Vì sao bỏ mặc khi con thất bại lại là cách giáo dục trẻ tuyệt vời nhất?
Cứu các con khỏi thất bại không phải là công việc của tôi. Công việc của tôi là yêu thương các con qua những thất vọng trong đời và cho chúng công cụ để tự tìm cách xử lý mọi chuyện.
“Nếu con cái chúng ta không vấp ngã, chúng sẽ không học được cách đứng lên”. Những lời ấy tôi thốt lên khi đứng cạnh một người bạn trong công viên vào một ngày thứ Ba. Cô ấy vừa kể cho tôi nghe về chuyện tập cho con trai ngồi bô và những thay đổi mới nhất ở trường mầm non. Trong lúc câu chuyện tiếp diễn, cả hai chúng tôi đều hướng mắt về phía một bà mẹ đang mệt mỏi chạy đuổi theo cậu con trai 5 tuổi khắp sân chơi.
Cô ấy đang leo lên các bậc thang.
Cô ấy đang chạy vòng vèo bên dưới cầu trượt.
Cô ấy đang lao qua khoảng không dưới khung chơi leo trèo.
Ở mỗi chuyển động, cô ấy đều bám sát con trai mình, để đảm bảo cậu bé không bị vấp ngã. (Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh, đây là một cậu bé 5 tuổi có thể trò chuyện, có thể đi lại và có thể chạy).
Tất nhiên, tất cả chúng ta đều làm mọi việc không giống nhau. Và tôi không hề nghi ngờ việc người mẹ ấy đang làm chính xác những gì mà cô ấy cần làm.
Nếu con cái chúng ta không vấp ngã, chúng sẽ không học được cách đứng lên. (Ảnh minh họa)
Nhưng, tôi tin rằng, có đôi điều cần nói về việc không phải lúc nào cũng đỡ lấy con trước khi con ngã. Bởi vì nếu chúng ta không để con ngã, chúng sẽ không bao giờ học được cách đứng lên.
Cho dù đó là trên sân chơi hay trong cuộc đời.
Bạn thấy đấy, theo kinh nghiệm của tôi, khi chúng ta cảm nhận thất bại (giống như thực sự cảm nhận được), chúng ta sẽ học được cách giải quyết.
Bạn có nghe thấy không? Chúng ta sẽ học được cách giải quyết.
Trên thực tế, thường thì chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết tốt hơn.
Trong quá trình ấy, thường thì chúng ta sẽ được trải nghiệm và hiểu được giá trị của sự khiêm tốn, nhún nhường.
Chúng ta khôn lớn. Chúng ta học hỏi. Chúng ta trở nên bao dung hơn.
Nhưng không có thất bại ban đầu ấy, những phản ứng theo chuỗi tuyệt đẹp này thậm chí không có cơ hội để bắt đầu diễn ra.
Với tôi, trong 5 năm làm cha mẹ vừa qua, tôi nhận thấy, việc để con cái trải nghiệm thất bại là công cụ giáo dục con tốt nhất mà tôi có.
Và như thế nghĩa là, tôi để các con tôi ngã.
Về cơ bản, tôi để các con bị thương.
Và đôi khi (điều này có thể khiến bạn rất sốc), tôi thậm chí còn để các con cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Vào một ngày nọ, khi tôi đang quan sát 6 đứa trẻ tại nhà tôi (đây là một phần trong chương trình thay nhau trông trẻ của nhóm các bà mẹ mà tôi tham gia) thì con trai cả của tôi bắt đầu cư xử thô lỗ và tỏ ra hiếu chiến với những đứa trẻ còn lại.
Tất nhiên, tôi cố gắng ngăn chặn việc đó.
Tôi lên tiếng sửa lỗi của con. Tôi cho con khoảng thời gian nhất định để bình tĩnh lại. Tôi tách con ra khỏi nhóm. Tôi thậm chí còn phát vào mông cháu. Nhưng chẳng cách nào hiệu quả. Cho tới khi, một đứa trẻ cuối cùng cũng lên tiếng: “Chúng tớ không muốn chơi với cậu nữa”. Và những đứa trẻ còn lại đều đồng tình.
Con trai tôi vẫn cố gắng hoà nhập lại với các bạn. Thằng bé đi về phía bên kia vòng tròn, để xem liệu có đứa trẻ nào cho cháu nhập hội không. Thằng bé còn nói “làm ơn” nữa. Và sau đó, cháu đi về phòng để tìm một món đồ chơi mới, mời các bạn cùng chơi. Nhưng đã quá muộn. “Không, chúng tớ không muốn chơi với cậu vì cậu ích kỷ lắm”.
Khi tôi chứng kiến những chuyện đó, bản năng đầu tiên của tôi là đề nghị bọn trẻ cho con tôi nhập hội trở lại.
Nhưng rồi, tôi nhận ra, nếu tôi làm như vậy, tôi sẽ không giúp con có được trải nghiệm học hỏi lớn nhất: về cảm giác những hậu quả tất yếu sẽ xảy ra vì hành động của con. Khi thằng bé lại về phía tôi, khóc lóc, tôi ôm cháu. Và tôi biết chính xác mình phải nói gì.
“Nếu con thô lỗ và hiếu chiến với người khác, họ sẽ không muốn chơi với con. Hãy cố gắng tỏ ra tử tế và lịch thiệp rồi xem các bạn có cho con nhập hội lại không”. Tôi thì thầm vào tai cháu. Dễ dàng vậy thôi.
Hoá ra, hình phạt của tôi và cả những lời nhắc nhở bằng miệng cũng không thể so với cảm giác đau nhói vì bị tẩy chay mà con trai tôi đã trải nghiệm được như một hậu quả tất yếu của việc cư xử thô lỗ với người khác. Bài học đã được tiếp nhận.
Và tôi không phải làm gì khác ngoài việc để nó tự diễn ra.
Tôi đặc biệt ghi nhớ cái ngày mẹ quên đón tôi hồi học cấp 3. Tôi là con cả, trong số 4 anh chị em, và không nghi ngờ gì nữa, mẹ đã có một ngày vất vả với các em nên quên mất việc đón tôi. Sau khi chờ đợi cả tiếng đồng hồ ở trường, tôi đi bộ gần 5km về nhà. Tôi đã đập cửa bằng tất cả cơn giận dữ tích tụ trong lòng, dằn dỗi lao vào phòng bếp và hét vào mặt mẹ tôi rằng mẹ đã bỏ quên tôi.
Ngã xuống khiến chúng ta tốt hơn. Bởi vì chúng ta học được cách đứng dậy thế nào.
Đêm muộn hôm đó, cha nói với tôi rằng tôi sẽ không còn được đưa đón tới trường vào ngày hôm sau nữa. Tôi cho rằng dù thế nào mẹ vẫn sẽ làm việc đó. Nhưng sáng hôm sau, mẹ từ chối chở tôi đi học. Đó là vào giữa kỳ và với một học sinh luôn được điểm A, đang sẵn sàng để nộp đơn vào đại học thì việc đi muộn không phải lựa chọn hay. Trong tâm trí tôi, bỏ lỡ những bài kiểm tra này sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp học hành của tôi. Tôi cầu xin mẹ. Tôi nói với mẹ rằng mẹ đang huỷ hoại tương lai của tôi mà mọi thứ mà tôi vì chúng luôn phấn đấu hết sức. Nhưng mẹ vẫn giữ lập trường của mình và ngày hôm đó, tôi đi bộ tới trường. Và tôi đã bỏ lỡ bài kiểm tra.
Mẹ đã không nâng đỡ tôi khỏi thất bại. Mẹ để tôi chịu đựng và trải nghiệm thất bại. Mẹ để tôi tìm cách giải quyết. Mẹ để tôi học hỏi.
Và giờ đây, khi đã làm mẹ, tôi nhận ra rằng, tôi muốn các con tôi trải nghiệm thất bại bởi vì thất bại là cách chúng ta khôn lớn, học hỏi và nghĩ vượt qua bên ngoài bản thân chúng ta. Đó là cách chúng ta tự giáo dục mình để hiểu rằng điều gì là đúng và đáng tôn trọng, còn gì không. Đó là cách chúng ta trở nên có trách nhiệm và biết bao dung.
Ngã xuống khiến chúng ta tốt hơn. Bởi vì chúng ta học được cách đứng dậy thế nào.
Cứu các con khỏi thất bại không phải là công việc của tôi. Công việc của tôi là yêu thương các con qua những thất vọng trong đời và cho chúng công cụ để tự tìm cách xử lý mọi chuyện.
Và vì thế, lần tới, nếu bạn muốn đỡ cho con để tránh đầu gối bầm tím hay lòng tự trọng bị tổn thương hay bị lỡ chuyến xe bus, hãy nhớ rằng bạn có thể đang cướp đi khỏi chúng sự giáo dục tuyệt vời nhất mà chúng lẽ ra được hưởng: sức mạnh của việc biết rằng có những hậu quả tất yếu cho hành động của chúng và rốt cuộc, chúng sẽ phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình.
Nuôi dạy con cái theo cách mà trẻ nên tiến bước trên đường đời. Và khi con bạn có vấp ngã trên đường đi, hãy đứng bên đường và tận hưởng ghế hàng đầu để quan sát con khôn lớn, biết học hỏi và bắt đầu nghĩ rộng ra ngoài bản thân mình.
Vài nét về tác giả: Janie Porter từng làm phóng viên thời sự trên tivi suốt 8 năm liền. Hiện tại, Porter đảm nhận công việc của một bà mẹ toàn thời gian với 3 cậu con trai dưới 5 tuổi. Trang blog riêng mang tên SheJustGrows.com của Porter là nơi cô chia sẻ một số lựa chọn nho nhỏ giúp cô giảm hơn 11kg và truyền cảm hứng cho độc giả tìm thấy ánh sáng bên trong tâm hồn thông qua ẩm thực, tập luyện và niềm tin về những gì mà họ xứng đáng được hưởng. |
(Nguồn: H/T)