng thai nhi bị dị tật. Trong trường hợp nghi ngờ mắc cúm, thai phụ nên đến các cơ sở khám sản uy tín gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị.